Diễn đàn năng lượng

Năm chàng trai, một khát vọng đưa điện mặt trời về quê nghèo

Thứ tư, 4/12/2013 | 08:56 GMT+7
Năm chàng trai mang đến “cơn mưa rào” tưới lên đồng ruộng khô hạn của bà con nông dân xứ cát bay Ninh Thuận bằng hệ thống tưới tiêu sử dụng năng lượng mặt trời ở nông thôn.

Họ là Lương Văn Liêm, LinhRin, Thành Nhân, Quốc Việt và Thiện Vương.
 


Năm thành viên dự án bàn bạc đề tài.
Thay trời làm mưa

Xuất thân trong gia đình làm nông nghiệp ở Ninh Thuận, từ nhỏ Lương Văn Liêm (Sinh viên Khoa Điện năng, ĐH Bách Khoa TP.Hồ Chí Minh) chứng kiến bố mẹ và người dân địa phương ngày ngày phải vật lộn trên cánh đồng nho với những phương pháp tưới tiêu chân tay cực nhọc mà hiệu quả cho cây trồng không cao.

Chính điều này đã thôi thúc Liêm và các bạn tìm tòi, nghiên cứu cho ra đời hệ thống tưới tiêu tự động sử dụng năng lượng mặt trời nhằm giúp nông dân tiết kiệm chi phí và nâng cao năng suất cây trồng nhờ chủ động được nguồn nước.

Qua một năm miệt mài “ăn cùng pin mặt trời, ngủ cùng pin mặt trời” để khảo sát, lên ý tưởng, thiết kế, thử nghiệm..., dự án Hệ thống tưới tiêu sử dụng năng lượng mặt trời ở nông thôn Ninh Thuận của Lương Văn Liêm và 4 bạn sinh viên cùng khoa Điện năng (ĐH Bách Khoa TP.Hồ Chí Minh) hoàn thành.

Dự án được gửi dự thi Giải thưởng Holcim Prize 2012 và đạt giải đặc biệt bởi tính khả thi của nó và nhóm tác giả trẻ nhận được tài trợ kinh phí thực hiện thí điểm dự án trên cánh đồng mẫu. Năm chàng trai trẻ đã chọn Ninh Thuận, nơi có khí hậu khô hạn, nắng nóng vào loại nhất nước để triển khai dự án.

Nhóm đã biết sự khắc nghiệt của xứ sở “thiếu mưa, thừa nắng” này thành lợi thế. Quả thật, có nhiều lí do để tin tưởng vào dự án khi tổng số giờ nắng trung bình ở Ninh Thuận là 2837,8 giờ/năm thuộc hàng cao nhất cả nước.

Chưa hết, trong quá trình dự án triển khai trên thực địa, nhóm trưởng Lương Văn Liêm còn hào hứng khi phát hiện ra : “Chất lượng nắng ở quê mình cực tốt, khi qua tấm pin mặt trời cho hiệu suất tạo điện trên tấm pin 85 W đạt 40 đến 50%, gấp 1,5 lần so với hiệu suất trung bình”.

Cả nhóm và những kĩ sư theo sát dự án đều thốt lên ngạc nhiên về độ bức xạ cao, từ đó sinh ra năng lượng nhiều của nắng Ninh Thuận. Có thành viên còn ví von “nắng Ninh Thuận như sinh ra để làm pin năng lượng mặt trời vậy”.

Dự án hệ thống tưới tiêu hoa màu sử dụng ánh sáng mặt trời của cả nhóm chính thức được đưa vào hoạt động thử nghiệm tại Ninh Thuận đầu tháng 5-2013. Trong đó ¾ diện tích tưới phun cho phù hợp với đặc trưng cây đậu phộng, 1 phần đất còn lại phục vụ tưới nhỏ giọt.
 


Lắp đặt tấm pin năng lượng giữa đồng để thu điện năng .

Giai đoạn 1 của dự án tưới tiêu, được thử nghiệm ở hộ gia đình ông Nguyễn Hữu Lương, thôn Từ Tâm 2 (xã Phước Hải, huyện Ninh Phước) trên thửa ruộng 4 sào trồng đậu phộng và dưa.

Lúc nhóm mới đặt vấn đề, ông Lương nghi ngại bảo: “Miếng đất toàn cát, lại thiếu nước, cây đậu chẳng chịu kết hạt đâu. Năm nào thiếu mưa là chú phải bỏ đất hoang, bà con đây toàn chờ nước trời thôi. Điện đóm chán lắm, chỉ đủ cho sinh hoạt, yếu lắm chẳng thể tưới tiêu, chỉ có cách mua dầu chạy mô tơ thôi”.

Xã Phước Hải, cách trung tâm thành phố Phan Rang chỉ khoảng 10 km nhưng vì là vùng thưa thớt dân cư, mạng lưới điện chưa đến được mới mọi người dân địa phương.

Nhiều nhà phải dùng chung một công tơ, điện rất yếu, khi một gia đình nào đó bơm nước tưới thì những hộ dân còn lại không sử dụng được. Chính vì thế nhiều mảnh đất canh tác ở đây hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn nước trời, chỉ sản xuất một mùa vụ, mùa khô thì bỏ hoang.

Thỏa cơn khát điện

Trăn trở của những người nông dân ở quê mình càng thôi thúc Liêm và cả nhóm khắc phục những khó khăn để triển khai thực hiện dự án. Kết cấu của hệ thống điện mặt trời này gồm 10 tấm pin mặt trời để tạo điện năng, bồn chứa nước, bộ điều khiển và các cảm biến mức nước, mô tơ bơm nước và hệ thống ống dẫn nước.

Hệ thống có công suất 0,8 kWp, tuổi thọ sử dụng khoảng 15 năm và chi phí đầu tư ban đầu khoảng 100 triệu đồng. Người nông dân tham gia dự án chịu chi phí đào giếng và ống với khoảng 25 triệu đồng nên lúc đầu cũng không khỏi lo ngại vì lâu thu hồi vốn và đây cũng là thử thách đối với nhóm.
 


Nhóm sinh viên triển khai dự án trên cánh đồng mẫu. Nước bắt đầu phun liên tử máy bơm sử dụng năng lượng mặt trời. .

Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Trần Thọ, trưởng ban Văn hóa - Xã hội, Hội nông dân tỉnh Ninh Thuận, dự án đang có những tín hiệu khả quan, mang lại hiệu quả cao nên có thể thu hồi vốn trong vòng 2 đến 3 năm.

Những nhận định của ông Thọ tỏ ra có lí khi sau mùa vụ đầu tiên, gia đình ông Lương thu về 17 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư, lãi hơn 15 triệu đồng. Chưa hết, thời gian tưới tiêu chỉ một mình ông Lương trên cánh đồng thay vì huy động cả gia đình quần quật vào những ngày nắng hạn như trước đây.

Ông Lương không giấu được sự phấn khởi. “Vùng đất này thuộc loại khô hạn nhất tỉnh, cát bay mù mịt lại ở cách xa lưới điện hạ thế, nên muốn có điện để bơm nước, tụi tôi phải tự kéo dây vào, tốn kém đã đành lại không an toàn. Khi lắp đặt hệ thống điện mặt trời, nguồn điện thu được có thể sử dụng suốt ngày, vừa cung cấp điện chiếu sáng, vừa bơm nước tưới tiêu hoa màu.

Có chủ động được nguồn điện và nước tưới ổn định, người dân sản xuất được 3 vụ/ năm, gấp 3 lần so với trước, nhờ đó nguồn thu nhập cũng sẽ tăng” – ông Lương nói. Hơn nữa, theo ông Lương phin mặt trời dễ lắp đặt và sử dụng, rất phù hợp với những vùng ở xa lưới điện. Chính vì thế khi biết Hội nông dân tỉnh tìm hộ dân để thử nghiệm dự án, gia đình ông xung phong hưởng ứng.
 


Ruộng đậu phộng gia đình ông Lương, nơi ứng dụng hệ thống pin mặt trời, trong ngày thu hoạch..

Từ kết quả của hộ gia đình ông Lương, nhiều bà con trong địa phương đến tìm hiểu và bày tỏ hào hứng muốn đưa tấm pin vào tạo điện trong sản xuất và sinh hoạt.

Giữa tháng 12, trong tổng kết và đề xuất hướng ứng dụng và nhân rộng mô hình pin mặt trời, nhóm trưởng Liêm chia sẻ mong muốn chuyển giao dự án cho một tổ chức hay nhà tài trợ hỗ trợ nhân rộng mô hình trong bà con, để diện mạo ngành trồng trọt khởi sắc, không phải “trông trời, trông nước, trông điện”.

Với tấm pin năng lượng mặt trời, bà con nông dân miền cát trắng Ninh Thuận có thể chủ động gieo trồng, biến nhược điểm trong trồng trọt là nắng quá nhiều thành nguồn điện sạch thông qua một thiết bị thân thiện với môi trường, để nguồn điện ấy quay ngược trở lại phục vụ tưới tiêu.

Thầy Minh Phương (Đại học Bách Khoa TP.Hồ Chí Minh), người hướng dẫn nhóm thực hiện dự án, cho biết: “Hệ thống bơm tưới tiêu tự động không chỉ giúp giảm sức lao động mà còn còn có thể để bơm nước, thay vì dùng điện sinh hoạt, giúp tiết kiệm chi phí và điện.

Năng lượng mặt trời có ưu điểm là sạch, chi phí nhiên liệu và bảo dưỡng thấp, đồng thời việc sử dụng nguồn năng lượng xanh này thay cho các nguồn năng lượng hóa thạch làm giảm bớt ô nhiễm môi trường”.

Tại Ninh Thuận, tổng số ngày nắng và nguồn bức xạ nhiệt cao, vào khoảng 5,5 kwh/m2/ngày, rất thuận lợi để người dân áp dùng công trình nghiên cứu của nhóm sinh viên.
Theo: Tiền phong Online