Tại buổi làm việc ông Ngô Sơn Hải – Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, năm 2020 là năm khởi đầu của giai đoạn khó khăn trong cân đối cung cầu điện. Cùng với đó, năm 2020 sẽ đối mặt rất nhiều thách thức khi các hồ chứa thủy điện cuối năm 2019 không thể tích nước đầy hồ chứa. Nguồn năng lượng tái tạo cũng chỉ bổ sung sản lượng nhỏ. Chính vì thế Tập đoàn chắc chắn sẽ phải huy động cao nguồn nhiệt điện dầu. Tập đoàn đưa ra mục tiêu độ khả dụng các tổ máy trên 90%, số giờ vận hành phải đạt từ 7.000 giờ/năm trở lên với sản lượng điện sản xuất ước 12,6 tỷ kWh điện. Chính vì vậy Nhà máy phải đưa ra các giải pháp cụ thể trong việc vận hành các tổ máy.
Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải chỉ đạo, Nhà máy cần quan tâm đến tình trạng suất tiêu hao than. Trong đó cần quản lý tiêu hao than từ chỗ tiếp nhận đến kho than và đưa ra quá trình quản lý, tiêu thu than chi tiết, cụ thể hơn, lắp đặt hệ thống camera giám sát trong quá trình giao nhận than. Nhà máy cần tiếp tục quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường như làm kín hệ thống băng tải than, triển khai lắp đặt mái che kho than. Ngoài ra, cần chú trọng công tác đào tạo, học tập tại các nhà máy nhiệt điện trong nước và cả nước ngoài để nâng cao chất lượng đội ngũ quản lý, vận hành nhà máy.
Phó Tổng Giám đốc EVN Ngô Sơn Hải chỉ đạo tại buổi làm việc.
Ông Phạm Đình Quang – Phó Giám đốc Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 cho biết, để đạt được kế hoạch Tập đoàn giao năm 2020, Nhà máy sẽ tập trung củng cố thiết bị trong thời gian trung tu các tổ máy cuối năm 2019 và đầu năm 2020, nâng cao năng lực bốc dỡ than đảm bảo đủ than vận hành cho 3 tổ máy, chuẩn bị vật tư dự phòng sẵn sàng thay thế khi có hư hỏng đột xuất.
Nhà máy tiếp tục xây dựng và áp dụng hiệu quả phần mềm quản lý kỹ thuật nhà máy điện. Theo dõi sát sao tình tràn vận hành của thiết bị để đánh giá chính xác tình trạng hư hỏng của thiết bị để từng bước hoàn thiện kế hoạch sửa chữa, bảo dưỡng và tổ chức thực hiện nghiêm túc kế hoạch đã đề ra đảm bảo độ an toàn và tin cậy của thiết bị. Trong quá trình thực hiện phải tổ chức họp đánh giá để đảm bảo tiến độ và chất lượng sửa chữa.
Trong công tác đảm bảo các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, Nhà máy sẽ tiếp tục triển khai đề án giảm suất tiêu hao nhiệt, suất tiêu hao than. Triển khai xây dựng Phòng Thí nghiệm Hóa đạt chuẩn để kiểm soát tốt hơn chất lượng than, dầu, hơi nước nhằm xây dựng phương án vận hành phù hợp.
Đào tạo nâng cao và thuê đơn vị đào tạo hiệu chỉnh lò thường xuyên để giảm suất tiêu hao, tăng độ vận hành tin cậy của các tổ máy; Phối hợp chặt chẽ đơn vị sửa chữa để triển khai công tác sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị một cách hợp lý giảm thiểu sự cố thiết bị có thể xảy ra.
Tăng cường công tác phối hợp giữa Đơn vị sửa chữa và vận hành để khắc phục triệt để các khiếm khuyết phát sinh trong quá trình vận hành, tổ chức các buổi bồi huấn chuyên đề liên quan để phổ biến và chia sẻ kinh nghiệm trong công tác vận hành và sửa chữa. Riêng đối với công tác sửa chữa lớn phải đảm bảo hiệu quả và đạt chất lượng cao từ khi khảo sát, lập phương án kỹ thuật, lập dự toán và triển khai đấu thầu, đến khi tổ chức thực hiện, chỉ đạo đôn đốc, giám sát và nghiệm thu chất lượng sau sửa chữa.
Tính đến ngày 01/12/2019, tổng sản lượng điện Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 là 6,578 tỷ kWh điện. Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng sản xuất được 591,55 triệu kWh.
Một số mục tiêu của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 năm 2020:
- Tổng sản lượng điện sản xuất: Trên 12 tỷ kWh điện;
- Số giờ vận hành: Từ 7.000 giờ trở lên;
- Điện tự dùng và các hạn mục dùng chung: 789,38 triệu kWh điện;
- Suất tiêu hao dầu DO: 0,735 g/kWh
- Suất tiêu hao thô của than:
+ Nhà máy Vĩnh Tân 4: 508,6 g/kWh
+ Nhà máy Vĩnh Tân 4 mở rộng: 507,07 g/kWh