Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Tuy nhiên, thời gian qua, Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc - Bộ Quốc phòng (hai đơn vị cấp than sản xuất trong nước cho các nhà máy điện) do những khó khăn nhất định nên không thể cung cấp đủ lượng than trong nước phục vụ cho nhu cầu phát điện.
“Khối lượng than cấp cho phát điện mà trong nước không sản xuất đủ sẽ được TKV và Tổng công ty Đông Bắc nhập khẩu thêm than về pha trộn với than sản xuất trong nước. Ngoài ra, EVN cũng đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương cho phép Tập đoàn được chủ động nhập khẩu một phần than để đảm bảo nguồn than cho sản xuất điện,” EVN cho biết.
Với kế hoạch cung cấp điện do Bộ Công Thương phê duyệt, tính toán cân đối cung cầu, cũng như lường trước khó khăn, thách thức đặt ra, EVN đang tập trung ở mức cao nhất để bảo đảm cung ứng đủ điện, an toàn và ổn định cho cả năm 2019, nhất là khu vực phía Nam. EVN cũng đã thường xuyên làm việc, trao đổi với TKV để các nhà máy nhiệt điện ký hợp đồng mua than dài hạn. Ngoài ra, EVN cũng đã đề nghị Tổng công ty Khí Việt Nam (PVGAS) có các giải pháp tìm các nguồn khí mới và bổ sung các nguồn khí đang bị suy giảm.
Trước tình hình cung cấp nhiên liệu khó khăn, ông Phạm Mạnh Thắng, Thành viên HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng chiến lược của EVN là phải chủ động tách ra độc lập, không phụ thuộc vào các đối tác cung cấp nhiên liệu trong nước; đồng thời kiến nghị Chính phủ phải hình thành thị trường năng lượng sơ cấp.
Theo ông Thắng, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các nhà máy nhiệt điện phải tự lo nguồn nhiên liệu than. Ngoài TKV và Tổng công ty Đông Bắc cung cấp còn phải tính đến cả than nhập khẩu từ Nam Phi với giá thấp hơn than trong nước, nhiệt trị cao hơn, độ tro thấp hơn và tổ máy vận hành liên tục, không bị sự cố từ nguồn than này.
Do vậy, trên cơ sở biểu đồ cung cấp than của TKV và tính toán trên nhu cầu sử dụng than của mỗi đơn vị, các GENCO cần phải tăng nhập khẩu than so với lượng mà TKV và Tổng công ty Đông Bắc cam kết, đảm bảo than dự trữ trong kho, đáp ứng yêu cầu sản xuất điện. Việc chủ động dự trữ các nguyên liệu sơ cấp là trách nhiệm của nhà máy nhiệt điện để tránh phụ thuộc vào 2 nhà cung cấp than truyền thống.
Bên cạnh đó, do năng lực cung cấp khí của PVGAS cũng thấp hơn so với nhu cầu nên để giải quyết vấn đề này về lâu dài, ông Thắng đã yêu cầu Tổng công ty Phát điện 3 (EVNGENCO 3) tìm nguồn cân đối khí LNG trung và dài hạn, tính cả hai nhà máy điện Bà Rịa và Phú Mỹ, trình Tập đoàn để thông qua và triển khai.
Cùng chung quan điểm này, ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng giám đốc EVN cũng cho rằng dự kiến đến năm 2030, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu 90 triệu tấn than, do vậy trong chiến lược của ngành than là phải có dự trữ để đảm bảo an ninh năng lượng và EVN phải xây dựng cơ chế để nhập khẩu than. Về khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), do vốn đầu tư lớn nên ngoài việc chủ động nhập khẩu thì cũng đòi hỏi GENCO phải ký các hợp đồng dài hạn, chưa kể phải kiến nghị Chính phủ cho phép mở thị trường khí, có như vậy mới bớt phụ thuộc vào các đối tác như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng công ty Khí Việt Nam (PVGAS).
Về việc tìm nhiên liệu thay thế cho dầu, theo ông Tài Anh, các nhà máy như Ô Môn, Trà Nóc, Thủ Đức sẽ phải đưa vào vận hành liên tục trong những năm tới khi các nguồn điện chưa vào được và nhu cầu sử dụng điện vẫn tăng khoảng 10%/năm thì riêng đối với Nhiệt điện Ô Môn của EVNGENCO 2, sẽ phải chuyển đổi nguồn nhiên liệu từ phát dầu có giá thành rất cao, gần 5.000 đồng/kWh sang phát bằng khí hóa lỏng, như vậy giá thành sẽ giảm hơn giá dầu khoảng 50%.
Trong giai đoạn thiếu khí như hiện nay, nguồn khí từ PVGAS cấp với sản lượng không đáp ứng, khả năng nguồn khí Sao Vàng-Đại Nguyệt được khai thác vào cuối năm 2020, đầu năm 2021 là cũng chưa chắc chắn nên Tổng công ty Phát điện 3 (EVNGENCO 3) đã yêu cầu các đơn vị đảm bảo đủ dầu cho sản xuất và đảm bảo định mức dầu dự phòng. Đồng thời đề xuất EVN kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo PVN/PVGAS đảm bảo vận hành hệ thống cung cấp khí, đảm bảo nguồn nhiên liệu khí cho sản xuất điện, đặc biệt là trong các giai đoạn cao điểm của mùa khô.
EVNGENCO 3 sẽ tiếp tục làm việc với PVGAS để chuyển chủ thể Hợp đồng mua bán khí Nam Côn Sơn và tăng khối lượng khí bao tiêu, thống nhất Phụ lục Hợp đồng bổ sung nguồn khí Sao Vàng-Đại Nguyệt.
Mặt khác, xúc tiến nhập khẩu khí LNG bằng việc bổ sung LNG kịp thời cho các nhà máy điện Phú Mỹ và cả Bà Rịa với khối lượng từ 0,5-1 triệu tấn/năm, Hợp đồng khoảng 5 năm để bù đắp lượng khí thiên nhiên trong nước thiếu hụt cho giai đoạn từ năm 2021; trong đó có cơ chế đảm bảo tính đặc thù của Hợp đồng mua bán LNG.
Một vấn đề nữa liên quan đến các GENCO cũng được Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh đề cập, đó là tình hình cung ứng điện trong những năm tới được đánh giá là rất khó khăn nếu các GENCO không giải quyết tốt mối quan hệ giữa địa phương và ngành điện trong các khu tái định cư. Bởi nguồn thu của các địa phương từ các nhà máy thủy điện đem lại rất lớn nhưng địa phương họ không đầu tư lại và quan tâm đến các khu tái định cư, dẫn đến người dân tái định cư lại bỏ về nơi ở cũ để sinh sống. “Do đó, các GENCO cần bám sát địa phương và làm rõ trách nhiệm này”, ông Tài Anh cho hay.