Pin năng lượng mặt trời tại Côn Đảo.
Theo Phòng kinh tế huyện Côn Đảo, hiện trên đảo đã có gần 30 khách sạn, Resort, cơ sở lưu trú phục vụ khách du lịch. Năm 2018, huyện đã đón trên 280.000 lượt khách tham quan, du lịch nghỉ dưỡng; 5 tháng đầu năm 2019, trung bình mỗi ngày, Côn Đảo đón 2.000 khách du lịch.
Sự tăng trưởng mạnh của du lịch đã có những tác động tích cực về đời sống kinh tế-xã hội, là động lực chính để bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử của Côn Đảo, đồng thời tạo sức hút đầu tư. Tuy nhiên, lượng khách tăng đột biến cũng tạo nên sức ép về cơ sở hạ tầng và cung cấp điện cho huyện đảo.
Đại diện Công ty Điện lực Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, nhu cầu điện của huyện đảo trong nững năm qua tăng nhanh chóng: Năm 2017, lượng điện tiêu thụ đạt 16 triệu kWh; năm 2018, đạt 19,45 triệu kWh; 5 tháng đầu năm 2019, điện thương phẩm trên địa bàn tăng 25% so với cùng kỳ năm trước và dự báo cả năm sản lượng điện thương phẩm đạt 23 triệu kWh.
Theo ghi nhận của ngành điện, đến thời điểm cuối tháng 5/2019, công suất điện cực đại tại huyện đảo lên đến 3.850 kW và sản lượng ngày cao nhất đạt 75.250 kWh. Nhu cầu điện tăng cao nên các máy phát diesel thường xuyên phải vận hành với công suất cao.
Theo Tổng công ty Điện lực miền Nam, trong những năm qua, ngành điện luôn tập trung đầu tư phát triển nguồn và hệ thống lưới điện, đảm bảo cung cấp đủ điện cho nhu cầu phát triển kinh tế, du lịch tại Côn Đảo. Năm 2017, Tổng công ty Điện lực miền Nam đã lắp đặt 2 tổ máy phát điện 1.500 kWh và 2 trạm biến áp tại Nhà máy điện An Hội (Côn Đảo) với tổng giá trị đầu tư 50 tỷ đồng. Công trình đã nâng tổng công suất của Nhà máy điện An Hội từ 8,56 MW lên 9,8 MW. Năm 2018, ngành điện sẽ đầu tư thêm một tổ máy phát điện diesel, công suất 1.500 kWh để tăng nguồn điện cho Côn Đảo. Và đến năm 2020, ngành điện tiếp tục đầu tư dự án điện năng lượng mặt trời với tổng công suất 3.000Kwp, tổng vốn đầu tư 80 tỷ đồng. Khi các dự án trên được đưa vào hoạt động sẽ bổ sung nguồn điện đáng kể cho Côn Đảo.
Theo ông Nguyễn Văn Giáp - Giám đốc Công ty Điện lực Bà Rịa-Vũng Tàu, công ty đã tiến hành bọc hóa lưới điện 22kV theo tiêu chuẩn, gồm 54,88 km lưới điện trung thế; 24,80 km lưới điện hạ thế; 40 trạm biến áp với tổng công suất 16.500 kVA; 62 trạm biến áp của khách hàng với tổng dung lượng 7.125 kVA. Đồng thời hệ thống điện của Côn Đảo đang được đầu tư để tích hợp các nguồn điện chưa nối lưới như diesel, điện mặt trời, điện gió… trên địa bàn.
Công ty cũng làm việc với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng điện hợp lý theo biểu đồ phụ tải đã thỏa thuận với ngành điện, có thể tự huy động thêm máy phát dự phòng để đáp ứng nhu cầu điện của đơn vị, tạo điều kiện thuận lợi cho Điện lực Côn Đảo có thể tạm dừng vận hành các máy phát để bảo trì, sửa chữa theo kế hoạch. Ngành điện cũng tích cực vận động khách hàng đầu tư điện mặt trời áp mái để giảm áp lực đầu tư của ngành điện; vận động các doanh nghiệp, khách sạn, nhà hàng trong khu dân cư cam kết tắt các thiết bị điện không cần thiết vào ban đêm, giờ thấp điểm, hạn chế sử dụng điện vào giờ cao điểm, sử dụng thiết bị điện như điều hòa, máy nóng lạnh... ở mức hợp lý để tiết kiệm điện.