Nước nóng phun cao trong Vườn quốc gia Yellowstone
Trên toàn thế giới hiện có 24 quốc gia đang khai thác và sử dụng năng lượng địa nhiệt để sản xuất ra lượng điện năng đủ để duy trì cho 60 triệu người – xấp xỉ bằng số dân của Vương quốc Anh. Đến năm 2010, dự tính sẽ có khoảng 46 quốc gia sử dụng tài nguyên năng lượng này để sản xuất ra lượng điện tương ứng với 27 nhà máy nhiệt điện sử dụng nhiên liệu hoá thạch.
Theo báo cáo của Viện Chính sách Trái đất: “Sự khan hiếm các nguồn nhiên liệu hóa thạch cùng với những mối đe doạ về thay đổi khí hậu là những động lực thúc đẩy thế giới đầu tư vào các nguồn năng lượng có khả năng tái tạo như năng lượng gió, năng lượng mặt trời và năng lượng sinh học”. Bên cạnh đó, những vùng thuộc “vành đai lửa ven Thái Bình Dương” là những vùng có tiềm năng địa nhiệt rất lớn. Đây cũng là một nguồn năng lượng sạch có thể thay thế dầu mỏ và than đá trong tương lai.
Hiện nay Mỹ đang là quốc gia đứng đầu về sản xuất điện từ năng lượng địa nhiệt. Một nghiên cứu mới được công bố trong năm nay của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã cho biết: Nếu có thể khai thác được 40% lượng nhiệt nằm dưới lòng đất của nước Mỹ, nó sẽ đáp ứng gấp 56.000 lần nhu cầu hiện nay của đất nước này. Ở các nước đang phát triển như Philippin, Indonexia, Trung Quốc… năng lượng địa nhiệt cũng đã và đang được thăm dò và sử dụng.
Trong đó Philippin là nước sản xuất ra điện lớn thứ hai sau Mỹ. Hiện nay, 23% sản lượng điện của nước này được sản xuất từ nguồn năng lượng địa nhiệt. Mục tiêu của Phillippin đến năm 2010 tăng công suất sản lượng điện địa nhiệt lên 60%, tương ứng 3,130MW. Indonesia, là quốc gia sản xuất điện địa nhiệt lớn đứng thứ ba trên thế giới, và hiện đang có một dự án điện địa nhiêt với công suất lên tới 6,870 MW trong 10 năm tới – tương đương với gần 30% sản lượng điện hiện tại từ tất các các nguồn khác.
Ở Châu Phi, tiềm năng phát triển năng lượng địa nhiệt cũng rất lớn, đặc biệt là ở Thung lũng Great Rift. Kenya là một trong những nước đi đầu khu vực trong việc khai thác nguồn năng lượng tiềm ẩn này. Vào cuối tháng 6 năm 2008, Tống thống Kenya, ông Mwai Kibaki đã phê duyệt một dự án khai thác khoảng 1,700 MW năng lượng địa nhiệt trong vòng 10 năm - lớn gấp 13 lần công suất hiện tại, tương đương 50% tổng công suất sản xuất điện từ tất các các nguồn tài nguyên khác.
Còn Djibouti - một quốc gia ở Đông Phi, vừa được tập đoàn Đầu tư Năng lượng Reykjavik đầu tư một dự án khai thác năng lượng địa nhiệt trị giá 150 triệu USD. Dự án này sau khi hoàn thành sẽ cung cấp gần như toàn bộ sản lượng điện cho nước này sử dụng trong vài năm tới. Thêm vào đó, để thu hút các nhà đầu tư vào các dự án phát triển năng lượng địa nhiệt ở Thung lũng Great Rift, một tổ chức tư vấn quốc tế đã được Ngân hàng Thế giới (WB) thành lập nhằm hỗ trợ và bảo vệ các nhà đầu tư trong giai đoạn đầu thực hiện dự án.
Ngành công nghiệp – ngành tiêu thụ hơn 30% sản lượng điện thế giới, cũng bắt đầu quan tâm đến nguồn năng lượng địa nhiệt giá rẻ. Ở Papua New Ghinê, một nhà máy điện địa nhiệt công suất 56 MW của Lihir Gold Ltd. - Tập đoàn khai thác vàng hàng đầu thế giới – đã được sử dụng, đáp ứng 75% nhu cầu năng lượng của công ty với giá thấp hơn đáng kể so với năng lượng từ nhiên liệu hoá thạch. Iceland cũng đã lên kế hoạch xây dựng 5 nhà máy năng lượng địa nhiệt. Dự kiến khi hoàn thành vào năm 2012 các nhà máy đó sẽ có tổng công suất là 225 MW để cung cấp điện cho những nhà tinh chế nhôm mới của nước này.
Năng lượng địa nhiệt là nguồn năng lượng vô tận có tiềm năng khai thác hàng trăm nghìn megawatt. Nhưng hiện nay, đây vẫn là một ngành còn non trẻ và chiếm thứ yếu trong sản xuất năng lượng. Trong tương lai không xa, với những ưu điểm nổi bật so với năng lượng từ nhiên liệu hoá thạch như hiệu quả chi phí thấp, không phát thải khí nhà kính, người ta kỳ vọng rằng năng lượng địa nhiệt sẽ nhanh chóng trở thành nguồn năng lượng chủ đạo cung cấp điện cho thế giới.