Pin mặt trời ở Nhật Bản
Với những nỗ lực vì một xã hội tiết kiệm năng lượng, Nhật Bản được đánh giá là một trong số các nước tiết kiệm năng lượng nhất thế giới. Trong khi Pháp và Ðức phải sử dụng nhiều hơn tới 50% năng lượng so với Nhật Bản để sản xuất tương đương 1 USD, Anh: gấp gần hai lần, Mỹ: gấp ba, còn Trung Quốc gấp tám lần Nhật Bản.
Ðể có được kết quả đó, toàn nước Nhật đã thực hiện triệt để tiết kiệm năng lượng trong mọi lĩnh vực. Trong công nghiệp, từ năm 1973 đến nay, sản xuất công nghiệp của Nhật Bản tăng gần gấp ba lần, nhưng mức năng lượng sử dụng hầu như không đổi. Các nhà máy sản xuất giấy của Nhật Bản đầu tư cho những thùng kim loại có thể đốt nóng bằng giấy thải, củi và nhựa phế thải. Trong vòng hai năm, có tới một nửa sản lượng điện sử dụng trong các nhà máy giấy được sản xuất từ rác thải.
Trong lĩnh vực giao thông và sinh hoạt đời sống, nhu cầu sử dụng năng lượng cao hơn nhiều so với lĩnh vực công nghiệp. Ðể tiết kiệm và sử dụng năng lượng có hiệu quả, Chính phủ Nhật Bản đã chủ trương tăng thuế nhiên liệu lên 1,25 USD một lít xăng, mức cao nhất trong một thập niên; đồng thời giảm thuế đối với ô tô cỡ nhỏ và loại xe mới có các bộ phận không đồng bộ nhưng tiết kiệm nhiên liệu, trên cơ sở kết hợp giữa một động cơ chạy xăng và một động cơ chạy điện. Chính phủ Nhật Bản cũng phát động một chiến dịch, kêu gọi công dân tiết kiệm năng lượng bắt đầu từ mỗi gia đình, theo đó thay thế các thiết bị, đồ dùng điện, ô-tô cũ, bằng các loại sản phẩm mới, coi đó là một phần của lòng yêu nước và ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu. Các công ty lớn của Nhật Bản hưởng ứng chiến dịch tiết kiệm năng lượng bằng việc sản xuất và bán ra các sản phẩm tiết kiệm điện mới nhất của họ.
Nhật Bản trợ cấp khoảng 1,3 tỷ USD để lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời cho 160 nghìn gia đình. Tuy ban đầu, việc cung cấp năng lượng mặt trời có chi phí cao hơn từ hai đến ba lần việc cung cấp điện năng cho các hộ gia đình, nhưng các chủ sở hữu nhà cho rằng cùng với thời gian, nguồn năng lượng này sẽ trang trải những phí tổn về thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời. Chính phủ Nhật Bản muốn miễn thuế cho việc phát triển nguồn năng lượng này; vạch kế hoạch tăng sản lượng năng lượng mặt trời lên 15 lần trong thập kỷ này.
Giữa năm 2007, Nội các Nhật Bản đã phê chuẩn Sách Trắng Môi trường năm 2007, trong đó nêu rõ tầm quan trọng của việc phát triển và ứng dụng đại trà công nghệ tiết kiệm năng lượng, đồng thời nhấn mạnh tính cấp bách của việc thực hiện các biện pháp đối phó với sự ấm dần của trái đất. Theo Sách Trắng, việc ứng dụng các loại thiết bị điện tiết kiệm năng lượng có thể giảm tới 40% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính do các hộ gia đình thải ra. Mới đây, Nhật Bản cũng đã hối thúc người dân tắm nhanh để cắt giảm mức tiêu thụ năng lượng cũng như cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Nước nóng sử dụng trong phòng tắm và bếp chiếm 39% nguồn năng lượng mà các gia đình ở Nhật tiêu thụ, một sự đối ngược hoàn toàn với các hộ gia đình Châu Âu, nơi năng lượng chủ yếu được sử dụng cho máy điều hoà và lò sưởi. Vì thế, việc tiết kiệm năng lượng ngay từ những sinh hoạt hằng ngày này sẽ giúp Nhật giảm bớt mức tiêu thụ năng lượng của toàn xã hội.
TCĐL số 9/2008
Theo TCĐL số 9/2008