Sự khác biệt về nhiệt độ giữa Vịnh Mexico và biển Thái Bình Dương tại bang Oaxaca ở miền Nam nước này đã tạo ra một trong những luồng gió lớn nhất hành tinh khi các cơn gió mạnh thường xuyên đi qua các khe núi của dãy Sierra Madre. Theo báo cáo của Hội đồng Năng lượng Gió Toàn cầu (GWEC), Mexico - nền kinh tế lớn thứ 14 trên thế giới, vẫn chưa khai thác hết tiềm năng phong năng to lớn của mình, khi xếp ở vị trí thứ 24 trên thế giới về công suất lắp đặt các tua-bin tạo gió hồi năm ngoái. Nhưng thị trường này đang phát triển khá nhanh.
Vào cuối năm nay, Hiệp hội năng lượng quốc gia Mexico (AMEE) dự đoán nước này sẽ nhảy lên vị trí 20 trong danh sách, vốn bị lấn át bởi các quốc gia giàu có ở châu Âu, Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ. Hiệp hội năng lượng gió Mexico cho biết hồi năm 2005, Mexico chỉ sản xuất được 3 megawatt (MW) điện gió, nhưng đến nay đã tăng gần 400 lần và dự kiến sẽ đạt 2 gigawatt (GW) vào cuối năm nay. Mặc dù sản lượng này chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số 240GW năng lượng gió toàn cầu của năm 2011, nhưng vào đầu năm tới, tiềm năng năng lượng từ gió ở Mexico có thể đáp ứng được 4% nhu cầu năng lượng trong nước.
Sự bùng nổ năng lượng gió chủ yếu đến từ các trang trại phong điện khổng lồ được thiết lập dọc theo eo biển Tehuantepec, ở giữa Thái Bình Dương và vịnh Mexico. Thị trấn La Ventosa, theo tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là “vùng đất đầy gió”, được xem là trung tâm của sự bùng nổ năng lượng gió tại Mexico khi sở hữu đến 18 trong tổng số 27 trang trại phong điện của cả nước. Tập đoàn năng lượng Acciona SA của Tây Ban Nha, đơn vị vừa đầu tư xây dựng công viên gió lớn nhất Mỹ La tinh tại Mexico cho biết: dự án tua-bin gió trị giá 600 triệu USD của họ sẽ đủ cung cấp điện cho 700.000 hộ dân ở Mexico, khi tạo ra 306MW điện từ 204 tua-bin gió. Leopoldo Rodriguez, Chủ tịch AMEE, dự báo tổng sản lượng điện gió của quốc gia Mỹ La tinh sẽ đạt 4GW vào năm 2015 và 12GW vào năm 2020, đủ đáp ứng 15% nhu cầu điện năng trong tương lai. Vào năm tới sẽ đánh dấu sự kiện lần đầu tiên Mexico xuất khẩu năng lượng gió sang thành phố San Diego thuộc bang California của Mỹ từ cánh đồng gió khổng lồ ở vịnh Baja.
Song song đó, Chính phủ Mexico cũng đang ra sức khuyến khích các công ty sử dụng năng lượng gió. Các công ty lớn của Mexico như Cemex - một trong những tập đoàn cung cấp vật liệu xây dựng lớn nhất thế giới, nhà sản xuất bánh mì Grupo Bimbo, công ty khai khoáng Penoles và chuỗi siêu thị bán lẻ Wal-Mart của Mỹ là những công ty đã cam kết tham gia chương trình sử dụng năng lượng gió. Ủy ban Điện lực Liên bang (CFC) hứa dành cho các công ty những ưu đãi về giá điện nếu họ cam kết sử dụng nguồn năng lượng gió lâu dài từ các cánh đồng gió của Mexico. Qua đó, CFC có thể huy động nguồn vốn từ nước ngoài với tỷ giá hấp dẫn nhằm nâng cao quá trình chuyển giao công nghệ và thúc đẩy sự bùng nổ phong điện. Một vài công ty còn tận dụng những thay đổi trong qui định thuế của chính phủ Mexico để tự xây dựng trang trại phong điện riêng trong khi những công ty khác thì mua năng lượng từ các nhà máy sẵn có của các nhà đầu tư Tây Ban Nha.
Rupesh Madlani, trưởng nhóm nghiên cứu công nghệ sạch ở Ngân hàng Barclays Capital, nhận xét các nhà đầu tư cũng có thể kiếm được nhiều tiền từ các dự án phong điện tại những thị trường năng lượng gió đang nổi như Mexico chẳng hạn. Theo ông, tỷ lệ lợi nhuận thu về từ việc đầu tư năng lượng gió ở Mexico có thể đạt hơn 10% so với con số 8% ở các nước Tây Âu, và 10% ở nhiều nước đang phát triển.
ST