Dự án hệ thống điện mặt trời áp mái công suất 1.453 kWp được lắp đặt trên mái của một nhà máy tại Long An. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN
Nhằm thúc đẩy xu hướng phát triển bền vững, sử dụng năng lượng tái tạo trong ngành dệt may, đáp ứng yêu cầu của thị trường, ngày 18/3, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) tổ chức hội thảo: “Năng lượng tái tạo – Nguồn năng lượng sạch và bền vững cho ngành dệt may Việt Nam”.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, phát triển năng lượng bền vững, năng lượng tái tạo và tiết kiệm tài nguyên nước là mục tiêu chiến lược của ngành dệt may Việt Nam. Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra cam kết mạnh mẽ về việc giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Trên cơ sở đó, ngành dệt may Việt Nam đã đưa ra những giải pháp có tính bền vững.
Theo đó có 4 vấn đề được đặt ra là đầu tư cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu của mục tiêu mà COP 26 đề ra đối với Việt Nam; các điều khoản trong các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia; yêu cầu của các nhãn hàng khi Việt Nam xuất khẩu sản phẩm ra thế giới và việc cam kết với người tiêu dùng toàn cầu về sự minh bạch, tính an toàn của sản phẩm dệt may.
“Để đạt được điều đó, giải pháp mang tính then chốt là nguồn tài chính đầu tư cho các vấn đề trên như thế nào. Ngành dệt may Việt Nam sẽ phải nỗ lực từ nguồn tài chính hiện có, đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư quốc tế cùng tham gia đồng hành với Chính phủ Việt Nam về cam kết của Việt Nam với thế giới. Cùng với đó, các tổ chức tín dụng cũng dành khoản ngân quỹ, đồng hành và cam kết cho sự phát triển hạ tầng, công nghệ, thiết bị và nguồn lực con người để vận hành giải pháp cho nền công nghiệp dệt may Việt Nam phát triển bền vững” ông Giang nêu giải pháp.
Hiện tại, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã đầu tư rất nhiều cho các giải pháp phát triển bền vững, đáp ứng khoảng 60% yêu cầu của các nhãn hàng và dự kiến tăng lên mức 80% vào năm năm 2022-2023. Ông Giang cho biết thêm, việc chuyển đổi từ các thiết bị thông thường sang các thiết bị tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường sẽ khiến chi phí sản xuất tăng thêm khoảng 15%, nhưng đều nhận được sự chia sẻ của khách hàng và người tiêu dùng.
Ông Trần Như Tùng, Trưởng Ban Phát triển bền vững của Vitas cũng chia sẻ số liệu của các tổ chức lớn như Bộ Công Thương, IFC, USAID cho thấy, tiêu thụ điện của ngành dệt may Việt Nam hiện chiếm 1/10 trong tổng số năng lượng tiêu thụ của tất cả các ngành công nghiệp ở Việt Nam với chi phí mỗi năm ở mức 3 tỷ USD. Với tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2021 ở mức 40,47 tỷ USD, chi phí cho điện năng chiếm tới 7,5% tổng giá trị xuất khẩu.
Theo ông Tùng, nếu sử dụng điện hiệu quả hơn, sử dụng các sản phẩm năng lượng tái tạo, ngành dệt may có thể tiết kiệm được 1 tỷ USD, bên cạnh việc giảm các chi phí sản xuất khác. Do đó, Ủy ban phát triển bền vững của Vitas đã đặt ra mục tiêu hình thành 10 khu công nghiệp dệt may lớn với cơ sở hạ tầng và hoạt động thân thiện với môi trường; tăng số lượng các sản phẩm được dán nhãn sinh thái (như BCI, Oeko-Tex Standard 100, LEED) và số lượng các nhà sản xuất áp dụng và duy trì các chứng nhận bền vững tăng lên hàng năm.
Bên cạnh đó, giảm tiêu thụ tài nguyên và chất thải dệt thông qua việc thực hiện phương pháp sản xuất sạch hơn và hiệu quả tài nguyên và các phương pháp cộng sinh công nghiệp. Tăng cường sử dụng năng lượng mặt trời và các nguồn năng lượng tái tạo khác, phấn đấu tỷ lệ điện từ các nguồn tái tạo là 10% vào năm 2025 và tăng trưởng hàng năm trong giai đoạn 2026 – 2030; giảm mức tiêu thụ năng lượng của toàn ngành ít nhất 0,4 - 0,7% so với cùng kỳ năm trước từ năm 2021 đến năm 2030.
Định hướng của Vitas là đến năm 2030, ngành dệt may ở Việt Nam sẽ trở thành điểm đến số một cho những người mua tìm kiếm nguồn cung cấp sản phẩm dệt may bền vững, không gây hại cho môi trường và con người.
Ông Tùng cũng nhấn mạnh rằng phát triển bền vững là xu hướng của thế giới và là yêu cầu từ phía thị trường và khách hàng. Do đó, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam không có lựa chọn nào khác. Những quy định của chính phủ Việt Nam đối với ngành dệt may cũng đặt ra yêu cầu về vấn đề xanh hóa và sản xuất sạch hơn.
Dẫn chứng thực tế tại Công ty Dệt may Thành Công, ông Tùng cho biết, nhà máy của May Thành Công tại Khu công nghiệp Hòa Phú (tỉnh Vĩnh Long) được triển khai giai đoạn 1 từ năm 2020. Theo tính toán, hệ thống điện mặt trời trên mái của dự án này dự kiến sẽ tạo ra 48,5 triệu kWh điện trong 20 năm, đáp ứng 66% nhu cầu điện cho nhà máy và giúp tiết kiệm hơn 1,9 triệu USD. Cùng với đó, hệ thống cũng giúp giảm 44.281 tấn CO2, tương đương với việc trồng hơn 2,6 triệu cây xanh và cắt giảm 19.342 tấn than.
“Việc đầu tư cho phát triển bền vững không chỉ giúp tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp mà còn giúp tạo dựng hình ảnh tốt với khách hàng, đặc biệt là các khách hàng đến từ Mỹ và châu Âu về khía cạnh môi trường. Từ đó, giúp doanh nghiệp có thêm nhiều đơn hàng mới.”, ông Tùng nhấn mạnh thêm./.