Hội thảo dưới sự chủ trì của ông Trịnh Quốc Vũ – Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), Tiến sĩ Nicole Glanemann - Đại diện Bộ Kinh tế và Hành động Khí hậu CHLB Đức (BMWK) và ông Markus Bissel – Trưởng Hợp phần Hiệu quả năng lượng, Dự án Năng lượng tái tạo và Hiệu quả năng lượng (4E). Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự tham gia của gần 100 đại biểu, là đại diện của các tổ chức công lập có nhiệm vụ và chức năng về hiệu quả năng lượng (HQNL), cũng như đại diện của các doanh nghiệp công lập là các công ty Điện lực địa phương thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Hội thảo nhằm mục tiêu đánh giá nhu cầu phát triển năng lực của các cán bộ tổ chức công trong lĩnh vực HQNL ở từng tỉnh thành, cũng như tính hiệu quả của các chương trình phát triển năng lực đã được triển khai để có sự điều chỉnh phù hợp với nhu cầu, đặc điểm phát triển công nghiệp ở mỗi địa phương. Hội thảo cũng nhằm chia sẻ kinh nghiệm của Đức trong quá trình triển khai các hoạt động hiệu quả năng lượng hỗ trợ doanh nghiệp, từ đó tìm ra mô hình phù hợp để ứng dụng tại Việt Nam.
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe báo cáo tổng quan về hệ thống các tổ chức công có chức năng nhiệm vụ về HQNL tại 63 tỉnh thành phố. Các tổ chức này bao gồm các Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp thuộc Sở Công thương, các trung tâm tiết kiệm năng lượng và tư vấn chuyển giao công nghệ thuộc Sở Khoa học và Công nghệ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các Tổng công ty Điện lực, các công ty điện lực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Đối với các trung tâm, các hoạt động chính xoay quanh việc tư vấn, đề xuất giải pháp và hỗ trợ kỹ thuật; tuyên truyền nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, cộng đồng; tổ chức hội chợ triển lãm công nghệ tiết kiệm năng lượng; tổ chức đào tạo, phối hợp với Cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương để thanh tra, kiểm tra hoạt động HQNL tại các cơ sở sử dụng năng lượng. Các hoạt động chính của các công ty điện lực địa phương bao gồm thực hiện các chương trình tuyên truyền tiết kiệm điện; các chương trình quản lý nhu cầu điện (DSM) và Chương trình điều chỉnh phụ tải điện (DR), thí điểm mô hình Công ty dịch vụ năng lượng (ESCO) qua các dự án cung cấp nước nóng bằng năng lượng mặt trời, v.v.
Các đại diện từ Bộ công thương và các tổ chức, doanh nghiệp công lập tại Việt Nam. (Nguồn: GIZ)
Ngoài ra, hội thảo cũng trình bày kết quả khảo sát về năng lực hiện nay của các tổ chức công cấp tỉnh có nhiệm vụ, chức năng liên quan đến hoạt động sử dụng năng lượng hiệu quả. Trên thực tế, mặc dù đã triển khai nhiều chương trình cấp quốc gia về HQNL như VNEEP1 (giai đoạn 2006 – 2010), VNEEP2 (giai đoạn 2012-2015) và hiện nay đang triển khai VNEEP3 (giai đoạn 2019-2030), cho đến nay vẫn chưa có một khảo sát đánh giá chính thức về năng lực của các doanh nghiệp, tổ chức công cấp tỉnh tại Việt Nam.
Vì vậy, một khảo sát tổng quan để chuẩn bị cơ sở thực tế cho các khuyến nghị nâng cao năng lực là rất cần thiết. Kết quả khảo sát cho thấy, đa số các trung tâm đều có các phòng ban phụ trách và cán bộ chuyên trách về HQNL, tuy nhiên, các trang thiết bị, phương tiện, thiết bị đo chuyên dụng cho hoạt động HQNL còn hạn chế về số lượng và chủng loại. Số lượng kiểm toán viên năng lượng được đào tạo ở các trung tâm vẫn còn hạn chế. Các hoạt động HQNL triển khai tại các trung tâm phần lớn là từ nguồn vốn nhà nước hoặc được tài trợ, doanh thu từ hoạt động tư vấn cho doanh nghiệp còn chiếm tỷ trọng thấp, các hoạt động đầu tư về HQNL cũng gần như chưa có.
Tại các công ty điện lực tỉnh, việc triển khai các hoạt động HQNL cũng gặp nhiều khó khăn. Các cán bộ công nhân viên làm việc kiêm nhiệm theo dõi về HQNL nên chất lượng chưa cao, chưa có nhiều kinh nghiệm. Dù đã có nhiều hoạt động tuyên truyền tiết kiệm điện qua nhiều hình thức, nhưng có nhiều khách hàng sử dụng điện chưa tiếp cận hoặc chưa thay đổi được thói quen sử dụng điện, hoặc chưa có sự quan tâm đến việc tiết kiệm điện. Bên cạnh đó, việc các hoạt động tuyên truyền thường được triển khai vào quý 2,3 hàng năm trong điều kiện thời tiết nắng nóng cục bộ khi nhu cầu sử dụng điện của khách hàng tăng cao cũng ảnh hưởng đến việc vận động điều chỉnh phụ tải.
Cũng tại hội thảo, Cơ quan Năng lượng Berlin (BEA), Hiệp hội Công nghệ Năng lượng và Môi trường (NEU), Trung tâm Công nghệ Môi trường & Năng lượng thành phố Leipzig và Hiệp hội doanh nghiệp thiết bị Điện ZVEI đã chia sẻ kinh nghiệm phát triển năng lực thông qua việc triển khai các hoạt động Hiệu quả Năng lượng cho các doanh nghiệp tại thành phố. Theo ông Michael Geißler – Giám đốc Điều hành BEA, để các tổ chức và doanh nghiệp có thể triển khai các hoạt động HQNL thành công, cần có một khung pháp lý cụ thể cho việc triển khai, quy trình đấu thầu và hợp đồng được quy chuẩn hóa, có bên trung gian quản lý và hòa giải trong các tình huống xung đột.
Ông Mirko Dietrich – Chánh văn phòng Hiệp hội Công nghệ Năng lượng và Môi trường (NEU) cũng chia sẻ thêm kinh nghiệm trong triển khai thành công các dự án và dịch vụ như: lắp đặt 10.000 công tơ thông minh tại thành phố Leipzig, tổ chức sáng kiến Smart Infrastructure Hub nhằm thương mại hóa các nghiên cứu công nghệ trong lĩnh vực năng lượng và môi trường, hỗ trợ xây dựng chiến lực vùng cho giao thông và thích ứng với biến đổi khí hậu. Được biết, Hiệp hội quy tụ 70 thành viên là các doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ, các viện nghiên cứu và trường Đại học, cũng như các tổ chức công cùng hợp tác thực hiện các hoạt động về HQNL.
Từ kết quả khảo sát, dựa trên đánh giá năng lực của các cán bộ, xem xét nhiệm vụ, ngân sách và đặc điểm phát triển công nghiệp của từng địa phương, cũng như nhu cầu đặc thù của từng tổ chức công, các đại biểu đã cùng thảo luận, đề xuất ý kiến xây dựng chương trình phát triển năng lực phù hợp và khả thi tại Việt Nam. Các hoạt động hướng tới triển khai theo mô hình kết nối hợp tác song phương (giữa các tổ chức tại Việt Nam & Đức) để trao đổi kinh nghiệm hỗ trợ theo đúng nhu cầu đúng thời điểm. Các đại biểu cũng lắng nghe thêm đề xuất từ các tổ chức công của Đức về khả năng hợp tác và phát triển giữa hai nước, cũng như gợi ý các hoạt động nâng cao năng lực phù hợp với tình hình Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững cho biết: “Các Tổ chức và Doanh nghiệp công cấp tỉnh đóng vai trò rất quan trọng và là nguồn lực chính để thực hiện VNEEP3, đảm bảo cho thực hiện thành công mục tiêu tiết kiệm từ 8-10% tổng tiêu thụ năng lương toàn quốc trong giai đoạn 2019-2020. Hội thảo tham vấn là cơ hội để các đại biểu đề xuất các kế hoạch, nội dung chi tiết về phát triển các nguồn lực, kỹ năng làm việc cho các Tổ chức và Doanh nghiệp công cấp tỉnh, chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi cơ hội hợp tác giữa các bên liên quan.
Tiến sĩ Nicole Glanemann - Đại diện Bộ Kinh tế và Hành động Khí hậu CHLB Đức (BMWK) khẳng định tầm quan trọng của việc hợp tác và đối thoại liên tục giữa hai Bộ về chính sách chuyển dịch năng lượng nhằm chia sẻ kinh nghiệm và nỗ lực chung, đảm bảo việc chuyển đổi hệ thống năng lượng thân thiện với khí hậu, đáng tin cậy và hợp lý. “Các tổ chức công luôn là công cụ mạnh mẽ để thực hiện các tầm nhìn chiến lược và thúc đẩy các hoạt động tiết kiệm năng lượng. Các hoạt động phát triển năng lực liên tục là cần thiết để các tổ chức công hoạt động tốt, đóng góp cho những bước tiến lâu dài trong công tác hiệu quả năng lượng của quốc gia”, bà nhấn mạnh.
Ông Markus Bissel, trưởng Hợp phần Hiệu quả năng lượng (Dự án 4E, GIZ) chia sẻ: “Hội thảo này rất đặc biệt bởi vì đây là lần đầu tiên GIZ Việt Nam có cơ hội hợp tác chặt chẽ và trên quy mô rộng như vậy với các tổ chức công trong lĩnh vực sử dụng năng lượng hiệu quả. Các tổ chức công sẽ luôn là một kênh tiếp cận hiệu quả trên phạm vi quốc tế để thực hiện các tầm nhìn chiến lược và đặc biệt để thúc đẩy các hoạt động và đầu tư vào lĩnh vực tiết kiệm năng lượng”.