Năng lượng tái tạo- Xu hướng của tương lai

Thứ năm, 16/11/2017 | 10:32 GMT+7
Xu hướng chuyển đổi từ sử dụng các nguồn năng lượng hóa thạch (than, dầu lửa…), sang sử dụng năng lượng tái tạo là bước chuyển hướng của nhân loại sang lối sống khác, đó là lối sống Xanh.
 
Hệ thống quạt gió và tấm pin năng lượng mặt trời lắp đặt trên các tòa nhà của cư xá Euref (Berlin, Đức).
 
Từ thành phố năng lượng thông minh ở Đức.
 
Cư xá EUREFnhìn bề ngoài cũng giống như các khu nhà cao tầng hiện đại khác ở thủ đô Berlin của Đức, trừ một điều là nó hoàn toàn được vận hành và sử dụng điện từ nguồn năng lượng tái tạo. Tại EUREF có bán một tour du lịch có hướng dẫn trong vòng một giờ, trị giá 250 euro, với nhóm không quá 20 người. Ban quản lý cư xá sẽ đưa khách tham quan dạo quanh một vòng và tìm hiểu về nguồn năng lượng được sử dụng ở đây. Bắt đầu ý tưởng xây dựng từ năm 2007, EUREF có diện tích 5,5 ha, là một khu liên hợp bao gồm các tòa nhà cho thuê văn phòng, việc nghiên cứu, trường học, nhà hàng và quán cà phê… Tất cả đều sử dụng điện mặt trời, điện gió và điện sinh khối. Những tòa nhà được thiết kế theo phương án tiết kiệm năng lượng tối ưu. Các hệ thống quang điện và tuốc bin gió lắp đặt trên các mái nhà. Một nhà máy điện vận hành bằng khí tự nhiên sinh học đang hoạt động trong khuôn viên cư xá. Tất cả đều đạt tới tiêu chuẩn tự động hóa, hầu như rất ít thấy người làm việc. Nơi đây cũng có một “ga sạc điện” được xem là lớn nhất ở Đức để cung cấp nhiên liệu cho các xe ô tô chạy điện. Hàng loạt ô tô xếp hàng dài dưới mái nhà năng lượng mặt trời, kết nối với những cột đấu điện, nhìn không khác một trạm xăng lớn, như bất cứ một nơi nào khác.
 
 
Khách thuê nhà ở EUREF hiện nay chủ yếu là các viện nghiên cứu hoặc các công ty nổi tiếng về môi trường và năng lượng. Hiện có tổng cộng khoảng 2500 người đang nghiên cứu, làm việc, học tập ở đây. Họ có điều kiện để trao đổi về chủ đề năng lượng mà họ quan tâm, đồng thời hoàn toàn hài lòng được sử dụng một nguồn năng lượng được cấp chứng chỉ “xanh”, đó là nguồn năng lượng tái tạo bền vững.
 
Đến vùng quê chưa có điện lưới ở miền tây Nam bộ
 
Ngôi nhà nhỏ của chị Nguyễn Thị Lệ Thơ nằm cách đường ô tô khoảng 3km, thuộc ấp An Đông, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Vì nằm rìa một cánh đồng, nắng và gió chan hòa, nên trong nhà lúc gần giữa trưa, ngồi trên sàn gỗ vẫn thấy mát. Nhà làm theo kiểu nhà sàn, gỗ lát ghép không khít, chắc là để gió lùa thoáng hơn.  Theo lời kể của chị Thơ, chị đã sống như vậy 27 năm, không hề có điện.
 
“Trạm sạc điện” cho ô tô lớn nhất Berlin nằm trong cư xá Euref.
 
Chị Thơ kể tiếp, tháng 6/2017, cán bộ ấp cùng với Trung tâm Phát triển Sáng tạo xanh (GreenID) vận động dân trong ấp lắp hệ thống điện mặt trời. Chị Thơ đầu tư 4.200.000 đồng cho hai tấm pin năng lượng và 200.000 đồng công lắp đặt, để bắt đầu được dùng điện. Số tiền đó chị được trả góp dần trong 10 tháng. Hàng ngày, mặt trời hào phóng rót nắng xuống miền tây nam bộ, nắng trải đều trên mái ngôi nhà của chị, chỉ cần vậy thôi chị có đủ điện để dùng quạt máy suốt ngày đêm và xem được tivi. Sau 10 tháng trả hết chi phí đầu tư, chị có thể yên tâm dùng hai tấm pin có tuổi thọ trên 10 năm này để duy trì nguồn điện trong nhà. Vào những ngày mưa, ít nắng, có điện dự trữ đủ dùng hay không tùy thuộc vào chất lượng ắc qui. Hiện chị đang sử dụng hai chiếc ắc qui để tích điện.
 
Cả xã An Hảo có 8 hộ dân lắp hệ thống điện mặt trời như chị Thơ. Với số tiền đầu tư như vậy họ chưa thể có những thiết bị tiêu thụ điện lớn hơn trong nhà, nhưng ít nhất là những buổi đêm đã lấp lánh ánh sáng, đã có hình ảnh và âm thanh cuộc sống khắp nơi trên thế giới hiện lên qua chiếc tivi. Nguồn cấp điện chính là ánh nắng. Nắng ở đây dạt dào quanh năm, chẳng bao giờ lo thiếu cả.
 
Ngôi nhà của chị Nguyễn Thị Lệ Thơ, một trong tám hộ gia đình lắp đặt pin năng lượng mặt trời đầu tiên tại ấp An Đông, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang.
 
Cuộc cách mạng chuyển đổi năng lượng
 
Không thể so sánh về sự hiện đại giữa 8 ngôi nhà sử dụng điện mặt trời ở An Giang với cư xá EUREF ở Đức, nhưng xét về lối sống sử dụng năng lượng Xanh thì hoàn toàn bình đẳng. Một điều có thể nhìn thấy, đó là hai nơi này đang có cùng một hướng phát triển.
 
Cư xá EUREF chính là một mô hình thử nghiệm để chứng minh khả năng thành công của chiến dịch chuyển đổi năng lượng ở Đức. Đây là một chiến dịch cắt giảm khí thải, phát triển năng lượng tái tạo, đồng thời giảm một nửa mức tiêu thụ năng lượng, trong khi vẫn duy trì sự thịnh vượng của nền kinh tế quốc dân. Cả thế giới đang theo dõi chiến dịch năng lượng và môi trường được đánh giá là đầy tham vọng này của Đức. Chính phủ Đức đã tiến hành cải cách chính sách một cách toàn diện để thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ này. Chiến dịch được hoạch định trong 40 năm, kể từ năm 2010. EUREF là nơi đã đạt được chỉ tiêu về tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng sạch của Đức vào thời điểm năm 2050.
 
Tổ chức GreenID và cán bộ địa phương ở Tinh Biên, An Giang hy vọng trước mắt họ có thể phát triển điện mặt trời đến khoảng 100 mái nhà trong ấp An Phú và xã An Hảo. Họ đã nghĩ đến việc tập huấn cho một đội thợ kỹ thuật địa phương để tiến hành lắp đặt, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống điện mới này. Trong tương lai, vấn đề thu gom tái chế những tấm pin và ắc qui đã hết tuổi thọ sử dụng cũng phải tính đến để không gây tác động phụ độc hại cho môi trường. PGS.TS Lê Anh Tuấn (Trung tâm nghiên cứu biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ) cho biết, ở thời điểm hiện tại với mức đầu tư lớn hơn (khoảng một trăm triệu) cho hệ thống tấm pin và ắc qui tích điện, một gia đình có thể vận hành toàn bộ các thiết bị dùng điện hiện đại trong nhà, thậm chí có thể thừa điện để tải lên hệ thống điện lưới, nếu các điều kiện kỹ thuật cho phép.
 
Tivi và quạt chạy bằng năng lượng điện mặt trời trong nhà chị Nguyễn Thị Lệ Thơ, ấp An Đông, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang.
 
Ích lợi với môi trường của nguồn năng lượng tái tạo đã rõ, việc các nguồn năng lượng hóa thạch sẽ cạn kiệt trong tương lai và cần được thay thế bằng nguồn năng lượng tái tạo thì ai cũng nhìn thấy, tuy nhiên, cũng không dễ để có một sự chuyển mình. Từ một vài mái nhà đến một làng xã, từ những thiết bị điện đơn sơ công suất thấp đến vận hành cả một thành phố khoa học hiện đại, cần sự đồng hành của khoa học, truyền thông, chính sách, bộ máy xã hội…
Theo: Dân sinh