Các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng thông minh chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Hà Thế An.
Họ vượt qua những khó khăn ấy bằng đam mê và tấm lòng của mình. Vì khát vọng đem đến cho cộng đồng những sản phẩm tốt nhất trong lĩnh vực năng lượng thông minh. Những chia sẻ ấy được bày tỏ tại hội thảo “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực năng lượng thông minh tại Việt Nam” do Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao TP.HCM (SHTP-IC) tổ chức vừa qua.
Ông Trần Quang Nguyên, đồng sáng lập Vilight, chia sẻ đã bén duyên với lĩnh vực năng lượng thông minh từ những năm 2012-2013. Đây là một dự án khởi nghiệp phát triển các giải pháp chiếu sáng thông minh công cộng ứng dụng công nghệ. Hiện nay, các giải pháp chiếu sáng thông minh của đơn vị đã được ứng dụng tại một số thành phố như Tam Kỳ, Hội An (Quảng Nam), Cần Thơ, Cao Lãnh (Đồng Tháp)…
Ông Nguyên nói rằng, hệ thống chiếu sáng thông minh giúp đơn vị quản lý có thể thu thập dữ liệu và điều khiển hoạt động chiếu sáng từ xa.
Vì hoạt động trong lĩnh vực chiếu sáng công cộng, ông Nguyên chia sẻ, ban đầu gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp cận với khách hàng là các đơn vị nhà nước quản lý hệ thống.
“Chúng tôi chứng minh tính khả thi của dự án bằng thế mạnh về công nghệ với những sự độc đáo, mang lại hiệu quả kinh tế và xã hội. Trong đó, chúng tôi chú trọng vào giải pháp tiết kiệm năng lượng, mang lại lợi ích cho khách hàng”- ông Nguyên nói.
Ngoài ra, việc nghiên cứu và phát triển các thiết bị điện tử cũng là một rào cản không nhỏ với dự án của ông Nguyên. Đó là phải sản xuất các thiết bị có thể chịu được điều kiện thời tiết ngoài trời và hoạt động tốt trong điều kiện đó. Tuy nhiên, doanh nghiệp lại gặp khó khăn về phòng thí nghiệm làm sản phẩm mẫu, các linh kiện phụ trợ thiếu thốn, thiếu vốn phát triển…
“Chúng tôi xem mình là những người tiên phong trong lĩnh vực này. Gặp nhiều khó khăn, nhưng yếu tố giúp chúng tôi vượt qua chính là sự đam mê và mong muốn đóng góp cho cộng đồng”- ông Nguyên nói.
Cũng trong lĩnh vực năng lượng thông minh, nhưng ông Eric Phạm đang điều hành một dự án sử dụng các thiết bị inverter (biến tần) lưu trữ điện năng từ pin mặt trời. Ông hóm hỉnh chia sẻ, lý do đến với lĩnh vực năng lượng sạch là vì trước kia ông từng làm cho ngành năng lượng “bẩn” – đó là dầu khí.
Tìm hiểu các xu hướng trong ngành năng lượng, ông quyết định rẽ lối để đến với năng lượng sạch nhằm đóng góp cho xã hội, cho môi trường tốt hơn. Ông tự mình kết nối với các doanh nghiệp, chuyên gia từ Trung Quốc – quốc gia khá mạnh trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
“Làm việc với đối tác tôi chủ yếu dùng email và viết nội dung trao đổi bằng tiếng Anh. Sau đó đối tác lại gửi thư lại cho tôi bằng tiếng…Trung Quốc. Tôi đã sử dụng công cụ dịch thuật để nắm được thông tin của họ. Việc trao đổi diễn ra trong hoàn cảnh như vậy nhiều tháng trời nhưng nhờ đó tôi có cơ sở xây dựng dự án cho mình”- ông Eric chia sẻ.
Đến khi dự án định hình được sản phẩm, ông bắt đầu chạy thử và tốn khá nhiều tiền khi thực hiện thất bại, phải làm đi làm lại nhiều lần. Bài toán thiếu vốn đặt ra khi dự án của ông chủ yếu thực hiện trên thiết bị phần cứng và quá trình hoàn thiện sản phẩm từ sản phẩm mẫu và sản phẩm thương mại cần nguồn vốn.
Thiếu vốn cũng là vấn đề của Lê Hoàng Nhật, CEO Ami. Nhật nói rằng, hệ thống phần mềm theo dõi lượng điện năng tiêu thụ của người đi thuê trọ và chủ trọ mà nhóm đang phát triển đang ở dạng sản xuất thủ công, chưa sản xuất được hàng loạt vì thiếu nguồn vốn và mạng lưới đối tác thực hiện.
Nhật chia sẻ, nếu sản xuất hàng loạt cả thiết bị phần cứng và phần mềm thì giá của sản phẩm chỉ còn khoảng 50% đến 60% so với sản phẩm thủ công.
“Đây là dự án mà chúng tôi tâm huyết và đang triển khai cho một số chủ thuê trọ và người thuê trọ giúp họ theo dõi lượng điện tiêu thụ nhanh nhất (2 phút cập nhật 1 lần). Vì thế, chúng tôi đang rất cần những nhà đầu tư, đối tác cùng thực hiện dự án”- Nhật nói.
Chia sẻ với những doanh nghiệp làm năng lượng sạch, ông Lê Thành Nguyên, Giám đốc Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao TP.HCM (SHTP-IC) cho biết, những người khởi nghiệp năng lượng thông minh sẽ gặp khó khăn gấp 2 -3 lần so với những lĩnh vực khác. “Với kinh nghiệm nhiều năm hỗ trợ các startup trong lĩnh vực công nghệ cao, chúng tôi cũng mong muốn có cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp lớn như EVN để làm cầu nối hỗ trợ các dự án khởi nghiệp lĩnh vực này, đóng góp nhiều hơn cho xã hội”- ông Nguyên nói.