Nhà máy điện mặt trời nổi được xây dựng trên mặt nước ở Indonesia vào năm 2023 nhằm đảm bảo năng lượng xanh. Ảnh: AFP
Cần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch năng lượng
Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), quá trình chuyển dịch năng lượng là điều không thể tránh khỏi trong bối cảnh hiện nay. Nghiên cứu cho thấy đến năm 2030, năng lượng tái tạo sẽ trở thành nguồn sản xuất điện chính, dự kiến cung cấp 1/3 tổng lượng điện toàn cầu. Công suất điện gió và quang điện được dự đoán sẽ vượt công suất điện khí vào năm 2023 và than vào năm 2024.
Sự phát triển này không chỉ giúp giảm thiểu tác động của hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hậu, mà còn góp phần vào sự phát triển kinh tế bền vững.
Theo báo cáo World Energy Outlook 2023, số xe điện hoạt động trên khắp thế giới vào năm 2030 sẽ cao gấp 10 lần hiện tại và tỉ lệ năng lượng tái tạo sẽ đạt 50% tổng sản lượng điện toàn cầu, tăng từ khoảng 30% như hiện nay. Sự tăng trưởng này phụ thuộc vào việc các quốc gia thực hiện các cam kết về năng lượng và khí hậu của mình một cách kịp thời và đầy đủ. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở 1,5 độ C, các chính sách mạnh mẽ hơn vẫn cần thiết.
Trên thực tế, nhu cầu về nhiên liệu hóa thạch đang có dấu hiệu chạm đỉnh trong thập kỷ này, với mức tiêu thụ than, dầu và khí đốt có xu hướng giảm. Sự chuyển dịch này không chỉ giúp giảm lượng khí CO2 phát thải mà còn nâng cao an ninh năng lượng cho các quốc gia.
Giám đốc điều hành của IEA, Fatih Birol, nhấn mạnh rằng, "quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch đang diễn ra trên toàn cầu và không thể dừng lại".
Quá trình chuyển dịch ở các khu vực trên thế giới
Châu Âu đang là một trong những khu vực đi đầu trong việc chuyển dịch năng lượng. EU đã đặt ra mục tiêu tăng tỉ lệ năng lượng tái tạo lên 60% vào năm 2030 và tăng công suất điện gió ngoài khơi lên 25 lần vào năm 2050 để đạt được mục tiêu trung hòa carbon.
Trong những năm gần đây, ngành năng lượng tái tạo tại EU đã tăng trưởng mạnh mẽ, với mức tăng 11% trong nửa đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước. Các quốc gia thành viên EU đã thông qua đề xuất của Ủy ban châu Âu về gói đầu tư trị giá 873 triệu euro cho các dự án năng lượng sạch, bao gồm nhiều dự án về cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo, nhằm nâng cao an ninh năng lượng và tạo ra các cơ hội công nghiệp mới.
Chính phủ Mỹ cũng đã nhận thức rõ tầm quan trọng của năng lượng tái tạo trong phát triển bền vững. Từ năm 2011 đến 2014, bang California đã xây dựng hai nhà máy điện mặt trời lớn nhất thế giới, với tổng vốn đầu tư lên đến hàng tỉ USD. Năm 2019, sản lượng năng lượng tái tạo đã tăng trưởng mạnh mẽ, đạt 720,4TWh, chủ yếu từ năng lượng mặt trời và năng lượng địa nhiệt.
Thống kê cho thấy, đến năm 2050, Mỹ có khả năng tạo ra 80% điện từ năng lượng tái tạo bằng công nghệ hiện có. Điều này cho thấy rằng việc phát triển năng lượng sạch không chỉ là xu hướng mà còn là một phần không thể thiếu trong tương lai của quốc gia này.
Cùng với Mỹ và châu Âu, Trung Quốc, vốn là một quốc gia phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch, hiện đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Đầu tư vào năng lượng tái tạo của Trung Quốc đã tăng từ 3 tỉ USD vào năm 2004 lên 103 tỉ USD vào năm 2015, chiếm khoảng 36% tổng đầu tư toàn cầu.
Chính phủ Trung Quốc đã đặt mục tiêu nâng tỉ lệ nhiên liệu tái tạo trong tiêu thụ năng lượng sơ cấp lên 25% vào năm 2030, một phần trong cam kết giảm phát thải carbon của quốc gia này.
Ngành năng lượng tái tạo của Trung Quốc đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Công suất điện mặt trời đã tăng 700 lần và công suất điện gió đã tăng 22 lần chỉ trong vài năm qua. Quốc gia này không chỉ giữ vị trí dẫn đầu trong sản xuất năng lượng tái tạo mà còn mở rộng ảnh hưởng của mình trên thị trường toàn cầu, tạo ra những liên minh kinh tế và chính trị mới.
Link gốc