Hồ Trừng Hải ở tỉnh Vân Nam của Trung Quốc, nơi phụ thuộc nhiều vào thủy điện nhưng không có nhiều mưa trong những tháng gần đây. Ảnh: TÂN HOA XÃ
Những tuần gần đây, nắng nóng kỷ lục đã bao trùm khắp các quốc gia khu vực Nam Á và Đông Nam Á với nền nhiệt tại nhiều nơi của Thái Lan, Việt Nam, Ấn Độ… thường xuyên ở trên mức 40oC trong khoảng thời gian dài bất thường. Nhiệt độ cao khiến nhu cầu sử dụng điện làm mát tăng vọt, cùng với đó là lượng nước trên các hệ thống sông, hồ thủy điện suy kiệt dẫn đến tình trạng thiếu hụt điện tại nhiều quốc gia châu Á.
Phía Nam Trung Quốc đang phải cắt điện luân phiên
Điển hình, sản lượng điện của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) trong tháng 4 vừa qua đã giảm gần 42% so với cùng kỳ năm ngoái do khô hạn kéo dài từ đầu năm khiến các nhà máy thủy điện hoạt động dưới công suất.
Thủy điện hiện chiếm trên 72% tổng công suất phát điện của Vân Nam. Tỉnh Vân Nam cũng được xem là “nhà máy thủy điện” của Trung Quốc, chiếm khoảng 19% tổng công suất thủy điện nước này.
Nhằm đảm bảo điện cho sinh hoạt, tỉnh Vân Nam đã phải áp dụng chế độ phân bổ điện cho hơn 300 cơ sở công nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm kể từ tháng 9 năm ngoái, bao gồm cả các nhà máy sản xuất kim loại công nghiệp – lĩnh vực kinh tế chủ chốt của tỉnh này. Đồng thời, chính sách tính giá điện theo thời gian sử dụng cũng đã được áp dụng để kiểm soát điện năng tiêu thụ.
Tuy nhiên, với vai trò bổ sung nhu cầu điện cho các địa phương có nhu cầu phụ tải lớn ở phía Đông và Nam Trung Quốc, sự sụt giảm sản lượng điện tại Vân Nam đang khiến nhiều khu vực tại Trung Quốc gặp thách thức lớn trong việc đảm bảo cung ứng điện, đặc biệt là tỉnh Quảng Đông – nơi đóng góp hơn 10% sản lượng kinh tế hàng năm của Trung Quốc.
Các chuyên gia Trung Quốc hiện cảnh báo tỉnh Quảng Đông sẽ bước vào thời kỳ cao điểm tiêu thụ điện từ tháng 6 đến tháng 8, tình trạng thiếu điện tại Vân Nam sẽ ảnh hưởng trầm trọng đến cung ứng điện của tỉnh này, thậm chí kéo tụt đà phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc như những gì đã xảy ra trong mùa hè năm 2021. Một số khu vực phía Nam Trung Quốc đã bắt đầu cắt điện luân phiên để đảm bảo cung ứng điện.
Thái Lan tăng gấp đôi lượng khí nhập khẩu để sản xuất điện
Tại Thái Lan, nhiệt độ phá vỡ kỷ lục đã khiến phụ tải điện tại nhiều địa phương của nước này tăng cao chưa từng thấy, đặt hệ thống điện quốc gia vào trạng thái báo động. Ủy ban Điều tiết năng lượng Thái Lan (ERC) cho biết, nắng nóng cực đoan khiến nhu cầu sử dụng điện của nước này có thời điểm lên gần 35.000MW chỉ trong một ngày.
Nắng nóng đổ lửa ở quận Bang Na (Bangkok - Thái Lan). Ảnh: SOMCHAI POOMLARD
Đây là mức tiêu thụ điện kỷ lục trong mùa nắng nóng của nước này và cao hơn tới 6% so với cùng kỳ năm 2022. Một số địa phương tại Thái Lan đã xảy ra các sự cố điện lưới diện rộng khi chịu quá tải cục bộ. ERC cho biết sẽ có biện pháp phù hợp nếu như nhu cầu sử dụng điện của Thái Lan vượt ngưỡng 35.000MW.
Nắng nóng cũng khiến hàng loạt hệ thống hồ nước tại Thái Lan suy kiệt, buộc giới chức nước này kêu gọi nông dân cân nhắc không canh tác lúa gạo vụ hai hoặc canh tác loại cây trồng khác sử dụng ít nước hơn để đảm bảo nguồn cung nước cho các hoạt động khác, bao gồm cả sản xuất điện.
Nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng điện làm mát dự kiến tăng kỷ lục trong mùa hè năm nay trong bối cảnh sản lượng điện từ thủy điện suy yếu, Thái Lan vừa cho biết sẽ tăng mức nhập khẩu khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG) lên mức 6 triệu tấn trong năm nay, cao gần gấp đôi so với năm 2022. Tính chung 4 tháng đầu năm nay, lượng LNG được nước này nhập khẩu đã lên tới 4 triệu tấn, vượt tổng mức LNG được nhập khẩu trong cả năm 2022.
Giới chức Thái Lan cũng đang triển khai chiến dịch truyền thông về tiết kiệm điện trên toàn quốc, kêu gọi người dân và doanh nghiệp nước này tăng cường sử dụng các biện pháp làm mát không cần đến điện như mặc quần áo thoáng mát, sử dụng rèm chống nắng… và giảm thời gian sử dụng điều hòa.
Trong khi đó, nhiều bang phía Đông Ấn Độ và Bangladesh đã xảy ra tình trạng mất điện diện rộng thường xuyên, nhất là vào ban đêm. Trong đó, Mumbai – thành phố lớn thứ hai Ấn Độ, có lượng điện tiêu thụ trung bình ngày đầu tháng 6 đã đạt mức cao nhất lịch sử, khiến một số quận tại đây phải cắt điện luân phiên.
Tương tự, mất điện diện rộng cũng xảy ra tại thành phố lớn thứ hai Bangladesh là Chittagong và thủ phủ công nghiệp Mymensingh của nước này, gây tác động tiêu cực đến nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Bangladesh như dệt may và da giày.
Ông Nasrul Hamid, Bộ trưởng Năng lượng Bangladesh, cho biết: “Nhiệt độ lên mức cao nhất trong vòng 50 năm qua đã khiến nhu cầu sử dụng điện tăng hơn đáng kể so với dự báo của chúng tôi”.
Các mô hình dự báo hiện nay cho thấy hiện tượng El Nino có khả năng sẽ xuất hiện vào đầu tháng 6 này với xác suất khoảng 70 – 80% và có thể kéo dài sang đầu năm 2024, khiến thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài hơn. Nền nhiệt toàn châu Á năm nay được dự báo sẽ đạt mức cao chưa từng thấy. Thời tiết khắc nghiệt sẽ khiến nhu cầu sử dụng các thiết bị điện gia tăng, tiếp tục gây áp lực lớn lên ngành điện tại nhiều quốc gia.
(Tổng hợp từ Bangkok Post, Times of India, South China Morning Post, S&P Global Platts)
Link gốc