Tiết kiệm điện

Kinh nghiệm tiết kiệm điện của Nhật Bản - Bài 1: “Cẩm nang” tiết kiệm năng lượng

Thứ ba, 6/6/2023 | 08:58 GMT+7
Trước thảm họa động đất năm 2011, người dân Nhật Bản không quan tâm nhiều đến vấn đề tiết kiệm điện.

Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, Nhật Bản. AFP/TTXVN

Cho dù là nước phụ thuộc lớn vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu, nhưng với tiềm lực của một nền kinh tế lớn trên thế giới và hệ thống nhà máy điện quy mô, trong đó đáng chú ý là các nhà máy điện hạt nhân, Nhật Bản lúc đó dồi dào sản lượng để đáp ứng nhu cầu của đất nước.

Tuy nhiên, thảm họa nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 trong trận động đất-sóng thần năm 2011 đã thay đổi điều này khi Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), nhà điều hành nhà máy điện hạt nhân Fukushima, xác nhận đã mất khoảng 40% công suất phát điện.

Ngay sau sự cố, TEPCO đã buộc phải thông báo ban hành lệnh cắt điện theo lịch trình đầu tiên. Từ thời điểm đó, “setsuden” (tiếng Nhật nghĩa là tiết kiệm điện) đã dần trở nên quen thuộc với người dân Nhật Bản khi chính phủ thường xuyên kêu gọi người dân tiết kiệm điện vào những đợt cao điểm.

Tháng 5/2011, chính phủ kêu gọi người dân và doanh nghiệp ở thủ đô Tokyo và miền Bắc Nhật Bản hạn chế sử dụng điện vào thời gian cao điểm trong mùa Hè. Các biện pháp tiết kiệm điện được duy trì thêm vài năm cho đến khi kinh tế Nhật Bản bắt đầu hồi phục trở lại, nhập khẩu nhiên liệu ổn định đủ để cung cấp cho các nhà máy phát điện trên khắp cả nước.

Tuy nhiên, lời kêu gọi tiết kiệm điện xuất hiện trở lại vào giữa năm 2022. Quốc gia nghèo tài nguyên này đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nhiên liệu hóa thạch do tình trạng gián đoạn nguồn cung các nhiên liệu như khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Nga trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine kéo dài và các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga ngày càng gia tăng.

Nguồn cung cấp điện của Nhật Bản càng bị thắt chặt do các nhà máy điện hạt nhân chậm khởi động lại và hàng loạt nhà máy nhiệt điện già cỗi phải đóng cửa nhằm đáp ứng mục tiêu cắt giảm lượng khí thải carbon dioxide (CO2). Lần đầu tiên kể từ năm 2015, chính phủ lại ban hành yêu cầu tiết kiệm năng lượng quốc gia mùa Hè, có hiệu lực từ ngày 1/7 đến ngày 30/9/2022. Tiếp đó, chính phủ lại ban hành yêu cầu tiết kiệm năng lượng vào mùa Đông, có hiệu lực từ ngày 1/12/2022 đến ngày 31/3/2023.

Cục Tài nguyên và Năng lượng của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI) đã ban hành một “cẩm nang” tiết kiệm năng lượng/điện - danh sách một số biện pháp tiết kiệm năng lượng mà cơ quan này cho rằng các hộ gia đình trên khắp Nhật Bản có thể thực hiện được. Áp phích tuyên truyền tiết kiệm năng lượng của Cục Tài nguyên và Năng lượng kêu gọi “Tiết kiệm 1% lượng điện tiêu thụ của tất cả các hộ gia đình sẽ giảm mức tiêu thụ năng lượng tương đương mức tiêu thụ của khoảng 15.000 cửa hàng tiện lợi mỗi ngày”.

Trong bối cảnh giá điện có nguy cơ tăng cao và thiếu nhiên liệu phát điện mùa Hè năm 2022, chính quyền thành phố Tokyo đã khởi động chiến dịch khuyến khích người dân cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng. Theo dữ liệu của chính phủ, thời điểm sử dụng điện gia dụng cao nhất trong mùa Hè khoảng thời gian từ 19-21h.

Tủ lạnh, máy điều hòa không khí và chiếu sáng chiếm khoảng 50% lượng điện năng tiêu thụ tại các hộ gia đình. Vì vậy, trong cẩm nang giới thiệu các biện pháp tiết kiệm điện, nhà chức trách đã đề xuất các biện pháp cụ thể với các thiết bị nói trên.

Đối với máy điều hòa không khí, website chính thức của chính quyền thành phố Tokyo khuyến khích đặt nhiệt độ ở mức 28 độ C với giải thích rằng việc cài đặt ở mức này sẽ giảm bớt công suất sử dụng điều hòa không khí, do đó giúp tiết kiệm điện và tiền. Ngoài ra, chính quyền cũng khuyến nghị người dân chú ý vệ sinh bộ lọc điều hòa không khí theo định kỳ hai lần một tháng.

Đối với tủ lạnh, chính quyền khuyến khích thay đổi cài đặt độ lạnh từ mức “cao” sang “trung bình”, sẽ giúp giảm 1,8% mức sử dụng năng lượng. Ngoài ra, đặt tủ lạnh cách tường 2cm sẽ giúp giảm 1,3% mức sử dụng năng lượng.

Tháp Tokyo tắt đèn sau 9 giờ tối để tiết kiệm điện, tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 22/3/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Với các thiết bị chiếu sáng, chính quyền thủ đô Tokyo đã quảng cáo chiếu sáng bằng đèn LED như một biện pháp tiết kiệm năng lượng hiệu quả, khuyến khích người dân dùng đèn LED thay thế các thiết bị chiếu sáng sợi đốt để giảm khoảng một nửa điện năng tiêu thụ cho mục đích chiếu sáng. Theo nhà chức trách, thay thế ba thiết bị chiếu sáng bằng đèn LED sẽ giúp tiết kiệm khoảng 6.600 yen (gần 50 USD)/năm.

Nhà chức trách cũng kêu gọi người dân sử dụng thiết bị thân thiện với môi trường. Theo dữ liệu của chính quyền Tokyo, việc thay thế một tủ lạnh 10 năm tuổi từ 401 lít đến 450 lít sẽ tiết kiệm được 6.500 yen/năm, tương đương 65.000 yen trong 10 năm. Chính quyền thành phố đã khuyến khích người dân đăng ký phiếu quà tặng trị giá tới 21.000 yen để thay thế tủ lạnh và máy điều hòa không khí cũ.

Khi đề cập đến việc nâng cấp và thay thế các thiết bị gia dụng như một biện pháp tiết kiệm điện ở Nhật Bản, các nhà chức trách khuyến khích người dân đọc kỹ thông tin chỉ dẫn về hiệu suất tiết kiệm năng lượng ghi trên nhãn thiết bị. Luật Bảo tồn Năng lượng của Nhật Bản bắt buộc phải ghi thông tin về hiệu quả tiêu thụ năng lượng và mức tiêu thụ năng lượng hoặc nhiên liệu trên nhãn sản phẩm. Chính quyền cũng khuyến khích nhà sản xuất tự nguyện cung cấp thông tin chi tiết hơn và dễ hiểu hơn về hiệu suất tiết kiệm năng lượng của thiết bị trên nhãn sản phẩm.

Cuối cùng là khuyến khích người dân tăng cường sử dụng năng lượng Mặt Trời. Với mục tiêu của Nhật Bản là giảm 46% lượng phát thải khí nhà kính vào tháng 4/2030, chính phủ đã thúc đẩy việc lắp đặt các tấm pin Mặt Trời trên tất cả các tòa nhà công cộng mới xây dựng như một phần trong nỗ lực thúc đẩy năng lượng tái tạo.

Đối với các hộ gia đình, Bộ Môi trường đã thúc đẩy việc sử dụng năng lượng Mặt Trời thông qua các thỏa thuận tài chính trong đó các hộ gia đình được lắp đặt các tấm pin Mặt Trời miễn phí và sau đó mua điện từ công ty lắp đặt các tấm pin hoặc thuê các tấm pin của công ty đó.

Ngoài 5 biện pháp chính trên, Bộ Môi trường cũng đề xuất người dân một số biện pháp bổ sung như treo rèm dày trên cửa sổ; sử dụng quạt hoặc máy tuần hoàn để luân chuyển không khí mát; giảm độ chiếu sáng của các phòng; giảm thời gian mở cửa tủ lạnh và tránh trữ quá nhiều thực phẩm trong tủ lạnh; để màn hình tivi ở chế độ tiết kiệm năng lượng và tắt màn hình khi không xem; không sử dụng máy giặt liên tục mà chỉ sử dụng khi khối lượng đồ cần giặt đạt ít nhất 80% công suất máy; cải thiện khả năng cách nhiệt của ngôi nhà, chẳng hạn như lắp kính hai lớp ở cửa sổ và điều chỉnh lối sống như dành nhiều thời gian hơn trong phòng khách với gia đình, tắt đèn và điều hòa không khí trong phòng trống.

Trong trường hợp cung và cầu năng lượng bị thắt chặt, các cơ quan chức năng ở Nhật Bản có thể yêu cầu người dân không sử dụng các thiết bị gia dụng tiêu thụ lượng điện lớn như ấm điện, lò vi sóng, lò nướng, nồi cơm điện cao tần, máy rửa bát, máy sấy… Chính phủ áp dụng chương trình thưởng điểm cho các hộ gia đình cắt giảm mức tiêu thụ điện hàng tháng từ 3% trở lên so với năm trước, phối hợp với hệ thống điểm thưởng của các tiện ích.

Link gốc

 

Theo: BNews