Tin thế giới

Nestle sẽ sử dụng 100% năng lượng tái tạo ở các nhà máy trên toàn cầu trong 5 năm tới

Thứ sáu, 4/12/2020 | 16:42 GMT+7
Theo Chủ tịch công ty thực phẩm và đồ uống Nestle Paul Bulcke, công ty đặt mục tiêu hoàn thành chuyển đổi các nhà máy trên toàn cầu sang sử dụng 100% năng lượng tái tạo trong 5 năm tới.
 
Biểu tượng Nestle tại trụ sở ở Vevey, Thụy Sĩ. Ảnh: AFP/TTXVN
 
Quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo là một trong ba lĩnh vực trọng tâm trong lộ trình chống biến đổi khí hậu và giảm thiểu tác động đến môi trường của Nestle. Hai lĩnh vực trọng tâm khác là hỗ trợ nông nghiệp tái sinh và phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường.
 
Nestle, công ty thực phẩm và đồ uống lớn nhất thế giới, đang thực hiện những thay đổi cơ bản để giảm thiểu lượng khí thải thông qua việc sử dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất. Việc cắt giảm lượng khí thải bắt đầu với việc tăng hiệu quả sử dụng năng lượng và tiếp tục với việc chuyển sang các quy trình tiêu tốn ít năng lượng. Nestle đang tiến hành ba bước chính.
 
Thứ nhất là cung cấp năng lượng cho sản xuất theo cách thức có thể tái tạo. Nestle sẽ tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo được sử dụng thông qua các thỏa thuận mua bán điện, biểu giá thân thiện với môi trường, chứng chỉ năng lượng tái tạo và sản xuất tại chỗ để đạt được mục tiêu sử dụng 100% năng lượng tái tạo vào năm 2025.
 
Cùng với các dạng năng lượng tái tạo đã được thiết lập như gió và Mặt Trời, Nestle cũng sẽ làm việc với các nhà cung cấp để tăng cường khả năng cung cấp năng lượng nhiệt tái tạo được tạo ra từ các nguồn chẳng hạn như khí sinh học và sinh khối vào năm 2030.
 
Thứ hai là tăng hiệu quả sử dụng năng lượng để giảm lượng khí thải. Nhiều dự án tiết kiệm năng lượng đã được lên kế hoạch cho các địa điểm trên khắp thế giới từ hệ thống chiếu sáng bằng đèn sử dụng công nghệ diode phát quang (LED) để tối ưu hóa tiêu thụ năng lượng trong thời gian không sản xuất và thu hồi nhiệt năng.
 
Thứ ba là sẽ tiếp tục loại bỏ các chất làm lạnh công nghiệp có nguy cơ cao trong việc làm Trái Đất nóng lên (GWP) như hydrofluorocarbon và thay thế bằng các chất làm lạnh mới có GWP tự nhiên bằng không hoặc thấp như amoniac, CO2 và hydrocarbon.
 
Ngoài ra, Nestle cũng sẽ chuyển đội xe toàn cầu sang các lựa chọn có lượng khí thải thấp hơn. Nestle cũng thực hiện các biện pháp bảo vệ và tái tạo nước, cũng như giải quyết chất thải thực phẩm trong hoạt động của mình.
 
Còn theo Chủ tịch kiêm Giám đốc Nestle Indonesia, Ganesan Ampalavanar, Nestle chính thức hoạt động tại Indonesia khi thành lập công ty PT Food Specialties Indonesia vào năm 1971. Nestle Indonesia có nhà máy Kejayan là một trong 10 cơ sở sản xuất lớn nhất của công ty. Nestle tin rằng cần phải tăng năng lực sản xuất để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
 
Tại Indonesia, Nestle có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh với việc đầu tư 100 triệu USD trong giai đoạn đại dịch COVID-19.
 
Theo: BNews