Trong đó, Điện lực Sài Gòn đã và đang từng bước ngầm hóa địa bàn 2 Quận, gồm Quận 1 và Quận 3 - nơi được xem là mặt tiền của Thành phố. PV đã có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Toàn – Phó Giám đốc Công ty Điện lực Sài Gòn về vấn đề này.
Thưa ông, ông có thể cho biết kết quả ngầm hóa lưới điện và cáp viễn thông trên địa bàn Quận 1, Quận 3 đạt được trong năm 2014 như thế nào?
|
Ông Trần Văn Toàn - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Sài Gòn |
Ông Trần Văn Toàn: Tính đến nay, tỉ lệ ngầm hóa lưới điện trung thế tại khu vực Quận 1, Quận 3 đạt 82%, lưới điện hạ thế đạt khoảng 20%. Các công trình ngầm hóa nêu trên sử dụng giải pháp ngầm hóa hạ tầng kỹ thuật theo hướng hiện đại, quản lý tập trung hệ thống công trình hạ tầng ngầm kỹ thuật đô thị (gồm điện và viễn thông thông tin), phối hợp đồng bộ với công tác chỉnh trang, cải tạo vỉa hè.. Việc này không chỉ đem lại vẻ mỹ quan đô thị, góp phần nâng cao năng lực cung ứng điện, an toàn trong vận hành, sử dụng hiệu quả vỉa hè mà còn góp phần cải thiện môi trường sống cho người dân trong khu vực.
Tuy nhiên thực tế cho thấy vẫn còn tình trạng “mạng nhện” ở một số nơi?
Ông Trần Văn Toàn: Đúng là như vậy, do chúng tôi chỉ mới ngầm hoá lưới điện, chưa kết hợp được việc ngầm hoá dây thông tin và chiếu sáng nên tình trạng “mạng nhện” dây thông tin chưa được cải thiện triệt để. Để khắc phục việc này, từ năm 2012, Tổng Công ty Điện lực TP.HCM đã ký kết Quy chế phối hợp với Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) để triển khai ngầm hóa lưới điện đồng bộ với ngầm hóa dây thông tin, không phải đào tái lập mặt đường nhiều lần gây phiền hà cho người dân (thống nhất chọn chung 01 nhà thầu thi công mương cáp).
Ban đầu công tác phối hợp còn chưa chặt chẽ do cơ chế hoạt động khác nhau của 02 doanh nghiệp, nhưng từng bước đã được khắc phục để đẩy nhanh tiến độ phối hợp thực hiện. Tháng 6/2014, Tổng Công ty cũng đã ký quy chế phối hợp triển khai các dự án ngầm hóa mạng cáp viễn thông kết hợp với ngầm hóa lưới điện trên địa bàn TP.HCM với các nhà mạng viễn thông, làm cơ sở để các đơn vị Điện lực và Viễn thông đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình ngầm hóa, khi đó, tình trạng “mạng nhện” sẽ được giải quyết dứt điểm trong thời gian tới.
Được biết, việc ngầm hóa lưới điện giai đoạn 2011-2014 tuy đạt nhiều kết quả khả quan nhưng bị chậm tiến độ so kế hoạch. Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến việc chậm trễ này?
Ông Trần Văn Toàn: Có thể nói việc chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân khách quan. Trong đó có việc hầu hết các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng viễn thông (như FPT,…) còn chưa quan tâm đúng mức để thực hiện đúng tiến độ. Các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng viễn thông chậm triển khai các thủ tục đồng bộ đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thực hiện các dự án ngầm hóa.
Năng lực quản lý dự án và tài chính của một số đơn vị viễn thông thực hiện đầu tư mương cáp còn khá hạn chế, còn viện dẫn các lý do khác để chậm thực hiện ngầm hóa dây thông tin dẫn đến chậm thu hồi trụ điện, khi ngành điện thông báo cắt dây thông tin thu hồi trụ điện theo quy định thì các doanh nghiệp này báo cáo Sở Thông tin và Truyền thông xin gia hạn, dẫn đến kéo dài thời gian thu hồi trụ.
Ngoài ra, khi ngầm hóa đòi hỏi phải tái bố trí và lắp đặt các thiết bị như tủ RMU, tủ phân phối hạ thế trên trụ điện xuống vỉa hè. Thời gian qua, việc thi công lắp đặt các thiết bị này chưa được sự đồng thuận của một số người dân, mặc dù, các vị trí này đã được các cơ quan quản lý hạ tầng chấp thuận và cấp phép thi công theo quy định; ngành điện cũng đã phối hợp với UBND các phường, Tổ dân phố, khu phố mời họp các hộ dân trên các tuyến đường ngầm hoá để ngành điện báo cáo kế hoạch tiến độ thi công, vị trí, khối lượng công trình để tạo được sự đồng thuận trong nhân dân trước khi khởi công công trình. Thời gian tới, Công ty Điện lực Sài Gòn sẽ thực hiện tham vấn cộng đồng các công trình ngầm hóa theo chỉ đạo của Tổng công ty Điện lực TP.HCM, khi đó, sẽ hạn chế được các vướng mắc trong quá trình thi công như vừa qua.
Tuyến đường Lý Tự Trọng Quận I đã được ngầm hóa tạo mỹ quan đô thị
Ngoài những nguyên nhân nói trên Điện lực Sài Gòn còn gặp những khó khăn nào trong quá trình thực hiện dự án?
Ông Trần Văn Toàn: Các chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật đều xây dựng theo tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành (yêu cầu đi riêng và có hành lang bảo vệ riêng), nên chiếm nhiều diện tích bố trí mặt bằng ngầm trên lề đường/lòng đường, dẫn đến không đủ vị trí để bố trí cho các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm khác, nên ngành điện cũng gặp nhiều khó khăn khi thỏa thuận tuyến.
Đồng thời, hành lang bố trí công trình ngầm hóa thường đi qua nhiều tuyến đường, bao gồm cả dưới lòng đường và trên vỉa hè nên việc thỏa thuận tuyến, vị trí lắp đặt thiết bị phải thông qua nhiều cơ quan quản lý khác nhau. Do đó, tiến độ thỏa thuận thường chậm, cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thực hiện công trình.
Để đẩy nhanh tiến độ ngầm hóa lưới điện đồng bộ với ngầm hóa dây thông tin theo kế hoạch của Thành phố giao, các chủ đầu tư viễn thông phải tích cực hơn nữa trong việc phối hợp với các Công ty Điện lực nói chung, Công ty Điện lực Sài Gòn nói riêng đẩy nhanh tiến độ thực hiện thủ tục đấu thầu chung, đôn đốc nhà thầu xây lắp tập trung thi công theo kế hoạch, tiến độ đã được Ban Chỉ đạo ngầm hóa lưới điện kết hợp ngầm hóa dây thông tin thông qua; Đồng thời, các cấp chính quyền, đoàn thể, các chi bộ khu phố, Tổ dân phố tuyên truyền, tạo sự đồng thuận đến từng người dân biết chủ trương ngầm hoá lưới điện kết hợp ngầm hóa dây thông tin trên địa bàn thành phố của Thành uỷ, UBND Thành phố để tạo điều kiện thuận lợi cho Công ty Điện lực Sài Gòn và các nhà mạng viễn thông tổ chức thi công lắp đặt thiết bị tại các vị trí đã được các cơ quan chức năng thoả thuận sau khi đã thực hiện tham vấn công đồng, nhằm sớm hoàn tất kế hoạch ngầm hoá lưới điện – viễn thông trên địa bàn, góp phần nâng cao an toàn, độ tin cậy trong vận hành lưới điện và mỹ quan đô thị.
Xin cảm ơn Ông!