Tin trong nước

Ngành điện: Điểm sáng trong công tác an sinh ở Tây Bắc

Thứ tư, 22/6/2016 | 09:35 GMT+7
Là tập đoàn kinh tế nhà nước, trong nhiều năm qua, bên cạnh nhiệm vụ bảo đảm đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã nỗ lực làm tốt công tác an sinh xã hội, trong đó nổi bật nhất có thể kể đến Chương trình 30a ở Tây Bắc
 
Ánh sáng về bản

Thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo, dựa trên những thế mạnh của mình, EVN được phân công hỗ trợ cho 3 huyện Than Uyên, Tân Uyên và Phong Thổ thuộc tỉnh Lai Châu.

Trong giai đoạn từ 2009 – 2015,  EVN đã xây dựng nhiều chương trình hỗ trợ thiết thực cho 3 huyện với tổng kinh phí khoảng 600 tỷ đồng. Cụ thể, đã đầu tư trên 450 tỷ đồng để xây dựng mạng lưới điện cho các xã, thôn, bản và hộ dân chưa có điện; hỗ trợ bình quân 3 triệu đồng/hộ để đấu nối sau công tơ và cấp cho mỗi hộ 1 ổ điện, 1 bóng đèn compact. Đến nay, đã cung cấp điện cho 100% xã và 92,5% số hộ dân có điện sử dụng (vượt chỉ tiêu 2,5%).

Ngoài đầu tư hệ thống lưới điện, EVN còn thực hiện chương trình xóa nhà tạm bằng việc hỗ trợ xây nhà cho 16 hộ thuộc diện chính sách với kinh phí bình quân 40 triệu đồng/nhà; hỗ trợ 5 triệu đồng/hộ cho 1.400 hộ dân cần xóa nhà tạm. EVN đã góp phần giúp Lai Châu hoàn thành việc xóa nhà tạm theo Chương trình 167 của Chính phủ với 2.511 hộ.

Trong giai đoạn này, EVN đã hỗ trợ địa phương xây dựng trên 40 nhà “bán trú dân nuôi” tại các trường học do UBND tỉnh lựa chọn; 2 trường học tại huyện Tân Uyên giúp bảo đảm điều kiện học tập cho các con em đồng bào dân tộc, khắc phục việc đi lại của các em học sinh, nhất là trong mùa mưa lũ, mùa lạnh. Hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho 4.278 học sinh trong 3 năm học từ 2009 - 2011; hỗ trợ thiết bị y tế cho các trạm y tế xã. Bên cạnh đó, EVN đã mở 3 lớp đào tạo nghề cho tổng số 59 học sinh là con em các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách...
 
EVN tặng xe đạp và đồ y tế

Cùng với các cấp chính quyền, Đoàn thanh niên EVN cũng tích cực hưởng ứng thông qua việc phối hợp với địa phương thực hiện nhiều chương trình: Trao quà cho các hộ gia đình khó khăn, hộ chính sách, học sinh nghèo vượt khó, học sinh bán trú tại 3 huyện; tặng tủ sách cho 21 trường học bán trú; khám bệnh phát thuốc cho các hộ dân; quyên góp trao quà Tết cho các hộ gia đình khó khăn, trồng cây xanh; hỗ trợ sửa chữa, hướng dẫn các hộ dân nghèo, hộ dân tộc và các hộ dân tái định cư sử dụng điện an toàn, tiết kiệm; tặng xe đạp điện cho các hộ dân vùng sâu, vùng xa chưa có điều kiện cấp điện bằng điện lưới quốc gia...

Đến những đổi thay

Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ - cho biết: Toàn huyện có 18 xã, thị trấn nhưng có tới 13 xã biên giới, 15 xã đặc biệt khó khăn, 97% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế chậm phát triển. Trước khi triển khai Chương trình 30a, cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm của huyện còn rất thiếu và yếu; đơn cử như điện, số hộ dân có điện sử dụng rất thấp. Nhưng đến nay, 100% số xã đã có điện tới trung tâm xã, gần 90% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia.

Cùng với hệ thống đường giao thông được mở mang nâng cấp, hệ thống điện đã giúp địa phương chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cây trồng vật nuôi (chuối, cao su, mắc ca, chè..); xây dựng những cánh đồng mẫu lớn, mô hình sản xuất hàng hóa tập trung thay cho sản xuất nhỏ lẻ manh mún, nhờ đó kinh tế - xã hội của địa phương từng bước phát triển. Số hộ nghèo đã giảm từ trên 58% xuống còn 26% vào năm 2015, bình quân mỗi năm giảm 5 - 6%.

Báo cáo của UBND tỉnh Lai Châu cho thấy, chương trình phát triển mở rộng lưới điện nông thôn, cấp điện đến từng hộ dân có ý nghĩa xã hội rất to lớn, mang lại hiệu quả thiết thực cho địa phương. Các công trình lưới điện đưa vào vận hành đã phát huy được hiệu quả, hoạt động sản xuất của người dân chuyển dần sang sản xuất hàng hóa, dịch vụ, góp phần xóa đói, giảm nghèo và thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
 
Điện về vùng cao

Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Vương Văn Thành cho biết, bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, các nội dung hỗ trợ của EVN và sự nỗ lực vươn lên của các hộ nghèo, trong giai đoạn 2009 - 2014, toàn tỉnh đã có 32.948 hộ thoát nghèo. Trong đó, 3 huyện Than Uyên, Tân Uyên và Phong Thổ do EVN hỗ trợ đã có 16.098 hộ thoát nghèo (chiếm gần 50% số hộ thoát nghèo của toàn tỉnh Lai Châu). Đặc biệt, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, dịch vụ tương đối rõ nét, thu nhập đầu người tăng cao theo hàng năm, khoảng 1,7 triệu đồng/người/năm.

Tại lễ sơ kết chương trình 30a vào cuối năm 2015, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (khi đó là Phó Thủ tướng, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc) đã ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của EVN trong xóa đói giảm nghèo cho 3 huyện của tỉnh Lai Châu. EVN đã góp phần khẳng định trách nhiệm của doanh nghiệp nhà nước đối với xã  hội, đồng thời, khẳng định tính ưu việt của cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Con đường phía trước

Mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng, tuy nhiên theo ông Sơn, ngoại trừ hệ thống điện tương đối hoàn chỉnh, Phong Thổ vẫn còn trên 300 km đường giao thông đến thôn bản chưa được đầu tư; còn thiếu nhiều trường học... Vì vậy, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ thiết thực của nhà nước, các bộ, ban, ngành và các doanh nghiệp như EVN để đạt được mục tiêu giảm số hộ nghèo xuống dưới 10%, tăng thu nhập bình quân đầu người từ 12 triệu đồng hiện nay lên 24 triệu/người/năm vào 2020 như Nghị quyết 19 của Đảng bộ huyện Phong Thổ đã đề ra.

Ông Vương Văn Thành cho biết, giai đoạn 2016 - 2020, UBND tỉnh Lai Châu và Tập đoàn EVN đã thỏa thuận tiếp tục Chương trình hỗ trợ 30a. Theo đó, EVN sẽ đầu tư khoảng 120 tỷ đồng cấp điện cho các hộ dân chưa có điện, cũng như cải tạo lưới điện trên địa bàn tỉnh. Điều này sẽ giúp Lai Châu khai thác tiềm năng công nghiệp, phát triển nông nghiệp và du lịch.

Trên cơ sở những thành tựu đã đạt được, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu EVN tiếp tục hỗ trợ cho tỉnh Lai Châu, coi đó là nhiệm vụ chính trị và trách nhiệm của doanh nghiệp nhà nước. Bên cạnh việc cung cấp đủ điện, phải đẩy mạnh truyền thông cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, để họ chuyển dịch cơ cấu, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống. Đồng thời, quan tâm phát triển năng lượng xanh, sạch như thủy điện mini, điện năng lượng mặt trời… tại các vùng sâu để nâng tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện.

Ông Dương Quang Thành - Chủ tịch HĐTV EVN - cho rằng, việc tiếp tục ký kết Thỏa thuận hỗ trợ chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững cho giai đoạn 2016 - 2020 với UBND tỉnh Lai Châu, UBND các huyện Than Uyên, Tân Uyên, Phong Thổ đã thể hiện ý chí, quyết tâm và cam kết mạnh mẽ của Tập đoàn EVN là ngoài việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, vẫn dành nhiều tình cảm, vật chất, tiếp tục đồng hành cùng người dân tỉnh Lai Châu nói chung và 3 huyện Than Uyên, Tân Uyên, Phong Thổ nói riêng trong nỗ lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân vùng sâu vùng xa. Ngoài chương trình hỗ trợ cho 3 huyện nghèo tỉnh Lai Châu, năm 2015, EVN dành gần 70 tỷ đồng cho công tác an sinh xã hội trên khắp cả nước như: phụng dưỡng 103 Mẹ Việt Nam anh hùng; hỗ trợ xây dựng nhà cho gia đình chính sách và các hoạt động nhân đạo, từ thiện xã hội, ủng hộ biển đảo, vùng bị thiên tai lũ lụt.
Theo: Báo Công Thương