Ngày đầu năm ở "bộ não" ngành điện

Chủ nhật, 26/1/2020 | 15:26 GMT+7
Dù tiếng pháo hoa nổ vang dội, báo hiệu thời khắc bước sang năm mới nhưng trong căn phòng được ví như 'bộ não' của hệ thống điện TP.HCM vẫn im phăng phắc.
Không gian làm việc tại Trung tâm điều độ hệ thống điện TP.HCM lúc 1h25 sáng 1-1 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
 
Các kỹ sư căng mắt trên những màn hình, dõi theo từng thông số kỹ thuật nhằm bắt ngay sự cố ập đến...
 
Các kỹ sư tại căn phòng này luôn "căng não" để xử lý ngay các sự cố lưới điện của toàn TP chỉ bằng vài cái click chuột. Họ đã góp phần hạn chế sự cố cháy nổ, chập điện, đem lại nguồn sáng cho hơn 10 triệu dân cũng như bảo đảm nguồn điện cho biết bao công xưởng của TP. 
 
Và khi thời khắc bước sang năm mới đi qua trong sự bình yên, họ cảm thấy ngập tràn hạnh phúc bước vào ngày mới - ngày đầu tiên của năm 2020.
 
Xử lý sự cố điện nhanh... như điện
 
Trước đây, việc phát hiện và xử lý sự cố điện phải thực hiện thủ công, thời gian cắt điện kéo dài hàng giờ đồng hồ thì nay chỉ bằng vài thao tác tại căn phòng trên, các sự cố đã được định vị và khắc phục ngay trong vài phút. 
 
Đó là nhờ vào mạng lưới điện thông minh được điều khiển tự động từ Trung tâm điều độ hệ thống điện đặt tại Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC).
 
22h đêm cuối năm, kỹ sư - trưởng ca điều độ Trương Minh Đức (47 tuổi) cùng các kỹ sư trẻ bước vào ca trực đặc biệt trong lúc hàng triệu người dân TP đổ xuống đường xem pháo hoa. 
 
Trên chiếc màn hình khổng lồ được ghép lại từ 15 màn hình 55 inch là toàn bộ thông số về hệ thống điện của TP với những bảng mạch chi chít được cập nhật từng giây. 
 
Đó là thông số của các trạm biến áp, thiết bị đóng cắt tự động (recloser), đường dây truyền tải điện, công suất đang được huy động... 
 
Đến cận giao thừa, mọi con số hiển thị trên màn hình đều cho ra kết quả là hệ thống lưới điện trên toàn TP đang hoạt động trơn tru, không có khu vực nào mất điện.
 
Tuy vậy, các kỹ sư luôn giữ tinh thần "sẵn sàng chiến đấu" bởi sự cố có thể xảy ra bất cứ lúc nào. 
 
Theo giải thích của một kỹ sư, khi có sự cố xảy ra, đâu đó tại TP mất điện, những chiếc loa trong căn phòng này sẽ vang lên thông báo "thiết bị thay đổi trạng thái" kèm chuông báo tín hiệu nhấp nháy và đường dây bị sự cố chuyển sang màu trắng trên màn hình. 
 
Ngay lập tức, các điều độ viên phải lao vào phân tích, định vị vị trí hệ thống điện gặp trục trặc và xử lý liền tay chỉ trong tích tắc.
 
Với thâm niên hơn 20 năm trong nghề, kỹ sư Đức cho biết có những trường hợp mất điện bất ngờ cả một khu vực bởi các nguyên nhân rất "trời ơi". 
 
Ví dụ như người dân bắn kim tuyến vào lưới điện đêm giao thừa hoặc một chú sóc, rắn bò lên lưới hoặc xe cẩu va vào lưới điện... 
 
Kỹ sư Đức kể: Mới sáng 30-12-2019, một người dân trong lúc cắt tỉa làm nhành cây rơi trúng đường dây điện. 
 
Thế là hậu quả xảy ra, làm một phần phường Bình Hưng Hòa (Q.Bình Tân) mất điện. Trung tâm tự động ghi nhận sự cố này lúc 10h48 và xác định có đến 2.686 khách hàng bị "vạ lây" - mất điện vì một nhánh cây. 
 
Ngay tức thì, các kỹ sư ngồi tại trung tâm đã thao tác trên máy tính để cô lập khu vực bị sự cố, "ra lệnh" đóng điện tự động trở lại, giúp 2.356 khách hàng có điện chỉ chưa đầy 5 phút.
 
Riêng đêm giao thừa, ông Đức cho hay cứ có báo cháy là các kỹ sư phải ngay lập tức "lệnh" trên hệ thống cắt điện khu vực cháy để đảm bảo tính mạng cho người dân. 
 
"Nhờ có hệ thống thông minh này mà chỉ cần click chuột một cái là tắt được điện ngay ở khắp mọi nơi trên toàn TP. Trước đây, để thực hiện công việc này, các công nhân, kỹ sư phải đến tận trạm thao tác thủ công rất vất vả và tốn công sức" - ông Đức chia sẻ.
 
Trí tuệ nhân tạo điều khiển lưới điện
 
Sở dĩ gọi trung tâm điều độ này là "bộ não" của hệ thống lưới điện TP bởi nơi đây đóng vai trò then chốt điều hành toàn bộ "mạch máu" - hệ thống lưới điện của toàn TP. 
 
Các kỹ sư làm việc tại trung tâm như những bác sĩ khi "bắt mạch" lưới điện online và chữa bệnh cũng online bằng trí tuệ "Made in Vietnam". 
 
Hệ thống này đã ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để có thể tự động xác định vị trí gặp sự cố, tự đề xuất phương án cô lập vùng gặp sự cố và tái lập lưới điện ở những khu vực không bị ảnh hưởng. Sau đó hệ thống sẽ khôi phục lưới điện chỉ chưa đầy 3 phút sau.
 
Để vận hành trơn tru hệ thống lưới điện thông minh này, ngành điện đã phải lắp gần 1.500 thiết bị đóng cắt tự động trên 770 tuyến dây 22kV rải khắp TP. 
 
Ông Nguyễn Văn Thanh - phó tổng giám đốc EVNHCMC - cho biết việc xây dựng lưới điện thông minh có hàng trăm cái lợi, nhất là khi xảy ra thiên tai trên diện rộng. 
 
Như năm 2018 bão đổ bộ vào TP, thay vì hàng trăm công nhân phải đội mưa bão xử lý hệ thống điện trên thực địa thì lúc ấy chỉ cần 4 nhân viên ngồi tại trung tâm đã có thể cắt điện, chuyển tải kịp thời ở những quận, huyện gặp trục trặc hoặc ngập sâu, đảm bảo an toàn tối đa.
 
Chìa chiếc smartphone với hàng loạt thông số, ông Luân Quốc Hưng - trưởng ban kỹ thuật EVNHCMC - cho biết các số liệu về hệ thống điện của TP đã truyền về trung tâm điều khiển thông minh và cập nhật trực tuyến vào trong app điện thoại. 
 
"Ở Mỹ, vận hành lưới điện hiện đại như thế nào thì ở TP.HCM cũng vậy, không thua kém gì cả bởi hệ thống của mình đã đạt chuẩn quốc tế rồi" - ông Hưng nói.
 
Theo ông Hưng, trong quá trình xây dựng hệ thống điều hành lưới điện thông minh (SCADA/DMS), khâu lập trình, thi công, điều hành đều do các kỹ sư của EVNHCMC làm chủ công nghệ, giúp tiết kiệm hàng triệu USD nếu phải thuê tư vấn nước ngoài. 
 
Từ khi lắp đặt hệ thống này, bất kỳ trạm biến áp, đường dây nào trên 24 quận huyện "hắt hơi, sổ mũi" đều được truyền tín hiệu về trung tâm điều khiển thông qua hệ thống mạng viễn thông. 
 
Nhờ vậy, ông Hưng cho hay chỉ tính riêng việc quản lý từ xa 60 trạm biến áp 220kV, 110kV (không cần người trực) tại TP đã giúp tiết kiệm được 400 nhân công so với trước đây.

Ngành điện cũng có... Grab
 
Rạng sáng 1-1, khi vừa nhận được tin báo khách hàng mất điện qua phần mềm, các nhân viên trực đêm tại Công ty Điện lực Gia Định (Q.Bình Thạnh) lập tức chuyển phiếu thông tin của khách hàng cho các nhân viên đang làm việc trên thực địa thông qua app điện thoại.
 
Toàn bộ quy trình xử lý sự cố từ khi tiếp nhận yêu cầu đến khi xử lý xong đều được thực hiện trên Internet.
 
Điều đặc biệt, nhờ có hệ thống định vị mà công ty điện lực sẽ chuyển yêu cầu đến công nhân ở gần nhà khách hàng nhất như ứng dụng gọi xe Grab.
 
Ông Nguyễn Văn Thanh - phó tổng giám đốc EVNHCMC - cho biết EVNHCMC cũng sẽ nâng cấp, cải tiến phần mềm "Grab điện" theo hướng khi khách hàng đặt yêu cầu về một dịch vụ liên quan đến xử lý sự cố điện qua app cũng sẽ biết được số điện thoại, hình ảnh, thậm chí biết được cả quãng đường di chuyển của công nhân điện lực...
 
Ngoài ra, EVNHCMC cũng đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động chăm sóc khách hàng khi đưa hệ thống chatbox - trả lời ngay các thắc mắc của khách hàng một cách tự động.

Link gốc

Theo: Tuổi trẻ