Dự kiến, phải sau năm 2020, 100% số xã có đồng bào dân tộc thiểu số mới được sử dụng điện lưới quốc gia. Muốn vậy, giao thông phải “đi trước một bước”, xây dựng cơ sở hạ tầng vững chắc, dựng cột điện để kéo điện lưới về. Kế tiếp, tỉnh phải điều tra khảo sát, bố trí lại dân cư, bố trí lại việc sản xuất hợp lý cho bà con các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Đặc biệt, dành nhiều chính sách ưu đãi về thuế, đất đai cho các nhà đầu tư vào dự án.
Theo Ban Dân tộc miền núi tỉnh Nghệ An, hiện 60% đồng bào dân tộc miền núi của tỉnh vẫn chưa được sử dụng điện lưới quốc gia, đặc biệt là các hộ dân ở các xã, thôn, bản vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của ba huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong. Nguyên nhân của tình trạng trên là do các huyện đều có địa bàn rộng, đồi núi phức tạp, đến nay tỉnh vẫn chưa xây dựng được cơ sở hạ tầng, giao thông nông thôn tại các thôn, bản này. Mặt khác, dân cư chủ yếu là đồng bào người Mông, Khơ Mú, Thái sống thưa thớt, lại du canh du cư nay đây mai đó. Thời gian qua, tuỳ theo điều kiện địa hình của từng xã, tỉnh Nghệ An đã tiến hành xây dựng một số thuỷ điện nhỏ, thuỷ điện năng lượng mặt trời, thuỷ điện gió nhưng không mang lại hiệu quả vì nguồn năng lượng trên chỉ đáp ứng cho việc thắp sáng. Cũng trong 3 năm (2006-2008), Chương trình 135 giai đoạn II đã đầu tư 13 tỷ đồng xây dựng được 28 công trình điện lưới phục vụ các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, tuy nhiên số công trình trên quá ít ỏi nên chưa đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt của người dân./.
Xuân Mai