Tin trong nước

Nghề của tôi

Thứ năm, 18/6/2020 | 08:09 GMT+7
Nghề của tôi – nghề truyền thông ngành điện, một công việc mà tôi vô cùng yêu thích với bao tâm huyết trong suốt thời gian qua.
 

Bì bõm dưới ruộng sâu để “cứu điện”, các công nhân PC Phú Yên đã nhanh chóng khôi phục cấp điện lại cho người dân sau cơn bão số 12 năm 2017.
 
Khi đọc tiêu đề này, chắc hẳn các bạn sẽ nghĩ rằng, tôi là một người thợ điện khoác trên mình sắc cam ấm áp. Nhưng không, tôi là dân văn phòng chính gốc và nghề hiện tại của tôi là phản ánh những nỗ lực của người công nhân trong việc giữ vững dòng điện sáng đến với người dân, truyền tải những nỗ lực phục vụ và dịch vụ tiên tiến của ngành điện đến với khách hàng. 
 
Nghề của tôi - nó khiến tôi lạ lẫm lúc ban đầu, mê mẩn lúc tìm hiểu và đam mê trong suốt quá trình làm việc. Phải nói, sức hút của nó đối với tôi chưa bao giờ hạ nhiệt mà còn tăng dần theo thời gian. Tôi cảm thấy rất mừng khi phần nào đã làm chủ được những con chữ mà ngày trước tôi cho là bất trị. Tôi khoan khoái sử dụng nó như một công cụ để làm công việc yêu thích nhất của tôi. Đó là lột tả cho người đọc hình dung ra công việc của người thợ điện, từ đó có cái nhìn công tâm hơn về ngành điện. 
 
Quả thật, có trực tiếp quan sát những pha xả thân giành lại sự bình yên cho dòng điện mới thấy được sự cực khổ của người thợ điện. Anh Lữ Xuân Nhị - Điện lực Sông Cầu cho hay, "dường như những cuộc chiến không cân sức giữa con người và thiên nhiên giúp chúng tôi có thêm kinh nghiệm và bản lĩnh. Nhờ vào đó, dù ngày hay đêm, những pha “cứu điện” vẫn được chúng tôi triển khai trong sự đồng lòng và giải quyết rất nhanh chóng".
 
Khi tác nghiệp ngay sau bão số 12 năm 2017, hình ảnh nhiều trụ điện bị ngã sâu dưới nước, hình ảnh người công nhân lội ngược dòng để dựng từng trụ điện, kéo từng mét dây đã chạm vào miền cảm xúc sâu thắm nhất trong đáy lòng tôi. Đặc biệt, các anh còn biến hoá mình trong nhiều vai trò khác nhau: lúc là thợ điện kiêm người chèo thuyền; có lúc lại là những anh nuôi bất đắc dĩ kiêm “shipper” đa năng. Nhoẻn miệng cười, anh Lê Xuân Lộc - Điện lực Đông Hoà tâm sự, anh luôn được giao làm công tác hậu cần. Vì vậy, có lúc, anh tỉ mỉ chuẩn bị từng con ốc vít, vật tư; có lúc, anh lại biến thành đầu bếp dã chiến chính hiệu khi chế biến thức ăn từ những con cá dưới ruộng và mớ rau hái ven đường.
 

Công nhân Đội QLVH vận chuyển dụng cụ, vật tư vào bờ sau khi “cứu điện” tại xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa.
 
Không biết từ bao giờ, tôi đã mang lòng yêu màu áo các anh thợ điện. Thân quen là vậy nhưng nhìn sắc cam rộn lên dưới ánh thu rực rỡ, bao phen tôi vẫn phải ngẩn ngơ. Tôi cảm phục sắc cam bì bõm dưới ruộng sâu, luôn ngưỡng mộ sắc cam luồn lách giữa đại ngàn xanh mướt tiềm ẩn bao hiểm nguy. Theo chân các anh thợ điện 110kV, trên đầu nắng kết thành mũ, dưới chân bùn đất bện thành giày, vậy mà bao dụng cụ đồ nghề nặng nhọc vẫn được các anh khuân vác trên vai, di chuyển nhanh nhẹn, nhẹ nhàng. Nhìn từ xa, các anh như những chú kiến vàng chăm chỉ, bền bỉ men theo những con đường ngoằn ngoèo, uốn lượn. Anh Cao Văn Chỉnh - Đội Quản lý vận hành Lưới điện cao thế Phú Yên tâm sự: “Đặc điểm của lưới 110kV là nằm ở nơi rừng rú. Vì thế, chúng tôi chỉ có thể tự mình di chuyển mà không được dùng bất cứ phương tiện cơ giới nào, chuyện ở lại 2-3 ngày trong rừng là hết sức bình thường”. Anh còn bộc bạch thêm, nhiều lúc, các anh là “miếng mồi” ngon cho đám muỗi rừng hay không ít lần làm “thú vui” cho những chú rắn dữ tợn.
 
Nhớ có lần, tôi vô cùng hoảng sợ trước cơn thịnh nộ của thiên nhiên - bão số 6 năm 2019. Trên con đường từ cơ quan đến nơi xảy ra sự cố, cảnh vật xung quanh giống như một cơn ác mộng. Mới 3h chiều nhưng trời tối sầm và đầy sấm chớp; gió cuộn từng cơn hung bạo làm mọi vật xoay chuyển khiến chúng tôi phải vất vả lắm mới đến được hiện trường các anh công nhân đang xử lí sự cố. Người chúng tôi lạnh buốt, quần áo ướt nhẹp. Gió rít từng hồi như muốn cuốn bay chúng tôi cùng máy quay đi. May mắn thay, chúng tôi lách được vào nhà của người dân đang cho công nhân tá túc để cứu chữa vết thương cho đầu cáp ngầm. Ánh sáng lập lòe của ngọn đèn dầu ở nhà dân cộng hưởng cùng ánh đèn vàng rực từ chiếc đèn chuyên dụng của thợ điện, lại được bổ trợ thêm ánh sáng trắng từ màn hình chiếc điện thoại làm tôi thấy ấm áp đến lạ thường. Chẳng màng đến mưa gió đang thị uy sức mạnh bên ngoài, các anh công nhân vẫn mải mê bàn cách giải quyết để cấp điện lại cho hơn 2.000 khách hàng đang mong chờ. Tinh thần làm việc của các “bác sỹ điện” làm bộ phận truyền thông chúng tôi như tăng thêm động lực tác nghiệp. Thỉnh thoảng, bác chủ nhà lại giục: “Uống nước gừng cho ấm bụng rồi làm tiếp”. Rồi bác lại động viên: “Để mai làm cũng được. Xưa kia cũng đèn dầu thôi mà vẫn sống tốt”. Không phụ lòng người, những cánh hoa cam của đầu cáp ngầm lại rạng rỡ tái sinh. Ánh điện lại sáng ngời làm bà con an lòng hơn trong cơn bão.
 
Mưa bão cực khổ đã đành, thời điểm nắng nóng, các anh cũng chẳng thể sung sướng hơn. Có dịp song hành với các anh, tôi mới hiểu, tại sao các anh lại có làn da sạm nắng, tại sao gia đình các anh thợ điện luôn thiếu vắng bóng dáng người đàn ông, tại sao vào đêm hôm khuya khoắt chỉ một cú điện thoại là các anh bật dậy đi làm ngay, tại sao hết lần này đến lần khác, các anh lại thất hứa với gia đình?… Câu trả lời duy nhất cho tất cả các câu hỏi tại sao - đó là vì sự bình yên của dòng điện, vì mục tiêu cấp điện an toàn, liên tục cho khách hàng.
 
Trong hành trình tác nghiệp của mình, các áo cam còn chứng minh cho tôi và mọi người thấy được sự gan dạ khi phải đối mặt với những “điện tặc” hung dữ, những chiêu bóc mẽ mánh khoé trộm cắp điện tinh vi hoặc những pha lật tẩy màn lừa bán thiết bị tiết kiệm điện một cách ngoạn mục.
 
Phải nói, nếu không bén duyên với công tác truyền thông thì có lẽ tôi không thể hiểu nổi sự vất vả và cơ cực của lính áo cam. Điều đó thôi thúc tôi có thêm động lực để truyền tải những hình ảnh này đến với người dân. Và nỗi vui mừng cứ xáo trộn trong tim tôi khi điểm đánh giá hài lòng của khách hàng đối với ngành điện cứ tăng dần theo các năm. Không vui sao được khi đây như là một tiêu chí ghi nhận những nỗ lực thay đổi theo hướng tích cực của ngành điện và tôi cũng là người đã góp phần.
 
Mỗi người có một nghề. Có lẽ, ai cũng có nhiều tâm sự, nhiều tình cảm đối với nghề của mình thì mới gắn bó lâu dài được. Tôi cũng vậy, những minh chứng thông qua các anh lính áo cam như đã đi sâu vào tiềm thức trong tôi. Đặc biệt, thợ lính áo cam khiến cho công việc của tôi ngày càng đa sắc màu, khiến cho tôi tràn trề cảm xúc về một loài hoa luôn rạng rỡ sắc cam: “Hoa thợ điện”. Và mãi mãi, chuyện của loài hoa ấy sẽ là nguồn cảm hứng bất tận trong những bài viết không chỉ riêng tôi mà còn nhiều người tâm huyết với chuyện nghề của chính họ.
Hoa Hồng