Tin trong nước

Người H’Mông không còn thắp đèn dầu

Thứ tư, 10/3/2010 | 11:06 GMT+7

Hơn 6 năm qua, từ cheo leo đá tai mèo ở núi cao Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, hơn 600 người H’Mông đã có một cuộc hành trình dài, vượt hơn một ngàn km đến với vùng đất đỏ Bazan, định cư ở thôn 5-Rô Men, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng, được đất và người Nam Tây Nguyên mở vòng tay đón nhận: Từ cây, con giống, đất sản xuất đến nhà ở, trường học và bây giờ là điện thắp sáng. Nguồn điện như là mảnh ghép cuối cùng để những người H’Mông trên vùng đất mới có được cuộc sống không còn từng bữa phải ăn mèn mén trong cái Tết Canh Dần.

 

Các gia đình người H’Mông đã có điện phục vụ cho sinh hoạt 

Hơn 6 năm trước, người H’Mông ở các tỉnh miền núi phía bắc đến với Rô Men - huyện Đam Rông. Những ngày đầu, không đất, không nhà ở, cuộc sống tạm bợ bên trong những túp lều, họ thuê đất để trồng mỳ, trồng bắp và vào rừng kiếm lồ ô, bẫy thú để bán. Nhằm ổn định cho những người dân di cư tự do này, tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp với các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu đưa ra những giải pháp cụ thể bằng việc quy hoạch vùng đất ở Rô Men để lập thôn, ổn định đời sống cho hơn 600 nhân khẩu người H’Mông đang sống vất vưởng ở những bìa rừng. 

6 năm là quãng thời gian không dài để thay đổi cuộc sống, nhất là đối với những gia đình nghèo trên vùng đất mới, nhưng với sự nỗ lực của các cấp chính quyền Lâm Đồng và những chương trình, dự án đầu tư cho đồng bào dân tộc thiểu số của Đảng và Nhà nước, đời sống của người dân nơi đây đã thực sự thay đổi. Các hộ được cấp đất, cây và con giống để sản xuất, được hỗ trợ để làm nhà ở, xây dựng đường giao thông cấp phối để thuận tiện đi lại. Hơn hết, ở thôn 5, các em trong độ tuổi đến trường cũng đã có một ngôi trường khang trang để học tập.

Cuộc sống đã được thay đổi một cách rõ rệt, nhưng điều kiện đủ để thay đổi bộ mặt nông thôn thoát khỏi nghèo đói là nguồn điện thắp sáng lại chưa có. Bản H’Mông ở Rô Men với tỷ lệ 100% hộ nghèo luôn phải sống trong ánh sáng lạc hậu của đèn dầu. Để xây dựng cơ sở hạ tầng và tái thiết cuộc sống cho một khu dân cư nghèo cần đòi hỏi thời gian và sự nỗ lực của các cấp chính quyền. Lời giải cho vấn đề này đã được dự án điện Tây Nguyên mang về trong sự vui mừng của người H’Mông ở Rô Men.

Làng Rô Men khởi sắc khi điện về

Từ đầu năm 2008, chi nhánh Điện lực Đam Rông (thuộc Điện lực Lâm Đồng) bắt đầu dựng cột, kéo dây về thôn 5, các hộ được cấp miễn phí dây dẫn diện nhánh rẽ nối từ đường dây hạ thế về từng nóc nhà nhỏ, mỗi nhà được cấp công tơ, bóng đèn… và toàn thôn đã được “thắp sáng” bằng ánh điện lưới quốc gia. Sự khát khao, mong muốn trong hơn 2 ngàn ngày lập bản trên vùng đất mới đã trở thành hiện thực đối với những người H’Mông di cư tự do. 117 nóc nhà ở bản H’Mông giờ đã có điện để sản xuất, sinh hoạt và có những kế hoạch để yên tâm lập nghiệp.

Thôn 5 ở Rô Men có địa hình cao, chủ yếu là đất đồi và độ dốc lớn, người dân nơi đây đang canh tác trên 100 ha đất sản xuất nông nghiệp. Trước đây, khi chưa có điện, ngoài diện tích nhỏ dễ được cung cấp nước tưới như cấy lúa, người H’Mông chủ yếu trồng một số cây công nghiệp như cà phê, điều, keo tai tượng, mỳ, nhưng việc canh tác hoàn toàn phải đợi nguồn nước mưa. Khi vào mùa khô, giai đoạn cần cung cấp nước tưới thường xuyên, nhiều hộ phải dùng máy bơm (thường là đi thuê), rất tốn kém, cuối mùa thu hoạch hiệu quả thu lại không cao.

Nguồn điện được kéo về không những đem lại sự chủ động cho người dân trong việc chăn nuôi, sản xuất… còn làm thay đổi bộ mặt văn hoá nông thôn và nâng cao đời sống của những người dân nghèo có mặt bằng dân trí thấp. Trước khi có điện, cả thôn chỉ có 6 ti vi và một số đài cassette chạy bằng pin và ắc quy, đến nay 50% số hộ toàn thôn đã có phương tiện nghe nhìn. Chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước đã đến được gần hơn với đồng bào H’Mông ở Rô Men.
Sùng A Sáng - Phó trưởng thôn 5, xã Rô Men cho biết: “Ngoài việc bớt được chi phí trong sản xuất nông nghiệp, từ đó tích luỹ được tiền bạc sắm sửa cho đời sống gia đình, bọn trẻ học cái chữ cũng tốt hơn, người dân quen với nương rẫy cũng biết và học hỏi được nhiều điều hơn từ các chương trình trên ti - vi. Nhất là việc chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước không vào rừng chặt cây, bẫy thú, không sinh con thứ 3…”

Ngày hôm nay, người H’Mông ở Rô Men không còn phải thắp sáng bằng đèn dầu. Điều đó một lần nữa thể hiện sự quan tâm lớn của Đảng và Nhà nước đối với việc nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, cũng là nỗ lực của chính quyền địa phương đối với người H’Mông di cư tự do đến sinh sống tại Lâm Đồng và cũng là yếu tố quan trọng để Đam Rông có được những điều kiện cơ bản để bứt phá và thoát khỏi “danh sách” 62 huyện nghèo nhất nước.

Tết Canh Dần đã về với mỗi gia đình người H’Mông trong bản Rô Men. Cả trăm nóc nhà nay đã có ánh sáng điện thay cho ánh đèn dầu. Mùa xuân này thêm ấm áp và hạnh phúc vì ngập tràn ánh sáng điện.

Theo: Tạp chí Điện lực