Ông Nguyễn Hữu Tùy - Trưởng trạm 220 kV Hà Đông:
Trực đỡ cho anh em vì… nhà gần cơ quan
Ngoài những nhiệm vụ chung, với tư cách là Trạm trưởng, tôi không thể không quán xuyến việc chuẩn bị cho anh em trong kíp trực có một cái Tết tại chỗ. Việc chuẩn bị Tết cho Trạm, nhất là chuẩn bị bữa ăn tất niên cho anh em kíp trực Giao thừa phải thật chu đáo để họ khỏi chạnh lòng. Riêng bản thân tôi, nhiều năm nay, Tết năm nào tôi cũng đi trực Giao thừa vì… nhà gần cơ quan, tôi đi trực để đỡ cho anh em ở xa.
Cảm xúc đêm Giao thừa khi không được ở bên cạnh người thân trong gia đình thật khó diễn tả. Vợ tôi là giáo viên, một phần thấu hiểu với đặc thù nghề nghiệp của tôi, một phần đã quá quen với tần suất đi trực của chồng, nên không phàn nàn gì nhiều. Riêng với chị em phụ nữ trong Trạm, chúng tôi ưu tiên không điều trực đêm Giao thừa, vì nam giới chúng tôi còn dễ được vợ thông cảm chứ chị em phụ nữ, với thiên chức, vai trò đặc biệt trong gia đình, nếu vắng mặt, sẽ khó được thông cảm hơn.
Ông Nguyễn Văn Thành – Tổ trưởng Tổ điện xã Tân Hưng, Điện lực TP Hải Dương (thuộc Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Dương):
Lo trước và vui sau thiên hạ
Hơn 30 năm công tác trong ngành Điện, cũng là hơn 30 cái Tết tôi hầu như đón giao thừa, mừng năm mới cùng với anh em công nhân trong ca trực. 5 năm trở lại đây, nhận nhiệm vụ quản lý điện năng trên địa bàn xã Tân Hưng (thành phố Hải Dương) với cương vị Tổ trưởng tổ điện, Tết nào cũng vậy, cứ vào đêm 30, trước giao thừa, sau khi lên Điện lực chúc tết, chúng tôi lại trở về quây quần tại trụ sở Tổ quản lý điện, tạo không khí ấm cúng, gắn bó của ngày Tết để khích lệ động viên anh em kíp trực.
Thực lòng mà nói, mỗi độ Tết đến, Xuân sang, nhất là thời khắc thiêng liêng trời đất giao hòa, những người thợ điện trực tết như chúng tôi mới thấu hiểu, tâm đắc hơn bao giờ hết câu nói của cổ nhân: “Lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”. Chúng tôi thấy tự hào là người thợ điện mang đến ánh sáng hạnh phúc cho mọi nhà.
Ông Nguyễn Đình Mậu - Trưởng kíp trực bộ phận vận hành Trạm 220 kV Hà Đông:
Trực Tết, trách nhiệm càng cao hơn
Những năm đầu tiên trực Tết xa nhà, tôi cảm thấy bâng khuâng. Nhìn anh em trong kíp trực, mỗi người có một khuôn mặt biểu đạt suy nghĩ, cảm nhận riêng, tôi không tránh khỏi cảm giác bồn chồn, nhớ quê, nhớ nhà, nhớ không khí Tết của gia đình. Đặc biệt, cách đây hơn chục năm, khi Nhà nước vẫn còn cho đốt pháo. Lúc giao thừa, nghe tiếng pháo nổ ran, tôi có cảm giác xao xuyến, nhớ nhà, nhớ người thân da diết. Nhưng thời khắc đó cũng qua nhanh khi dứt tiếng pháo. Sau này, trực nhiều cũng quen dần, nhưng vẫn còn cảm giác bâng khuâng….
Chúng tôi dường như không có khái niệm nghỉ Tết, mà chỉ có nghỉ theo lịch ca. Nếu tôi trực ca đêm Giao thừa thì sau 4 ca trực của đồng nghiệp, ngày mùng 3 Tết, tôi phải đi làm. Công việc trực vận hành chúng tôi làm quanh năm, nhưng trực những ngày Tết mệt và trách nhiệm phải cao hơn. Nguyên do là ngày Tết là ngày đầu của một năm, nếu để xảy ra sự cố sẽ … “dông” cả năm. Hơn nữa, trong lúc người dân đang thắp hương cúng gia tiên hay nghỉ ngơi xem tivi trong ngày Tết, nếu xảy ra mất điện, họ gọi điện đến phàn nàn, thậm chí mắng mỏ thì… không hay lắm. Không ai trong chúng tôi muốn vậy, nên làm việc luôn phải chú tâm hơn.
Mặc dù công việc bận rộn ít khi ở nhà, nhưng trước Tết, tôi cũng cố gắng thu xếp giúp đỡ gia đình vợ, con trong việc chuẩn bị Tết để làm tròn vai trò người chồng, người cha.
Nhà báo Thanh Mai – Báo Hà nội mới:
Hơn 20 năm đón Giao thừa cùng ngành Điện
Là phóng viên theo dõi ngành Điện, tôi đã có hơn 20 năm, hơn 20 cái Tết, 20 đêm giao thừa vắng nhà để theo dõi thông tin, tuyên truyền về công tác trực tết của các đơn vị điện lực, chủ yếu thuộc Công ty Điện lực thành phố Hà Nội. Thời kỳ chưa thành lập EVN, dịp Tết luôn là khoảng thời gian hết sức vất vả, căng thẳng đối với anh em trực ban, vì hệ thống lưới điện cũ nát, sự cố xảy ra nhiều, có khi chỉ vì mưa phùn thôi cũng bị ngắt mạch. Chính vì thế, hầu như Tết năm nào trên địa bàn Thủ đô cũng xảy ra tình trạng mất điện. Anh em thợ điện thường phải chuẩn bị rất nhiều máy phát điện dự phòng để sẵn sàng “đón đầu” sự cố. Cũng vì thế, trước đây, nói là “trực điện”, nhưng thực ra là “canh điện” thì đúng hơn.
Từ chiều đến đêm 30 Tết, Lãnh đạo ngành Điện đến các điểm trực Tết thường với tinh thần kiểm tra, đôn đốc, tiếp đến là để chúc tết, động viên anh em kỹ sư, công nhân. Từ năm 1995, khi Tổng công ty Điện lực Việt Nam thành lập, hoạt động theo cơ chế hạch toán độc lập, tự chủ, nên hệ thống lưới điện được tập đầu tư mạnh hơn, điện cung cấp đầy đủ, ổn định hơn, sự cố giảm hẳn, đặc biệt là những năm gần đây. Vì thế, công tác trực ban điện Tết bớt “căng” hơn rất nhiều.
Đối với bản thân tôi, Tết luôn là dịp bận rộn, không chỉ vì chuẩn bị sắm sửa, chăm lo cho gia đình, mà còn phải dành hầu hết thời gian cho các chuyến đi thu thập thông tin, viết bài tại các điểm giao ban điều độ tết hay tại các điểm trực của đơn vị điện lực. Theo thông lệ, đêm 30 Tết, tôi đi cùng đoàn lãnh đạo điện lực tới thăm, chúc Tết anh em trực tại các nơi cho tới qua Giao thừa. 8h sáng mùng Một, tôi tiếp tục tham dự buổi giao ban đầu năm của ngành Điện. Tất cả thông tin về đảm bảo điện Tết, tôi phải kịp thời phản ánh trên trang báo Hà nội mới vào sáng mùng 3 Tết (thông tin điện, nước, vệ sinh môi trường và an ninh luôn phải có trong số ra đầu tiên của năm mới). Vì yêu cầu công việc, nên tôi thường sắm sửa cho gia đình từ trước Tết rất dài, hoặc tranh thủ bất cứ lúc nào có thời gian trống. Dù thời gian quây quần vui Tết cùng tổ ấm eo hẹp, nhưng được sống trong không khí trực Tết ấm cúng của “gia đình điện lực”, kịp thời có thông tin cho bạn đọc về tình hình cấp điện Tết và những nỗ lực hết mình của ngành Điện, tôi vẫn cảm nhận được niềm vui, hạnh phúc mỗi độ Tết đến, Xuân về.