Ảnh minh họa
Chúng ta có lẽ đã từng nghe nhiều về các công nghệ “sạch” để tạo ra điện như: điện gió hay năng lượng mặt trời. Vậy bạn nghĩ sao về việc tạo ra điện từ chính dòng chảy của nước, trong hệ thống cấp nước của khu đô thị mà mình sinh sống?
Trên thực tế, công nghệ lạ lẫm này đã được nhiều thành phố ở Mỹ đưa vào thử nghiệm. Cụ thể, các tuabin điện có dạng cầu sẽ được lắp đặt vào bên trong đường ống dẫn nước. Khi nước nước lưu thông, các tuabin này cũng sẽ quay theo, từ đó tạo ra điện.
Ở thành phố Portland, Mỹ nguồn nước đến chủ yếu từ các dãy núi bao quanh. Chính vì vậy, nước chảy trong hệ thống ống dẫn đến nhà người dân, dựa hoàn toàn vào lực hấp dẫn của trái đất. Điều này đồng nghĩa với việc các tuabin điện trong ống nước sẽ có thể vận hành, mà không cần đến một nguồn năng lượng phụ trợ nào.
Thử nghiệm trong trường hợp hệ thống cấp nước cần đến máy bơm như ở thành phố Riverside, Mỹ, các tuabin vẫn tạo ra lượng điện đủ để tự vận hành việc cấp nước và còn dư thừa năng lượng phục vụ cho việc thắp sáng đèn đường vào ban đêm.
Theo ước tính, chi phí để lắp đặt 15 mét đường ống dẫn nước có tuabin điện rơi vào khoảng 1,7 triệu USD. “nhà máy” phát điện mini này có thể tạo ra 1.100 MWh điện mỗi năm, tức là đủ phục vụ cho nhu cầu dùng điện của 150 ngôi nhà.
Theo: Dân Trí