Tin trong nước

Người dân tái định cư thủy điện Sơn La đón năm mới

Thứ hai, 8/2/2010 | 09:48 GMT+7

Kết thúc Chiến dịch 55 ngày đêm cũng là thời điểm tỉnh Sơn La hoàn thành công tác di dân tái định cư Thuỷ điện Sơn La trong 7 năm qua với gần 12.500 hộ đã được di chuyển. 

Điểm tái định cư bản Mứn, xã Chiềng Mai, Mai Sơn, Sơn La.Ảnh: Hoàng Thái

Tỉnh Sơn La vừa hoàn thành Chiến dịch 55 ngày đêm gấp rút di chuyển dân khỏi vùng ngập lòng hồ thuỷ điện Sơn La, đáp ứng tiến độ nút cống dẫn dòng vào tháng 5 tới, bắt đầu tích nước hồ chứa để phát điện tổ máy số 1 vào cuối năm nay. Kết thúc Chiến dịch 55 ngày đêm cũng là thời điểm tỉnh Sơn La hoàn thành công tác di dân tái định cư Thuỷ điện Sơn La trong 7 năm qua với gần 12.500 hộ đã được di chuyển. Hiện nay đời sống của người dân ở nhiều điểm tái định cư tại Sơn La đã ổn định.

Vừa kịp hoàn thành ngôi nhà sàn với bộ khung chắc chắn, trong nhà còn thơm mùi gỗ mới, vợ chồng chị Hoàng Thị Nhứt ở bản Mứn, xã Chiềng Mai,  huyện Mai Sơn phấn khởi tâm sự: Trước đây gia đình chị sống tại xã Pha Khinh huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La trong ngôi nhà gỗ đã mối mọt. Không có ruộng, anh chị làm nương nhưng do độ dốc lớn nên mỗi năm chỉ sản xuất được 1 vụ, lại xa trung tâm nên đời sống rất khó khăn. Khi có chủ trương của nhà nước cho di dời đến nơi ở mới, vợ chồng chị đã ủng hộ ngay nhưng vì phải di dời theo bản, theo xóm nên đến tận tháng 9 năm ngoái nhà chị và hơn 20 hộ bản Mứn cũ mới có thể chuyển về xã Chiềng Mai, huyện Mai Sơn lập bản mới.

Xa mảnh đất đã gắn bó bao năm nên khi về quê hương mới, không muốn mất đi phần thiêng liêng nhất, người dân bản Mứn thống nhất với nhau về quê mới vẫn giữ lại tên bản cũ. Cắt nghĩa tên bản, tên làng mới thấy đẫm tinh thần người dân mỗi vùng quê, theo cụ ông Điêu Chính Văn, người già nhất ở bản Mứn thì cái tên bản Mứn để chỉ nơi có đường đi rất trơn (Mứn theo tiếng Thái Quỳnh Nhai có nghĩa là trơn). Bây giờ, về điểm tái định cư bản Mứn mới, người dân không còn phải phải đi trên những đoạn đường trơn và lầy lội như trước nữa, bởi nhà nước đã cho làm đường lớn, có điện, có nước sinh hoạt về đến tận đầu sàn. Tuy còn nhiều việc để ổn định cuộc sống nhưng bà con vẫn rộn ràng điệu xoè mừng Tết đầu tiên trên quê hương mới. Chị Hoàng Thị Nhứt tâm sự: “Đón năm mới, bà con bản Mứn chúng tôi bảo nhau cố gắng giữ phong tục tập quán của dân tộc Thái trong ngày Tết như lúc còn ở bản cũ. Chúng tôi vẫn gói bánh trưng, mổ lợn bản, cất lên tiếng khắp và nắm tay nhau trong vòng xoè, chúc nhau năm mới mạnh khoẻ, sẵn sàng làm ruộng, làm nương ngay khi nhà nước phân đất sản xuất. 

Chung niềm vui đón năm mới, bà con bản Mường Chiên, xã Mường Chiên, huyện Quỳnh Nhai vừa kịp ổn định sản xuất tại nơi ở mới tại xã Phỏng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La. Trước đây, Mường Chiên là nơi cư trú của đồng bào Thái Trắng. Riêng bản Mường Chiên với hơn 160 hộ được hiểu là nơi bắt đầu, khởi nguồn của cả vùng Quỳnh Nhai xưa. Mọi phong tục tập quán, nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Thái dọc hai bên bờ sông Ðà như Mường Muổi, Mường Tấc, Mường Sang cũng bắt nguồn từ đây. Vì thế, bản Mường Chiên còn lưu giữ nhiều sự tích, truyền khẩu nhiều truyền thuyết của người Thái. Về nơi ở mới, nhờ triển khai dự án đồng bộ, các điểm tái định cư của bà con đều đã ổn định nhà cửa, được chia đất sản xuất, cơ sở hạ tầng như đường giao thông, điện, nước, trường học, trạm y tế đều đã được chuẩn bị chu đáo. Tuy còn nhiều bỡ ngỡ nơi quê hương mới, nhưng chứng kiến cuộc sống đang thay đổi, phát triển, chị Điêu Thị Vấn, người dân tái định cư chuyển từ bản Mường Chiên về điểm tái định cư Mô Cổng, xã Phỏng Lái vui miệng cất tiếng khắp (lối hát truyền thống của người Thái), nghe giọng hát của chị thật mộc mạc, thật vui.

Ông Nguyễn Bá Túc, Trưởng Ban Quản lý Dự án di dân tái định cư Thuỷ điện Sơn La khẳng định, đến giờ phút này đời sống và phát triển sản xuất của bà con ở các khu điểm tái định cư nhìn chung là tốt và ổn định hơn nơi ở cũ. Bà con phấn khởi và an tâm xây dựng cuộc sống tại các điểm tái định cư. 

Với gần 12 .500 hộ đã được di chuyển đến nơi ở mới trong vòng 7 năm qua, công tác di dân tái định cư ở Sơn La đã thực sự là cuộc cách mạng lớn đối với chính quyền các cấp và bà con vùng cao Sơn La. Một khối lượng công việc khổng lồ với nhiều tính chất phức tạp và khó khăn nhưng sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận và cả những hi sinh lớn lao của bà con vùng ngập lòng hồ thuỷ điện Sơn La đã làm nên thành công của cuộc cách mạng ấy. Mùa xuân, trong những nếp nhà sàn mới dựng trên những điểm tái định cư, tiếng trẻ lại cười vang như những nốt nhạc vui của cuộc sống mới./. 

Theo: VOV News