Người “giữ điện” giữa rừng Hà Giang

Thứ ba, 22/5/2018 | 10:53 GMT+7
Hệ thống lưới điện truyền tải 220kV Hà Giang do Truyền tải điện Đông Bắc 3, Công ty Truyền tải điện 1 quản lý, vận hành phải đi qua địa bàn cực kỳ khó khăn và phức tạp. 
 

Phát quang hàng lang lưới điện.
 
Không chỉ địa hình đồi núi cao, đường dây truyền tải chủ yếu nằm trong rừng sâu, núi cao, cách xa các tuyến đường giao thông mà đây còn là địa bàn cư ngụ của đại đa số đồng bào dân tộc thiểu số, nên công tác quản lý, vận hành, sửa chữa đường dây của những người thợ truyền tải điện Hà Giang gặp rất nhiều khó khăn.
 
5 giờ sáng lên tuyến
 
Mới 5h sáng hừng đông đã ánh lên sắc vàng, báo hiệu một ngày nắng nóng, những người thợ thuộc Đội truyền tải điện Hà Giang đã chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị và dụng cụ để đi lên tuyến. Đội ngũ công nhân ở đây đa phần trẻ tuổi, phần lớn đều là từ các tỉnh dưới xuôi như: Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Hà Tĩnh được công ty điều động lên đây công tác, trong số đó có vài người đã lấy vợ tại Hà Giang thầm như quyết tâm gắn bó lâu dài với mảnh đất này.
 
Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là vị trí cột số 7 thuộc tuyến đường dây 220kV Thanh Thủy- Hà Giang nằm trên địa bàn xã Thanh Thủy- huyện Vị Xuyên, Hà Giang. Đây là vị trí được xem là “nhàn nhã và thuận lợi” đối với người thợ truyền tải Hà Giang vì vừa gần dân cư và chỉ cách đường quốc không xa, thế nhưng chúng tôi cũng phải mất khoảng trên 30 phút đi bộ leo núi với những cung đường dốc trên 600 .
 
Tay cầm con dao quắm, vừa đi vừa phát quang lối đi, anh Nguyễn Như Quỳnh - Đội trưởng Đội truyền tải điện Hà Giang chia sẻ “Tuyến đường dây 220kV Thanh Thủy-Hà Giang thuộc mạch 2 của lưới điện truyền tải 220kV Hà Giang-Na Hang-Thái Nguyên. Đây là tuyến đường dây truyền tải điện từ Trung Quốc về Việt Nam, điểm xuất phát từ cửa khẩu Thanh Thủy, đường dây này chủ yếu thực hiện theo chương trình hợp tác mua điện Trung Quốc của Chính phủ 2 nước để hòa vào lưới điện quốc gia. Ngoài khó khăn về địa hình, đồi núi, sông suối chia cắt, các điểm lên tuyến ra thì đây còn là tuyến mà bom mìn còn sót lại sau chiến tranh nên nguy cơ tai nạn do bom mìn gây ra là rất lớn, do vậy mỗi khi anh em lên tuyến này luôn phải tuân thủ đi theo đường mòn đã mở để tránh va phải bom mìn”.
 
“Thế nhưng bom, mìn thì anh em có thể cố gắng tránh được nhưng muỗi, vắt, ong và các côn trùng tại khu vực rừng núi thì không ai thoát được. Và tất nhiên sau vài năm đi tuyến thì những sinh viên trắng trẻo mới ra trường ngày nào giờ đã trưởng thành, rắn rỏi lên rất nhiều và hơn cả dấu vết của muỗi, vắt trên người thì không thể xóa được”, Anh Quỳnh cười nói.
 
Chỉ tay về vị trí cột số 8 anh Quỳnh cho biết, tuy nhìn từ vị trí cột số 7 sang rất gần nhưng để sang vị trí đó, công nhân phải xuống núi ra đường quốc lộ rồi đi lên từ một quả núi khác, ấy vậy mà cũng phải mất gần 2h đi xe và đi bộ mới đến được vị trí. Đoạn này còn gần và mặt đường bằng dễ đi, nhiều chỗ để vào được cột anh em phải đi xa có vị trí mất gần 3h đồng hồ đi bộ, leo núi. Vậy mà có nhóm công nhân có ngày phải đến 3-4 vị trí cột.
 
Gian nan “giữ điện” giữa rừng
 
Hiện Đội truyền tải điện Hà Giang đang quản lý 04 công trình đường dây với 107km, 252 vị trí cột đi qua các huyện Vị Xuyên, TP. Hà Giang và Bắc Mê. Do đường dây đi qua những địa hình cực kỳ khó khăn phức tạp, nơi đây đa số là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, những người biết tiếng Kinh không nhiều, đường dây chủ yếu nằm trên đồi cao có những vị trí cột cách trụ sở Đội đường dây đến 107km, nhiều vị trí cột nằm ở đỉnh núi, lối đi cheo leo, hiểm trở, nhiều điểm phải vượt sông, suối.
 
Năm nay 28 tuổi, anh Phan Xuân Trường là thợ trẻ của Đội truyền tải điện Hà Giang đã có 5 năm công tác tại đội, mặc dù là người con của Hà Giang nhưng khi nói về những cung đường nơi đây anh Trường không khỏi e ngại. “Đường vào các vị trí cột đoạn nào đi xe cơ giới đươc thì cua tay áo nhiều, những đoạn đi bộ thì dốc núi cao, muỗi vắt lắm”.
 
Theo anh Trường, công việc nặng, sáng sớm đã lên tuyến nên ngoài các thiết bị, dụng cụ phục vụ cho công việc thì mỗi khi lên các vị trí xa dân cư anh em đều phải mang đồ ăn đi theo. Thêm vào đó công việc này đòi hỏi tính tập trung cao và nhất là cần khỏe mạnh vì phải trèo cao nguy hiểm, ai có sức khỏe yếu là sẽ không chịu nổi. Nhất là các vị trí cột số 16, 108 địa hình cao, đường trơn trượt nhiều công nhân đã bị ngã khi lên tuyến này. Hay có những đoạn đường khi gặp trời mưa, đường lầy thì anh em phải xuống đẩy xe và phải mất 3-4h đồng hồ mới đến vị trí cột được.
 
Đội truyền tải điện Hà Giang chỉ 10 người, mỗi tháng ít nhất một lần các anh đều đi kiểm tra 252 vị trí cột và hệ thống đường dây cao áp truyền tải điện dài hàng trăm cây số. Thế nhưng những sự cố do thiên tai gây nên là không lường trước được và trong mùa mưa bão phải kiểm tra, sửa chữa thường xuyên hơn. Những năm trước, vào mùa mưa bão, công nhân thường phải kiểm tra, xử lý sự cố sét đánh 3-4 lần, 2 năm trở lại đây nhờ hệ thống chống sét tốt nên sự cố sét đánh vỡ sứ đã giảm nhiều.
 
Không chỉ hệ thống cảnh báo sự cố tốt hơn mà điều kiện làm việc, cơ sở vật chất, điều kiện sống và sinh hoạt của người công nhân tại Đội và Trạm cũng tốt hơn rất nhiều. Sau 11 năm thành lập thì có đến 10 năm những người thợ truyền tải điện Hà Giang phải làm việc trong điều kiện đi thuê mặt bằng. Cuối năm 2017 Truyền tải điện Đông Bắc, PTC1 đã chính thức khánh thành trụ sở làm việc và dãy nhà ở cho công nhân tại Đội truyền tải điện Hà Giang. Điều này đã góp phần động viên, khuyến khích tinh thần hăng say làm việc, quyết tâm gắn bó lâu dài với đội của người lao động.
 
“10 năm mà phải 4 lần thay đổi địa điểm trụ sở, chưa kể đến điều kiện làm việc thiếu thốn nhưng tâm lý ở chỗ này không biết được khi nào phải dọn đi chỗ khác cũng khiến anh em công nhân không khỏi dao động muốn chuyển đổi công việc”, Anh Quỳnh chia sẻ.
 
Khó khăn về trụ sở làm việc, điều kiệm làm việc, lao động đã được cải thiện thì khó khăn về chuyên môn, quản lý, vận hành vẫn luôn hiện hữu và có tính đặc thù so với các TBA khác trong cả nước.
 
Chia sẻ về vấn đề này anh Nguyễn Tín Hiệu - Trạm trưởng TBA 220kV Hà Giang cho biết “Hiện Trạm đang quản lý 2 tuyến đường dây, tuyến Thanh Thủy-Hà Giang-Thái Nguyên (mạch 2 mua điện từ Trung Quốc) và tuyến Hà Giang-Thái Nguyên (mạch 1) nhằm phục vụ công tác truyền tải nội bộ, truyền tải điện năng cho các phụ tải từ các nhà máy thủy điện ở Hà Giang (Thái An-Thuận Hòa)… đi Thái Nguyên và hòa vào lưới điện quốc gia. Do vậy tại TBA 220 kV có 2 thanh cái là 2 lưới điện vận hành độc lập và song song với nhau, một thanh cái cho đường dây nội bộ và một thanh cái cho đường dây mua điện từ Trung Quốc mà không hòa đồng bộ như tại các TBA 220 kV khác. Đây là khó khăn điển hình và đặc biệt của Trạm trong công tác quản lý vận hành, do vậy chúng tôi luôn phải nâng cao ý thức, trách nhiệm và chú ý nghiêm ngặt cũng như tuân thủ nghiêm túc quy trình quản lý, vận hành kỹ thuật tại Trạm”.
 
Luôn có phiên dịch đi cùng
 
Nằm dọc trên tuyến hành lang lưới điện 220kV từ Thanh Thủy-Hà Giang-Bắc Mê đây là những địa bàn chủ yếu là người dân tộc thiểu số không nói được tiếng phổ thông (tiếng Kinh) nên giao tiếp với người dân địa phương là một trong những khó khăn của những người lính truyền tải điện nhất là khi các anh đi tuyên truyền bảo vệ hành lang an toàn lưới điện.
 
Cũng theo anh Phan Xuân Trường thì “Do bất đồng ngôn ngữ với bà con dân cư trong công tác tuyên truyền người dân bảo vệ hành lang an toàn lưới điện, chúng tôi thường phải nhờ đến các cán bộ phụ nữ, trưởng thôn, bản hoặc giáo viên, y sỹ… để làm phiên dịch và hỗ trợ cho công tác tuyên truyền”.
 
Không chỉ bất đồng ngôn ngữ với bà con địa phương, bất đồng ngôn ngữ trong công tác quản lý, vận hành đường dây mua điện Trung Quốc cũng là một rào cản lớn. Chia sẻ với phóng viên anh Nguyễn Tín Hiệu -Trạm trưởng TBA 220kV Hà Giang cho biết “Định kỳ đến hạn chốt sản lượng điện giữa 2 bên chúng tôi đều phải thuê phiên dịch, tuy nhiên khi có sự cố lưới điện xảy ra ngoài các giải pháp về kỹ thuật để đảm bảo an toàn cho lưới và TBA thì chúng tôi phải chờ có phiên dịch thì mới liên lạc được với phía đơn vị quản lý vận hành bên Trung Quốc để trao đổi và thống nhất phương án xử lý sự cố. Đây cũng chính là hạn chế và khó khăn lớn của chúng tôi”.
 
Luôn gần dân
 
Với phương châm mỗi công nhân là một tuyên truyền viên, mỗi người dân trên tuyến là một bảo vệ. Mỗi thành viên trong Đội truyền tải điện Hà Giang đã thường xuyên tuyên truyền tới từng người, từng nhà, từng thôn bản nhờ đó đã tạo ra một hệ thống mạng lưới bảo vệ hành lang lưới điện từ cơ sở vững chắc.
 
Với địa bàn rộng, địa hình khó khăn nên công tác kiểm tra trước mùa mưa bão cũng như đảm bảo hành lang lưới điện luôn được an toàn không bị ảnh hưởng do bà con đốt nương làm rẫy… luôn được thực hiện đầy đủ, cẩn thận và có sự góp sức của chính quyền và người dân địa phương. Mỗi sự cố hay nguy cơ sự cố có thể  xảy ra Đội đều nhận được thông tin báo từ người dân một cách kịp thời.
 
Tại các vị trí cột đều được dán in số điện thoại của Đội truyền tải điện Hà Giang và Truyền tải điện Đông Bắc 3 để khi xảy ra sự cố người dân thấy sẽ dễ dàng gọi điện báo tin, và điện thoại luôn có người trực 24/24h để đảm bảo an toàn lưới điện quốc gia.
 
Tuyên truyền bảo vệ hành lang lưới điện tại dân cư.
 
Chị Vàng Thị Dí - xóm Hà Sơn, xã Giang Nam, Vị Xuyên, Hà Giang cho biết: “chúng tôi thường xuyên được các anh trong Đội truyền tải tuyên truyền về công tác bảo vệ hành lang lưới điện. Các anh cũng phát cho các tờ rơi tuyên truyền việc gì không nên làm ở khu vực hành lang lưới điện, cũng như hướng dẫn cách phát hiện đâu là nguy cơ sự cố có thể xảy ra để kịp thời báo cho Đội truyền tải biết để có hướng xử lý khắc phục. Ngoài ra nhiều khi lên tuyến các anh em nếu có dịp đều cùng với dân bản ăn cơm hoặc nghỉ uống nước giữa trưa thì  các cán bộ cũng hướng dẫn người dân chúng tôi cách phòng chống tai nạn, rủi ro gây ra hoặc giúp chúng tôi mắc lại bóng điện. Dân bản chúng tôi rất yêu quý anh em trong Đội truyền tải”.
 
Chia tay những người dân ở Hà Sơn, những người thợ Truyền tải điện Hà Giang, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi đã thấy nụ cười ấm áp nghĩa tình của người dân địa phương khi nói về Người “giữ điện” giữa rừng Hà Giang.
Theo: Báo Công thương