Quang cảnh đêm tại Trạm biến áp. Ảnh: TTXVN
Trải qua khoảng thời gian hơn 14 năm kể từ khi Đường dây siêu cao áp 500kV Bắc - Nam mạch I được đưa vào vận hành (1994), đến trước khi Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia được thành lập (2008), hệ thống truyền tải điện 220kV, 500kV đã được xây dựng và phát triển với một tốc độ hết sức nhanh chóng.
Tổng dung lượng máy biến áp 220kV, 500kV đã tăng hơn 4,7 lần lên 23.517 MVA, tổng chiều dài đường dây truyền tải điện 220kV, 500kV tăng gần 3,5 lần lên 11.443 km.
Cùng với sự phát triển của hệ thống truyền tải điện, sự hình thành và phát triển của 4 Công ty Truyền tải điện 1, 2, 3, 4 từ ngày đầu mới thành lập đến nay là một trong những minh chứng rõ nét nhất cho sự trưởng thành và lớn mạnh không ngừng của đội ngũ cán bộ, công nhân viên làm công tác truyền tải điện cả về lượng và chất.
Trở lại những năm tháng đầy gian nan, thử thách của mấy chục năm về trước, chúng ta thấy rõ sự hình thành và phát triển mang nhiều ý nghĩa to lớn của ngành truyền tải điện đất nước.
Tới đầu những năm 2000, lưới điện đã được phủ khắp các tỉnh, thành phố lớn, các trung tâm về chính trị, kinh tế, văn hóa, hợp tác quốc tế, khoa học, công nghệ... Điện đã phục vụ tốt các ngành công nghiệp, kinh tế - kỹ thuật, nông, lâm, ngư nghiệp; kinh doanh thương mại, du lịch dịch vụ; đưa về phục vụ thắp sáng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường, hội nhập và hợp tác quốc tế ngày càng mở rộng của nước ta, khiến cho nhu cầu sử dụng điện sản xuất và sinh hoạt của nhân dân tăng lên rất nhiều, trong khi vốn đầu tư và nguồn tài chính của Nhà nước và của từng đơn vị trong ngành Điện lại rất hạn hẹp.
Tính cạnh tranh của các đơn vị truyền tải điện còn rất thấp; sự liên kết công việc; trong đó có cả sự giúp đỡ, hỗ trợ nhau giữa các Sở Điện lực, các Ban Quản lý dự án, các công ty truyền tải điện ở những vùng, miền còn lỏng lẻo, thậm chí có nơi gần như “cắt khúc”, “biệt lập”; quá nhiều đầu mối quản lý cũng khiến các cơ quan chức năng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và của Bộ Năng lượng lúc ấy có phần thiếu sự chỉ đạo tập trung, sâu sát và hiệu quả trong cơ chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa...
Thực tế trên đòi hỏi EVN đã đến lúc phải có một đơn vị doanh nghiệp đủ mạnh, đủ lớn để trực tiếp thống nhất quản lý, điều hành toàn bộ các đơn vị trong hệ thống truyền tải điện của đất nước, vừa đảm bảo sự vận hành lưới điện an toàn, liên tục, thông suốt, bảo toàn và phát huy được nguồn vốn của Nhà nước ở các đơn vị doanh nghiệp truyền tải điện, vừa khắc phục được những vấn đề tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực truyền tải điện, đáp ứng đòi hỏi cấp thiết của công cuộc đổi mới nền kinh tế quốc dân.
Chính vì vậy, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã khẩn trương xây dựng Đề án thành lập Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia, trên cơ sở hợp nhất và tổ chức lại 4 công ty truyền tải điện và 3 ban quản lý các dự án. Đề án cùng tờ trình của Tập đoàn đã được báo cáo lên Bộ Năng lượng và lên Chính phủ. Đề án này cũng chính là để triển khai thực hiện Quyết định số 26/2006/QĐ-TTg ngày 26/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt lộ trình, các điều kiện hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam.
Ngày 01/7/2008, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 1339/VPCP-ĐMDN đồng ý chủ trương thành lập Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Từ chủ trương đó, Hội đồng Quản trị Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã ra Quyết định số 223/QĐ-EVN ngày 11/4/2008 về việc thành lập Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia trên cơ sở tổ chức lại 4 Công ty Truyền tải điện 1, 2, 3, 4 và 3 Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc, miền Trung và miền Nam, hoạt động theo mô hình Công ty TNHH một thành viên 100% vốn nhà nước, với nhiệm vụ chính là đầu tư xây dựng và quản lý vận hành hệ thống truyền tải điện quốc gia.
Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) được thành lập với sứ mệnh: "Đảm bảo truyền tải điện an toàn, liên tục, ổn định cho các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng và thị trường điện Việt Nam". Kể từ thời điểm đó, hệ thống lưới điện cấp điện áp 110kV được bàn giao cho Tổng Công ty. EVNNPT thực hiện nhiệm vụ đầu tư xây dựng và quản lý vận hành toàn bộ hệ thống truyền tải điện Quốc gia, bao gồm các trạm biến áp và đường dây cấp điện áp 220kV và 500kV.
Như vậy, việc ra đời của Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia là sự chuyển hóa cao hơn về chất và lượng của ngành Điện Việt Nam, đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao và gay gắt của kinh tế thị trường. Sự kiện này đã mở ra bước phát triển mới trong lĩnh vực truyền tải điện năng ở nước ta.