Tin trong nước

Người lăn xả kéo điện cho dân

Thứ ba, 13/10/2015 | 15:13 GMT+7
Sau hơn 30 năm công hiến cho ngành điện, ông Nguyễn Phước Năng – Giám đốc Công ty Ðiện lực Vĩnh Long được biết đến không chỉ bởi “bộ sưu tập” khá đồ sộ về những phần thưởng cao quý do Ðảng, Nhà nước trao tặng, mà còn bởi chính tâm huyết và sự lăn xả của ông trong việc đưa điện về cho người dân, thắp sáng những vùng quê nghèo heo hút.

Ông Nguyễn Phước Năng (giữa), đón nhận giải thưởng uy tín của Liên hiệp các hội UNESCO Viet Nam.

Ngày 10/7/2014, khi cầu dao tuyến cáp điện ngầm 22 kV vượt sông Tiền được đóng lại, người dân 4 xã cù lao An Bình (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) như vỡ òa trong hạnh phúc bởi niềm khát khao, mong đợi nguồn điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt từ bấy lâu, nay đã thành hiện thực.

Từ vị trí đóng điện, ông Nguyễn Phước Năng cũng không ngăn được sự xúc động trào dâng: “Khát khao có điện đảm bảo chất lượng của người dân cù lao từ bao lâu nay là quá lớn, trong khi điều kiện của chúng tôi còn nhiều hạn chế nên mãi đến nay mới đáp ứng được cho bà con”. Người dân 4 xã cù lao lâu nay phải “xài ké” điện từ Bến Tre kéo sang. Ðiện cuối nguồn, vừa thiếu lại vừa yếu nên người dân gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, sinh hoạt. Ðiều đó khiến ông Năng luôn trăn trở và tìm biện pháp đưa điện đủ và đảm bảo chất lượng giúp thúc đẩy sự phát triển ở cù lao.

Ông và các cộng sự phải cân não trước bài toán kinh tế -kỹ thuật, nếu đầu tư đường dây vượt sông sẽ thuận lợi trong quá trình thi công, nhưng ngốn một khoản kinh phí quá lớn và sẽ “ăn” hết vốn đầu tư của dự án khác. Sau nhiều tính toán, ông tham mưu cho Tổng công ty Ðiện lực miền Nam và địa phương lựa chọn phương án chưa từng có tiền lệ ở đây: kéo cáp ngầm. Phương án này chi phí thấp, nhưng khi bắt tay thực hiện đã vấp phải trở ngại từ khâu thi công, bởi năng lực, trang thiết bị của nhà thầu hạn chế.

“Ðấu thầu cả nước, nhà thầu đã trúng rồi nhưng phải “bỏ chạy” vì không đủ sức đi xuyên qua lòng sông rộng gần 700 mét. Chính vì vậy, phải mất 3 năm kiên trì triển khai, dự án mới hoàn thành”- ông Năng kể. Các đồng nghiệp cho rằng, dự án kéo cáp ngầm qua sông Tiền không lớn về quy mô, nhưng để thực hiện được, đòi hỏi sự tâm huyết và quyết tâm vô cùng lớn của ông Năng cùng các cộng sự.

“Tôi không chủ quan hay chỉ dừng lại ở mức độ sử dụng lợi thế có được của một ngành độc quyền nhà nước đem lại, mà luôn nỗ lực hơn rất nhiều để đem đến những lợi ích cho người dân và đất nước”. Ông Nguyễn Phước Năng.
Không riêng việc kéo cáp ngầm qua sông, ông Năng luôn kiên trì, lăn xả, tranh thủ mọi sự ủng hộ để huy động nguồn vốn, tìm mọi giải pháp gỡ khó để đưa điện về cho đồng bào nông thôn, vùng sâu vùng xa. Vĩnh Long không nằm trong phạm vi triển khai Dự án nâng cao hiệu quả năng lượng khu vực nông thôn vay vốn ngân hàng Tái thiết Ðức (KFW), nhưng khi nghe có một khoản kinh phí dôi dư của dự án này do tiết kiệm được trong quá trình thực hiện ở các địa phương khác, ông tìm cách “xin” về đầu tư tại Vĩnh Long. Nhờ vậy, có khoảng 7.000 hộ dân nông thôn trong tỉnh được sử dụng điện thông qua điện kế chính từ nguồn vốn “xin” này. Ðể hỗ trợ bà con những vùng khó khăn có điện với chi phí đầu tư thấp nhất, ông Năng tận dụng những vật tư thiết bị, nhất là cột điện được thu hồi trong quá trình nâng cấp, chỉnh trang lưới điện cung cấp cho bà con với giá rất thấp.
 
Nhờ những lăn xả, linh hoạt của ông Năng, đến nay tỉ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng điện tại Vĩnh Long đạt 99,7% và đáng nói là mọi người dân đều được mua điện trực tiếp với giá quy định của Nhà nước. Trong khi việc thực hiện cấp điện cho các xã xây dựng nông thôn mới ở nhiều tỉnh giậm chân tại chỗ thì ở Vinh Long, không chỉ hoàn thành việc đưa điện về 22 xã được tỉnh lựa chọn thí điểm nông thôn mới, mà đến nay đã hoàn thành việc kéo điện cho 79/89 xã nông thôn mới theo kế hoạch năm 2015. Ông Năng cho biết, từ nay đến cuối năm, ông sẽ cùng anh chị em trong đơn vị quyết tâm hoàn thành việc kéo điện cho 10 xã còn lại.

Với những công hiến, nỗ lực của mình, ông Nguyễn Phước Năng đã được Ðảng, nhà nước và Chính phủ trao tặng nhiều phần thưởng cao quý và được các tổ chức xã hội nghề nghiệp vinh danh với tư cách một doanh nhân tiêu biểu. Mới đây nhất, ngay trong dịp kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước 30/4/2015, ông vinh dự được Chủ tịch nước trao thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì.

Nói về những bí quyết thành công, ông Năng chia sẻ: “Tôi không chủ quan hay chỉ dừng lại ở mức độ sử dụng lợi thế có được của một ngành độc quyền nhà nước đem lại, mà luôn nỗ lực hơn rất nhiều để đem đến những lợi ích cho người dân và đất nước”. Do đó, khi gặp bất cứ khó khăn gì, ông cũng đều tìm cách để vượt qua. Ðiều ông cảm thấy hạnh phúc nhất là khi ánh điện tỏa sáng muôn nơi, và trong mỗi gia đình, người dân được sử dụng điện phục vụ những nhu cầu sinh hoạt, sản xuất để nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần.   
Theo: Tiền Phong