Nhân viên ngành điện lực đảm bảo cung cấp điện ổn định. Ảnh: Thái Hùng/TTXVN
Trời nắng nóng gay gắt, mất điện – cắt điện chắc hẳn sẽ là cực hình với nhiều người dân. Nhưng để đảm bảo cung cấp điện ổn định trong những ngày nóng như "đổ lửa" thì người thợ điện còn phải làm việc tăng cường gấp nhiều lần ngày thường, dưới cái nóng bỏng rát của mùa Hè.
Nhận lệnh là lên đường
Dậy từ 5 giờ sáng, khi trời chưa tỏ sáng, anh Nguyễn Tuấn Vũ, Đội quản lý Điện 2, Công ty Điện lực Mê Linh (thuộc Tổng công ty Điện lực Thành phố Hà Nội) đã sẵn sàng bộ quần áo cam dài tay, túi đồ nghề để lên đường kiểm tra các điểm điện, trạm biến áp.
Dự báo thời tiết sẽ nắng nóng lên đến 35-38 độ C, như vậy, nhiều khả năng mặt đường vào thời điểm trưa, chiều sẽ lên rất cao, gây khó khăn cho việc ứng trực, xử lý các sự cố.
Với 14 người, đội của Vũ phải quản lý địa bàn khoảng hơn 20.000 khách hàng, bán kính gần 20 km. Đây là khối lượng công việc khổng lồ trong ngày nắng nóng của những người thợ điện.
Sau nhiều tiếng đồng hồ trôi qua, việc kiểm tra các sự cố đã cơ bản được hoàn thành. Lúc này đội của Vũ mới được nghỉ ngơi để chuẩn bị tiếp tục ứng trực khi có sự cố xảy ra.
Vừa lau mồ hôi, anh Nguyễn Tuấn Vũ vừa chia sẻ, anh em phải dậy từ 5 giờ sáng để làm cho sớm, mát mẻ, vì thời tiết những ngày này, chỉ đến khoảng 9-10 giờ, nhiệt độ sẽ lên rất cao. "Nắng nóng không chỉ làm cho các sự cố về điện của người dân tăng cao, mà các thiết bị trên cột, trạm biến áp cũng rất nóng. Mình chuẩn bị từ sớm để kiểm tra các điểm yếu trên lưới, kịp thời sửa chữa, thay thế, giảm các sự cố cho người dân vào giờ trưa chiều, anh em cũng đỡ vất vả", anh Vũ nói.
Sự cố điện năm nào cũng vậy, cứ vào mùa nắng nóng, những cuộc gọi của người dân tới ngành điện, yêu cầu sửa chữa lại tăng đột biến. Không có giờ cụ thể, bất kể khi nào dù ngày hay đêm, khi có yêu cầu, những công nhân ngành điện đều khẩn trương lên đường.
Theo anh Nguyễn Tuấn Vũ, có những ca trực, thời điểm giữa trưa, khi anh em đang ăn trưa nhưng khách hàng bị mất điện, hoặc có vấn đề về điện, anh em đều có thể bỏ ngang chừng, để đến làm việc. “Nhiều gia đình có các cháu nhỏ, người già, nếu mất điện thì thực sự sẽ là rất nóng. Do vậy, anh em phải luôn ở trong trạng thái sẵn sàng, đến sửa chữa nhanh nhất cho các gia đình, đảm bảo có điện sớm trở lại”.
Ông Nguyễn Quốc Thịnh, Giám đốc Công ty Điện lực Mê Linh cho biết, Mê Linh là một huyện ngoại thành phía Bắc, với sự phát triển cả công nghiệp và nông nghiệp như trồng lúa, trồng hoa, cây ăn quả, rau an toàn...; kéo theo đó là sự thay đổi về mục đích sử dụng điện, nhiều biến động về công suất sử dụng của khách hàng. Điều này cũng gây khó khăn cho việc di chuyển, sửa chữa và dự báo về phụ tải của anh em trong ngành.
“Có những ca trực, anh em công nhân và kỹ thuật điện phải trực chiến đến tận 2-3 giờ sáng, khi mọi thứ được đảm bảo, điện được cung cấp ổn định, không xảy ra sự cố, chúng tôi mới cho anh em nghỉ thay phiên nhau”, ông Thịnh nói.
Cảm thông từ khách hàng
EVN sẽ tiếp tục cải cách, đổi mới trong việc cung cấp dịch vụ, đảm bảo toàn bộ người dân Việt Nam luôn có dịch vụ điện lực với chất lượng ngày càng tốt hơn. Ảnh: TTXVN
21 giờ tối, nhiều hộ dân đã tắt đèn đi ngủ, nhiệt độ đã giảm dịu hơn. Lúc này, những người công nhân điện mới bắt đầu ngồi vào mâm cơm với anh em đồng nghiệp trực tối. Nhận được tin báo về sự cố điện tại một đường dây điện, khiến cho nhà dân mất điện, ngay lập tức, những anh em quản lý địa bàn lại ra hiện trường để điều chỉnh, đảm bảo ổn định và chất lượng điện cho người dân.
Theo anh Nguyễn Tuấn Vũ, nhiều sự cố về chập đường dây sau công tơ điện, việc dò điện mất nhiều thời gian. Những nhà có đường dây kéo dài 5-10m thì không nói, nhưng những nhà dân đường dây lên tới 50-100m thì dò điện rất khó và mất công sức, có khi phải mất cả buổi cho 1 sự cố điện. “Nhưng cái vui và cái may mắn của anh em là được người dân thấy, hiểu được nỗ lực và vất vả của mình, nên người dân cũng không bức xúc mà rất hỗ trợ”, anh Vũ nói.
Theo chia sẻ của anh Thời, chăn nuôi gia súc tại khu công nghiệp Quang Minh, nắng nóng vậy, mình ngồi trong điều hòa quạt mát là không muốn đi đâu ra ngoài. Vậy mà anh em thợ điện không kể nắng mưa đi sửa chữa điện cho người dân thì vất vả quá. “Bản thân gia đình có sự cố điện là chỉ cần gọi điện lên tổng đài, chỉ 15 đến 30 phút là đã có thợ điện đến kiểm tra giúp. Cái này rất đáng ghi nhận, ngành điện đã làm tốt”, anh Thời nói.
Anh Nguyễn Khắc Hưng (Mê Linh – Hà Nội) cho hay, không chỉ sửa chữa điện mà ngay trong việc tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm và giải đáp các thắc mắc trong thời gian qua liên quan đến tiền điện tăng, cũng được công nhân điện giải đáp và kiểm tra luôn giúp gia đình, rất tốt.
Những năm gần đây, có thể nhận thấy, sự cố về điện, mất điện hay cắt điện đột xuất đã không còn xuất hiện. Ngành điện đã có sự đổi mới cả trong việc cung cấp dịch vụ và chăm sóc khách hàng. Sự thấu hiểu, cảm thông của khách hàng tiếp tục sẽ là động lực, nguồn khích lệ để anh em thợ điện “chiến đấu” với nắng nóng, đảm bảo điện ổn định cho người dân được tốt hơn...
Link gốc