Thợ điện và những đêm không ngủ cho người dân yên giấc. Ảnh 1
Bữa cơm tối không trọn vẹn
Theo chân các anh công nhân điện lực vào buổi tối nắng nóng cao điểm, 21h đêm mới là lúc các anh bắt đầu ngồi vào mâm cơm với anh em đồng nghiệp sau khi xử lý an toàn cho sự cố điện từ một hộ dân. Những tưởng giờ này có thể thở phào nhẹ nhõm để ăn nhanh bữa cơm muộn và về với gia đình, ấy vậy mà sau khi nhận báo cáo tình hình vận hành về một đường dây trung áp đang cấp điện cho khoảng 30 trạm biến áp có thể xảy ra nguy cơ quá tải, ngay lập tức, cả đội nhận lệnh ra hiện trường, thực hiện các giải pháp kỹ thuật để đảm bảo nguồn điện ổn định và chất lượng cho người dân trong đêm tối.
Nhiệt độ ngoài trời lúc này khoảng gần 40 độ C thì nhiệt độ trong trạm biến áp lên tới hơn 50 độ C, các anh công nhân điện lực thực hiện những thao tác kỹ thuật đòi hỏi tính chính xác cực kỳ tuyệt đối. Trong môi trường nhiệt độ khắc nghiệt, những giọt mồ hôi trên áo ướt đẫm và lăn trên má cũng không làm ảnh hưởng tới tiến độ công việc của các anh.
Kể từ đầu tháng 6, trên địa bàn thành phố Hà Nội do ảnh hưởng của nhiệt độ thời tiết nắng nóng cực đoan nên nhu cầu sử dụng điện của người dân cũng tăng lên, dẫn đến điện năng tiêu thụ tăng cao đột biến. Thủ đô Hà Nội tập trung nhiều tòa nhà, văn phòng và hộ dân cư, thời tiết nắng nóng và mật độ đô thị dày đặc cũng khiến sự gia tăng về nhiệt độ mạnh hơn, kéo theo việc các thiết bị làm mát sẽ phải vận hành nhiều hơn những ngày thời tiết bình thường.
Thông thường thiết bị làm mát sẽ tự động ngắt khi đến ngưỡng nhiệt độ lạnh đủ. Tuy nhiên, khi trời nắng nóng lên đến 35 độ đến 37 độ, điều hoà sẽ liên tục phải làm việc hết công suất để đủ làm lạnh, không có thời gian nghỉ. Do đó, lượng tiêu thụ điện tăng dù vẫn dùng số thiết bị tương tự như mọi ngày. Chính vì vậy, số lượng nhân viên trực sự cố tại các trạm điện ở phường được tăng lên trong giờ cao điểm và luôn trong trạng thái sẵn sàng.
Sống cùng bão dông, nắng nóng
Người thợ điện Thủ đô không chỉ đồng hành với dân tại các đường dây hạ thế mà đối với đường dây cao thế cũng là những lộ tuyến quan trọng trong việc vận hành cung ứng điện. Nếu như hạ thế có thể cấp điện cho một khu dân cư thì cao thế có thể cấp điện cho một hoặc nhiều quận trên địa bàn thành phố.
Đúng với tên gọi “cao thế”, nghề của những người thợ điện này luôn phải thao tác trên những trụ điện cao chót vót, túc trực ngày trên những đường dây truyền tải đảm bảo cho dòng điện được thông suốt, ổn định, có mặt ngay trên những điểm nóng, hoặc khi nào có sự cố do thiên tai gây ra.
Đó là công việc thường ngày của những người công nhân điện trên đường dây cao thế. Đây là một công việc không những đòi hỏi về tay nghề kỹ thuật cao mà còn phải có sự say mê và tinh thần cống hiến.
Đường dây cao thế trên địa bàn Hà Nội phủ khắp trên diện rộng, phía Nam ra Hà Nam, phía Tây lên đến Ba Vì, phía Bắc phủ đến Sóc Sơn và hướng Đông vươn ra hết Phố Nối – Hưng Yên. Từ ngày địa bàn Hà Nội mở rộng, lưới điện phát triển về quy mô và diện tích nên anh em đi làm vất vả hơn.
Thời tiết đang trong giai đoạn cao điểm nắng nóng, tuy nhiên cũng có những hôm ảnh hưởng của bão gây mưa dông trên diện rộng. Nhiều đêm mưa bão sấm chớp, sét đánh vào đường dây, vừa tan ca đi làm về nhà, nhận được tin báo thời tiết gây ảnh hưởng tới đường dây, đội đường dây lại xách đồ và mặc áo mưa, đi đến nơi có vấn đề do thời tiết gây ra để kiểm tra kịp thời, phòng trường hợp gió lốc thổi bạt che bay vào đường dây, gây mất an toàn lưới điện, anh Nguyễn Tùng Linh – Đội đường dây – Công ty Lưới điện cao thế TP Hà Nội chia sẻ.
Làm việc bằng nhiệt huyết và trách nhiệm
Sau những ca trực đêm vất vả, anh Đinh Như Quang – Đội Quản lý điện 1 – Công ty Điện lực Cầu Giấy chia sẻ rằng, mỗi nghề có một đặc thù riêng, sau nhiều năm gắn bó với nghề chúng tôi nhận được sự chia sẻ từ gia đình, nên dù vất vả vẫn giữ lửa nhiệt huyết. Mang lại sự tiện nghi cho khách hàng, cũng như chính gia đình mình khi sử dụng điện là niềm vui của mỗi người công nhân.
Những người “lính áo cam” chỉ thực sự yên tâm khi tất cả các thông số đều duy trì trong mức an toàn sau một hồi đo đạc kiểm tra khu vực cấp điện bằng các thiết bị chuyên dụng. Làm công việc này phải xác định đây là việc thường ngày, mọi năm cứ đến khi thời tiết nắng nóng cực đoan, anh em đều phải ứng trực liên tục. Đối với người dân thì mùa hè là thời điểm du lịch, còn đối với anh em điện lực đó là những “cuộc chiến” với đường dây, với trạm biến áp, điện sinh hoạt để đảm bảo nguồn điện ổn định, an toàn cho người dân yên tâm sử dụng.
23h đêm sau khi kết thúc khoảng thời gian cao điểm, các anh công nhân điện lực lúc đó mới trở về phòng nghỉ tại đơn vị để ăn nốt suất cơm còn dở ban tối. Với họ, hôm nay là một ca trực thành công vì đã không xảy ra sự cố nào về điện gây ảnh hưởng tới sinh hoạt của người dân. Họ cùng ngồi tập trung tại phòng trực và thức cho người dân ngủ, cho một đêm thành phố không tối đèn.
Người dân đồng hành cùng EVNHANOI.
Hậu phương vững chắc để các anh yên tâm phục vụ nhân dân
Trong quá trình công tác, do tính chất công việc đặc thù nên thời gian anh em ở nhà với gia đình không nhiều, đôi lúc giữa đêm khi có công việc phải xử lý, các anh trong tổ đội lại thay đồ và đến giải quyết công việc ngay lập tức, đảm bảo không ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân.
Thời gian đầu mới lập gia đình, anh Vũ Ngọc Tùng – Công ty Điện lực Hoàng Mai chia sẻ, vợ anh có lúc cũng chạnh lòng vì thấy chồng mình nửa đêm nghe điện thoại cơ quan lại xách túi đi luôn. Vào ngày 9/6, khi điện năng tiêu thụ của toàn thành phố Hà Nội lên tới mức hơn 89 triệu kWh, cao nhất kể từ đầu năm 2020, cũng là ngày vợ anh sinh em bé. Anh Tùng chia sẻ, bản thân là Đội trưởng nên có sự việc cấp bách còn phải đến sớm hơn các anh em để chuẩn bị, lên phương án công tác và phân công nhiệm vụ cho từng nhóm, đảm bảo công việc diễn ra nhanh và chất lượng. Tối hôm đó, khi người dân Thủ đô đang nghỉ ngơi và chuẩn bị đi ngủ, hầu như toàn bộ anh em điện lực từ khối gián tiếp cho tới khối trực tiếp đều tập trung huy động toàn bộ để lên các phương án dự phòng, ứng trực liên tục để đảm bảo lưới điện không bị quá tải và dòng điện được vận hành liên tục, ổn định.
Sau khi lưới điện vận hành an toàn, ổn định, cũng là lúc con anh Tùng chào đời, chạy ngay tới viện để thăm vợ con, niềm vui như được nhân đôi vì vừa đón nhận đứa con bé bỏng mới chào đời, vừa làm tròn trách nhiệm với người dân, với xã hội. Anh kể lại toàn bộ câu chuyện cho vợ mình nghe về quá trình cả đội cùng hợp lực làm việc trong đêm để đảm bảo nguồn ánh sáng được liên tục cho người dân, vợ anh đã thông cảm và thấy tự hào hơn về công việc của chồng mình.
Trải qua những lúc khó khăn và áp lực trong công việc, anh em công nhân điện lực cảm nhận gia đình chính là hậu phương vững chắc về tinh thần cho các anh yên tâm công tác. Điều này là nguồn động viên, khích lệ các anh cố gắng hoàn thành tốt công việc để mang lại nguồn điện an toàn, chất lượng và ổn định cho người dân trên địa bàn thành phố.
Nhọc nhằn, vất vả, cực khổ và cả hiểm nguy là những điều mà người thợ điện luôn phải đối mặt hàng ngày. Bất kể ngày hay đêm, mưa hay nắng, họ luôn sẵn sàng, nhanh chóng lên đường, vượt mọi khó khăn với quyết tâm khắc phục sự cố trong thời gian ngắn nhất để đảm bảo mang đến dòng điện được vận hành liên tục, an toàn cho người dân yên tâm sử dụng.
Link gốc