Tin thế giới

Nguồn điện phân tán ở Thái Lan

Thứ năm, 8/5/2008 | 09:44 GMT+7

Ngành điện Thái Lan đang vật lộn với các mô hình phát triển trái ngược nhau. Các kế hoạch, làm tăng sự  phụ thuộc của Thái Lan vào những nhà máy chạy nhiên liệu hoá thạch gây ô nhiễm nặng và những công trình thủy điện đe doạ các dòng sông trong khu vực hiện đang gặp sự chống trả của các chính sách lành mạnh khuyến khích nguồn năng lượng sạch và phân tán. Kết quả của những mô hình cạnh tranh này có thể xác định liệu Thái Lan có đáp ứng được hay không những thách thức lớn về thay đổi khí hậu và bảo vệ các tài nguyên thiên nhiên đang bị đe doạ.

 

 

Năng lượng mặt trời ở Thái Lan

Chris Greacen và Sheila Bijoor của tập đoàn Palang Thai có trụ sở ở Thái Lan đề xuất một số cải cách có thể giúp Thái Lan thực hiện tiềm năng to lớn của mình về nguồn năng lượng sạch, có thể tái tạo và tạo cho các nhà sản xuất năng lượng độc lập, phân tán một cơ hội thực tế để cạnh tranh được với những công ty lớn độc quyền trong ngành năng lượng. 

Đầu tiên là những tin tốt lành. Phát điện sạch, phân tán so với trước kia (giờ đây dễ hơn rất nhiều) trong xây dựng, vận hành và hoà vào lưới điện Thái Lan . 

Thái Lan bắt đầu bước vào lĩnh vực phát điện phân tán từ hồi năm 1992, với việc thông qua các quy định cho phép đấu nối vào lưới điện các nguồn điện năng lượng tái tạo quy mô nhỏ và các nguồn phát nhiệt và điện kết hợp (CHP) chạy bằng nhiên liệu hoá thạch, công suất tới 90 MW. Tính đến tháng 3/2006, chương trình Nhà sản xuất điện nhỏ này đã đóng góp gần 1 GW công suất năng lượng tái tạo cho tổng phụ tải đỉnh của Thái Lan là 21 GW. Nếu kể đến cả các nhà máy chạy nhiên liệu hoá thạch CHP phân tán có hiệu quả thì con số này lên tới 4 GW.

Hơn thế nữa, vào tháng 5/2002, Thái Lan là quốc gia đang phát triển đầu tiên áp dụng các quy định về đo chỉ số công tơ ròng mà Thái Lan gọi đó là chương trình Nhà sản xuất điện rất nhỏ (Very Small Power Producer - VSPP), trong đó đưa ra những dàn xếp thực tế cho việc kết nối áp dụng cho các tổ máy phát năng lượng tái tạo còn nhỏ hơn nữa, qui mô dưới 1 MW. Trong 4 năm đầu, 13 MW đã được đấu nối vào lưới thông qua chương trình này. Điều luật này gần đây đã được sửa đổi để áp dụng cho những dự án có qui mô lên tới 10 MW. Các quy định đó đưa ra biểu giá cao hơn đối với năng lượng tái tạo, có nghĩa là các nhà đầu tư có thể thấy rằng các dự án nhỏ hơn, sạch hơn sẽ là những sự đầu tư tốt hơn do ít rủi ro hơn, ít khó khăn hơn và thu lợi hơn so với các tổ máy phát tập trung quy mô lớn. Phản ứng ban đầu đối với “Chương trình VSPP 10 MW” cho đến nay vẫn là khả quan với 34 tổ máy phát mới đã được ký kết có công suất phát dự kiến là 181 MW.

Năm 2003, chính phủ đặt ra mục tiêu là vào năm 2011, 8% của toàn bộ năng lượng thương mại sẽ do các nguồn năng lượng tái tạo cung cấp. Năm 2003, Bộ Năng lượng Thái Lan ước tính các nguồn năng lượng tái tạo tiềm năng của Thái Lan là hơn 14.000 MW. Để so sánh đánh giá tiềm năng này, lưu ý rằng tổng công suất lắp đặt các nguồn điện của Thái Lan năm 2006 là 26.457 MW. Chính phủ cũng đã thừa  nhận cần phải nâng cao hiệu suất năng lượng. Vào tháng 3/2006, Chương trình Quản lý nhu cầu phụ tải của Thái Lan đã giảm nhu cầu điện năng đỉnh xuống hơn 1.300 MW.

Quyền lợi cố hữu và sự kém cỏi trong lập quy hoạch

Mặc cho những dấu hiệu tích cực này, tiến trình quy hoạch năng lượng của Thái Lan còn thiên lệch nhiều về đầu tư xây dựng mới các nhà máy điện tập trung quy mô lớn. Thái Lan bị mang tiếng ước tính thiên cao nhu cầu điện năng tương lai; kể từ năm 1993 đến nay, 12 trong số 13 dự báo về nhu cầu đã không trở thành hiện thực. Dự báo này được Uỷ ban Dự báo phụ tải Thái Lan xây dựng một cách không công khai, chủ yếu dựa trên các dự báo về tăng trưởng kinh tế của một viện nghiên cứu được ba công ty điện lực quốc doanh tài trợ. Các dự báo nhu cầu được thổi phồng một cách giả tạo này tạo ra cảm giác sai lầm về sự cấp bách phải xây dựng mới các nhà máy điện, dẫn đến đầu tư quá mức, mà cái giá của nó rút cục người sử dụng điện Thái Lan phải chịu.

Một nguyên nhân của việc đầu tư quá mức đã trở thành căn bệnh kinh niên này là các công ty điện lực thực tế có lợi ích gắn liền với việc dự báo cao nhu cầu điện. Lợi nhuận của các công ty này được xác định theo cấu trúc “cộng chi phí”, trong đó lợi nhuận được chính phủ qui định bằng một tỷ lệ phần trăm nào đó của tổng chi phí. Hệ thống này khuyến khích việc đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng ngành điện, thậm chí ngay cả khi thiệt hại cho người sử dụng điện, là người  phải trả mức biểu giá cao một cách không cần thiết. Ngoài ra, hệ thống khuyến khích cộng - chi phí còn khiến Cơ quan Phát điện Thái Lan (EGAT) không muốn nâng cao hiệu quả năng lượng vì họ sẽ thu được ít tiền hơn khi người sử dụng điện tiết kiệm năng lượng. Như một nhà hoạt động trong ngành năng lượng đã nói: “Thật vô lý khi để lợi nhuận của các công ty điện lực gắn liền với số tiền các công ty đó chi ra. Xem ra chẳng khác mấy với tình hình công ty Enron”. Các nhóm công dân đang thúc đẩy thành lập ra một cơ quan điều tiết độc lập để giúp kiềm chế một số tình trạng  lạm dụng này.

Một vấn đề khác là EGAT cũng chịu trách nhiệm xây dựng Qui hoạch phát triển điện Thái Lan (Power Development Plan - PDP). Qui hoạch này được quyết định theo một tiến trình kín, không có ý kiến tham gia đóng góp, rất giống với việc dự báo phụ tải điện. Điều này thực khó hiểu vì lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của công ty này là xây dựng và vận hành các nhà máy điện tập trung lớn. EGAT kiểm soát 47% thị trường phát điện năm 2006 cũng như sở hữu và vận hành mạng lưới truyền tải điện của Thái Lan và hoạt động với tư cách người mua điện duy nhất ở Thái Lan. Điều này làm nổi lên mâu thuẫn về quyền lợi, vì nó mang lại cho EGAT động cơ kinh tế trong việc hạn chế việc kết nối các nhà sản xuất điện độc lập khác vào lưới truyền tải.

Hầm khí sinh học này sản xuất được 500 kW cho một trang trại ở Thái Lan

Các dự báo nhu cầu thổi phồng quá mức và vị thế độc quyền của EGAT đã dẫn tới việc tạo ra những Qui hoạch phát triển điện (PDP) tập trung vào những nhà máy điện chạy bằng nhiên liệu hoá thạch tập trung, lớn do EGAT (hoặc các công ty con của EGAT) sở hữu và việc nhập khẩu thủy điện lớn từ Myanma, Vân Nam (Trung Quốc) và Lào. Bản Qui hoạch PDP mới nhất còn có cả 4.000 MW điện hạt nhân vào năm 2011. Gánh nặng các bệnh đường hô hấp mà các cộng đồng cư dân địa phương phải chịu do ảnh hưởng của các nhà máy nhiệt điện than có nghĩa là các nhà máy điện đã bị các cộng đồng cư dân địa phương phản đối mạnh mẽ. Việc phát triển các công trình thủy điện lớn trong nước cũng gây tranh cãi tương tự từ nhiều năm nay, khiến EGAT phải tìm kiếm phát triển các dự án thủy điện mới ở các nước láng giềng, nơi mà sự phản đối của cộng đồng là đỡ hơn. Mặc dầu thực tế là các hộ tiêu thụ nhỏ, cụ thể là các hộ sinh hoạt và hộ kinh doanh nhỏ, chiếm 98% tổng số các hộ tiêu thụ điện ở Thái Lan, nhưng họ lại không có đại diện trong tiến trình lập quy hoạch.

Đáng chú ý là phần mềm được EGAT sử dụng trong PDP được cấu hình chỉ để lựa chọn giữa các dự án lớn chạy than, khí đốt, dầu nhiên liệu và điện hạt nhân. Do vì các dự án thủy điện mang những đặc điểm cụ thể về vị trí tuyến, nên chúng không tham gia vào hệ thống phần mềm này. Hơn nữa, quyết định xây dựng thủy điện được xem xét riêng - bởi  nó vừa mang tính chính trị vừa mang tính kỹ thuật - và các dự án thủy điện được bổ sung riêng vào PDP. Hơn nữa, PDP chỉ xét đến chi phí vốn và chi phí vận hành – không xem xét chi phí về xã hội và môi trường, biến động của giá nhiên liệu, hoặc tác động của các phương án khác nhau lên chi phí đưa điện năng đến hộ tiêu thụ. Với việc bỏ qua các chi phí về xã hội và môi trường của việc sản xuất và phân phối điện năng, Thái Lan đang sử dụng một phương pháp hạch toán sai lầm để rồi về lâu dài sẽ phải chịu hậu quả. Xu hướng thế giới hiện nay là thừa nhận và tính đến các chi phí này.

Cải tổ ngành điện

Theo Qui hoạch phát triển điện lực mới nhất, trong vòng 15 năm tới, tổng công suất phát điện của Thái Lan sẽ tăng từ 28.535 MW vào năm 2007 lên tới 58.351 MW vào năm 2021. Trong số đó, hầu hết sẽ là các nhà máy điện tập trung, chạy bằng nhiên liệu hoá thạch, 5.091 MW sẽ được nhập khẩu chủ yếu là thủy điện, 4.000 MW sẽ là điện hạt nhân, và chỉ có 1.253 MW do các tổ máy phát điện phân tán (hầu hết là chạy nhiên liệu hoá thạch và một phần không nhỏ là năng lượng tái tạo).

Một số các nghiên cứu của chính phủ Thái Lan, Ngân hàng Thế giới và các công ty điện lực Thái Lan đã xác định rằng Thái Lan có tiềm năng đáng kể các phương án khác nhau về năng lượng sạch, hiệu quả về chi phí, phân tán. Nếu sử dụng các con số tương đối thận trọng trong các nghiên cứu này, và điều chỉnh nhu cầu điện năng xuống mức thực tế hơn, thì Thái Lan có thể sẵn sàng đáp ứng được mức tăng trưởng nhu cầu trong tương lai thông qua sự phối hợp hiệu quả năng lượng/đáp ứng nhu cầu (tiết kiệm điện năng luôn là rẻ hơn so với xây dựng các nhà máy điện mới; Thái Lan có thể tiết kiệm ước chừng 4.260 MW thông qua các chương trình như vậy), dựa nhiều hơn nữa vào nguồn năng lượng tái tạo (chúng tôi khuyến nghị mức tăng gấp gần 7 lần các ước tính chính thức) và phát điện và nhiệt kết hợp (CHP) ở dạng phân tán. CHP giảm đáng kể mức tiêu thụ nhiên liệu chung bằng việc xây dựng các nhà máy điện với quy mô và tại các vị trí nơi mà nhiệt “thải ra” trong sản xuất điện có thể được sử dụng một cách hữu ích; ít nhất 1.700 MW có thể được lắp đặt trong khoảng thời gian này.

Không một lựa chọn nào trong sồ này là cực đoan cả. Năm 2005, phát điện phân tán chiếm hơn một phần tư công suất các nhà máy điện xây mới trên toàn cầu, và đó là xu hướng tăng trưởng nhanh nhất trong ngành điện. Các nhà máy điện phân tán nói chung xây dựng nhanh hơn các dự án lớn nhiều megawatt, thời gian ngắn hơn khiến cho ít có sự sai lệch giữa thực tế và các số liệu dự báo, và do đó giảm được rủi ro xây dựng quá mức. Nói chung, các phương án phát điện phân tán sản xuất năng lượng ở nơi và vào lúc cần thiết, nhờ đó giảm được gánh nặng cho lưới điện. Các chương trình hiệu quả năng lượng Thái Lan giờ đây đã tiết kiệm được điện năng của nhiều nhà máy điện, chi phí thấp hơn rất nhiều, và mặc dù khả năng tiết kiệm còn lớn hơn nữa, các chương trình như vậy chỉ đóng vai trò rất nhỏ trong PDP hiện nay.

Bảng 1. Tiềm năng năng lượng tái tạo của Thái Lan, theo ước tính của Bộ Năng lượng Thái Lan (2003)

Nguồn

Tiềm năng

Sinh khối

Pin mặt trời

Gió

Thủy điện nhỏ và rất nhỏ

7.000 MW

>5.000 MW

1.600 MW

700 MW

Một cuộc vận động ngày càng mạnh mẽ của các tổ chức xã hội dân sự và các nhóm cộng đồng đang kêu gọi cải cách tiến trình quy hoạch ngành điện Thái Lan. Họ ủng hộ một tiến trình quy hoạch tổng thể các nguồn lực (Integrated Resource Planning - IRP), như đã được áp dụng ở Mỹ và châu Âu, là một khuôn khổ quy hoạch với chi phí thực thấp nhất. Trong IRP, quản lý phụ tải và năng lượng sạch, phân tán cạnh tranh bình đẳng với các nhà máy điện tập trung truyền thống. Các đầu tư hạ tầng cơ sở ngành điện được lựa chọn dựa trên các tiêu chí là nó sẽ cung cấp điện năng tin cậy với tổng chi phí kinh tế thấp nhất cho xã hội (kể cả các chi phí về xã hội và môi trường cũng như các rủi ro) chứ không phải là chi phí thương mại thấp nhất cho các nhà đầu tư. Các quyết định chủ yếu được đưa ra thông qua một qui trình có sự tham gia khôn ngoan, chặt chẽ và có ý nghĩa của người dân.

Đáng buồn là Qui hoạch PDP mới đây nhất của Thái Lan lại áp dụng cách tiếp cận không minh bạch như vẫn làm trước đây, bỏ qua những đóng góp đáng kể mà hiệu quả năng lượng, phát điện và nhiệt kết hợp, và năng lượng tái tạo có thể mang lại. Dẫu vậy, với tiềm năng nhiều GW của năng lượng tái tạo và các biện pháp hiệu quả năng lượng còn chưa được khai thác, Thái Lan đang ở vị thế thuận lợi để áp dụng một hệ thống điện thực sự bền vững và an toàn… vào một ngày nào đó.

Phát điện phân tán: Nói chung phát điện với quy mô nhỏ tại ngay hoặc gần nơi tiêu thụ cuối cùng, trái ngược với hầu hết các nguồn điện quy mô lớn và được phát ra tại các nơi xa xôi và được truyền tải tới hộ tiêu thụ qua các tuyến đường dây truyền tải dài. Các ưu điểm của phát điện phân tán có thể bao gồm giảm tổn thất qua hệ thống  truyền tải, hiệu quả sử dụng nhiên liệu cao hơn, giảm các sự cố mất điện và dễ dàng hơn cho điện khí hoá các vùng ở xa lưới điện. 

Theo QLNĐ số 3/2008