Với 40 năm hoạt động thương mại và các nhà máy điện địa nhiệt đã được xây lắp ở hơn 20 nước, NLĐN đã tỏ ra là một công nghệ nguồn điện tái tạo đã được thử thách, đáng để đầu tư và có sức cạnh tranh về chi phí đối với các ứng dụng ở quy mô công nghiệp.
Thậm chí sau đợt sụt giảm đáng kể giá năng lượng toàn cầu trong 6 tháng cuối năm 2008 và đầu năm 2009, vẫn còn nhiều kỳ vọng lớn vào tính cạnh tranh về chi phí trong dài hạn của NLĐN bởi vì nhu cầu năng lượng toàn cầu đang leo thang. Hơn nữa, việc phát hành rộng rãi các chứng chỉ về thu giữ cacbon và NLTT ở khắp các thị trường then chốt, các tiến bộ mới về công nghệ và sự xâm nhập của các nhà đầu tư vào các thị trường mới cho thấy rằng trong thập niên tới, NLĐN sẽ còn tăng trưởng đáng kể và bền vững hơn nhiều. Tổng công suất của các dự án NLĐN toàn cầu đang triển khai là 9 GW. Công suất này tương đương với gần 80% tổng công suất NLĐN đã được xây lắp trong hơn ba thập niên qua.
Theo dự báo thị trường của EER (Emerging Energy Research - Cơ quan Nghiên cứu Năng lượng Mới nổi lên) thì tới năm 2020, ngành công nghiệp địa nhiệt toàn cầu sẽ tăng gấp hơn 3 lần so với cơ sở đã lắp đặt hiện nay, tức là từ 10,5 GW lên tới trên 31 GW. Hơn nữa, theo EER, đến năm 2020, đầu tư hằng năm vào các nhà máy điện địa nhiệt có thể đạt từ 13 đến 19,9 tỉ USD.
Xu thế phát triển thị trường địa nhiệt
Trên toàn thế giới hiện có trên 215 dự án địa nhiệt thương mại đang hoạt động ở 24 nước với công suất đặt tổng cộng gần 10,5 GW. Phần lớn công suất nguồn tập trung ở một nhóm nước: Mỹ, Philippin, Inđônêxia, Mehicô, Iceland và Niu Dilân. Các thị trường đã được xác lập này trước mắt vẫn tiếp tục chiếm đại đa số phần tăng trưởng về địa nhiệt, tuy nhiên một vài thị trường ở giai đoạn sớm nhất như Chilê, Achentina, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Trung Mỹ và Đông Phi đang tìm cách khai thác tiềm năng nguồn địa nhiệt mạnh khi mà nhu cầu nguồn năng lượng và giá nhiên liệu toàn cầu đang leo thang (Hình 1).
Mỹ dẫn đầu trong hoạt động phát triển địa nhiệt toàn cầu
Mỹ hiện đang là thị trường địa nhiệt dẫn đầu thế giới với gần 3 GW công suất đặt. Với trên 4,4 GW công suất của các dự án đã được xác nhận, Mỹ đã sẵn sàng tăng gấp hơn hai lần công suất hiện hữu trong vòng 5 năm tới.
Cơ sở của sự hồi sinh NLĐN ở Mỹ là sự hội tụ của nhiều yếu tố thúc đẩy NLTT thâm nhập sâu hơn vào thị trường sản xuất năng lượng của Mỹ. Yêu cầu theo Định mức của bang về NLTT (State Renewable Portfolio Standards - RPS), biến động tăng cao về giá khí tự nhiên và sự hạn chế cấp phép xây dựng các nhà máy nhiệt điện than đã mở ra cơ hội lớn cho thị trường NLĐN phát triển.
Xu thế thị trường rất thuận lợi đó càng được củng cố hơn nữa trước triển vọng có một RPS cấp quốc gia về NLTT sẽ tạo ra thị trường thay thế lớn về tín dụng NLTT (renewable energy credit - REC), và một chế độ chính sách quốc gia về cacbon làm tăng giá thành sản xuất điện năng từ nhiên liệu hóa thạch.
Nhưng thách thức vẫn còn đang ở phía trước, như việc xây dựng các đường dây chuyên tải cần thiết để tiếp cận các nguồn NLĐN gia tăng còn chưa được xác định rõ ràng, khủng hoảng kinh tế dẫn đến hạn chế các khoản đầu tư và làm giảm giá khí tự nhiên. Tuy nhiên triển vọng lâu dài cho sự phát triển thị trường địa nhiệt của Mỹ là hết sức tích cực với khả năng tăng trưởng gấp ba lần trong thập niên tới.
Khai thác NLĐN ở Mỹ tập trung ở một số ít bang miền Tây là nơi có tài nguyên nước địa nhiệt rộng lớn. Các nhà đầu tư tập trung vào các nguồn NLĐN lớn, chủ yếu ở hai bang: California và Nevada. Ngoài hai thị trường đã được xác lập này, một vài bang khác gần đây cũng đã bắt đầu thu hút sự quan tâm đến nguồn NLĐN, trong đó dẫn đầu là bang Idaho, Oregon và Utah, khi các nhà đầu tư nắm bắt cơ hội nhu cầu NLTT đang mở rộng.
Khai thác NLĐN ở các nơi khác trên thế giới
Ngoài nước Mỹ, việc phát triển các dự án NLĐN đang được tạo đà ở các khu vực có nguồn địa nhiệt đáng kể. Dẫn đầu ở Đông Nam Á là Inđônêxia và Philippin đang cố gắng phát triển công suất đặt NLĐN trong tương lai gần. Trên 29% tổng công suất đặt của các nhà máy điện địa nhiệt trên toàn thế giới thuộc về hai nước. Philippin có một môi trường đầu tư tương đối ổn định hơn, nhưng trong một tương lai dài hạn, Inđônêxia có thể sẽ phát triển một thị trường địa nhiệt lớn hơn nhờ có tiềm năng địa nhiệt tốt hơn và nước này cũng thiếu điện năng hơn. Một thập niên sau cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á dẫn đến ngừng trệ phát triển địa nhiệt, khu vực này giờ đây đã lại nổi lên cùng với tình trạng thiếu năng lượng càng ngày càng gia tăng, NLĐN được ưu tiên như nguồn năng lượng then chốt cho các nhà máy điện xây mới.
Ngoài Mỹ và Đông Nam Á, các thị trường của Nhật, Iceland, Italia và Mêhicô chiếm trên 65% công suất địa nhiệt còn lại của toàn thế giới. Mặc dầu những thị trường này phát triển chậm chạp trong vài năm vừa qua, tính cấp bách lớn hơn của việc sản xuất điện năng ít cacbon cho phụ tải đáy đang giúp kích thích tăng trưởng trở lại các thị trường NLĐN đó. Hơn nữa, sự quan tâm đến nguồn NLĐN cũng lại xuất hiện ở các thị trường mới như Chilê, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Nicaragua, Đức, Ôxtrâylia và Đông Phi, những nước này đang sẵn sàng phát triển các dự án NLĐN bởi họ quan tâm nhiều hơn tới các nguồn NLTT nhằm đa dạng hóa cân bằng năng lượng, tránh ảnh hưởng của biến động giá khí tự nhiên.
Tham vọng về tăng trưởng năng lượng địa nhiệt
Lịch sử ngành công nghiệp địa nhiệt với bao thăng trầm trong 30 năm qua cho ta một bức tranh ganh đua rất manh mún. Phần lớn các tài sản hiện hữu này thuộc về các công ty điện lực lớn thuộc sở hữu nhà nước và các nhà sản xuất điện độc lập (IPP) lớn, và cho mãi tới tận gần đây, tham vọng tăng trưởng của họ chỉ ở mức khiêm tốn.
Hiện nay trên toàn cầu có hơn 30 công ty sở hữu ít nhất một công trình địa nhiệt. 20 chủ sở hữu các công suất địa nhiệt đang kiểm soát khoảng 90% toàn bộ thị trường địa nhiệt toàn cầu đã lắp đặt. Tại thời điểm cuối năm 2008, Tập đoàn “đại gia” Chevron về dầu và khí toàn cầu đã duy trì được vị trí đứng đầu trong bảng xếp hạng về quyền sở hữu địa nhiệt toàn cầu nhờ hàng loạt dự án lớn của họ tập trung ở Inđônêxia và Philippin, những tài sản này Tập đoàn Chevron mua được trong một phần tài sản mua của Tập đoàn dầu khí Unocal (Mỹ) vào năm 2005.
Như cuộc chạy đua nhằm mở rộng thị phần nguồn NLTT toàn cầu đang leo thang, các công ty điện lực và các IPP lớn đang để mắt kỹ hơn tới tiềm năng địa nhiệt. Các công ty có tài sản địa nhiệt hiện hữu, dẫn đầu là Enel, MidAmerican, Calpine, và Mighty River Power (Niu Dilân) đang gia tăng đầu tư vào nhiều khu vực. Các công ty này liên doanh với các công ty nội địa, công ty nhà nước kiểm soát như Contact Energy ở Niu Dilân, CFE ở Mehicô và PLN và Pertamina ở Inđônêxia, tập trung vào việc mở rộng quyền sở hữu tài sản địa nhiệt trong các thị trường nội địa của họ.
Ormat là IPP địa nhiệt, đơn vị triển khai dự án, phối hợp hệ thống địa nhiệt hàng đầu, đang tiếp tục leo lên cao trên bảng thứ hạng thông qua sự tăng trưởng ổn định toàn cầu, từ sở hữu tài sản địa nhiệt ban đầu vào năm 2001. Với kinh nghiệm phát triển hàng đầu, các công trình đang triển khai đáng kể và cách tiếp cận toàn cầu, Ormat sẽ vững vàng ở vị trí tiếp tục tích lũy quyền sở hữu các dự án địa nhiệt, đứng đầu tất cả các IPP địa nhiệt.