Tin trong nước

Nguy hiểm khi dùng bẫy điện để diệt chuột

Thứ ba, 28/7/2015 | 15:09 GMT+7
Vùng đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa lớn nhất cả nước, hiện đang vào vụ thu hoạch lúa hè - thu. Tại một số địa phương, thay vì diệt chuột phá hoại mùa màng bằng biện pháp truyền thống thì người dân lại chọn cách giăng điện để bẫy chuột. Việc dùng điện để bắt chuột rất nguy hiểm, chỉ cần sơ suất nhỏ có thể dẫn đến tử vong, không những thế hành vi này còn vi phạm pháp luật.


Ảnh minh họa.
 
Thời gian qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng địa phương liên tục đưa tin và cảnh báo việc người dân việc dùng điện để bẫy chuột, gây nguy hiểm đến tính mạng con người. Tình trạng này diễn ra ở Đồng bằng sông Cửu Long khá phổ biến. Bẫy chuột bằng điện vẫn được giăng ở khắp nơi, không một biển báo và đây là mối nguy hiểm đe dọa tới tính mạng con người. Cách làm nguy hiểm này đã cướp đi sinh mạng của nhiều người khi không may vướng vào bẫy điện trên đồng tại các tỉnh, thành miền Tây Nam bộ. 
 
Gia đình chị Nguyễn Thị Ngọc Giàu, ngụ ấp Tân Hòa, xã Tân Phú Trung, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp đã phải chịu cảnh góa phụ, hai đứa con chị cũng côi cút khi thiếu vắng hơi ấm của người cha. Cách đây hơn một năm, do chuột cắn phá lúa, anh Phạn Văn Lập chồng của chị Giàu đã mua dây kẽm giăng xung quanh ruộng lúa, rồi nối với điện thắp sáng trong gia đình để bẫy chuột. Khi ra thăm ruộng, anh bị điện giật chết tại chính cái bẫy của mình. 
 
Mới đây, người dân tại ấp Khánh Mỹ A, xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp không khỏi bàng hoàng khi phát hiện thi thể người đàn ông  tử vong trên cánh đồng. Nguyên nhân ban đầu được lực lượng chức năng xác định, nạn nhân chết do bị điện giật. Quá trình điều tra, Công an huyện Lấp Vò đã xác định được thủ phạm giăng bẫy chuột bằng cách dùng dây chì giăng trên ruộng lúa nối với cục sạc câu vào bình ắc quy để bẫy chuột, sau khi qua sạc, dòng điện lên rất cao trên 300V nên khi nạn nhân chạm vào dây chì chết tại chỗ.
 
Việc đặt bẫy điện để diệt chuột có thể gây nguy hiểm cho cả người bẫy và người đi làm vườn, làm đồng. Người dân kéo điện để bẫy chuột thường sử dụng dây chì hoặc những loại dây trần không có vỏ bọc cách điện, sử dụng nguồn điện 220V nên khi con người vô ý chạm vào sẽ rất nguy hiểm (trong điều kiện bình thường khi tiếp xúc trực tiếp với điện áp xoay chiều trên 42V rất nguy hiểm đến tính mạng). Thông thường người dân kéo bẫy điện ở những nơi xa xôi, hẻo lánh và thực hiện vào ban đêm, nằm khuất nên rất khó phát hiện và bằng mắt thường sẽ lầm tưởng là dây chì làm hàng rào không nghĩ dây có điện...
 
Không những thế, việc giăng bẫy điện bắt chuột còn vi phạm pháp luật. Theo Nghị định 134/2013/NĐ-CP ngày 17-10-2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tại điểm đ, khoản 4, Điều 15 có quy định: Hành vi “Sử dụng điện để bẫy, bắt động vật hoặc làm phương tiện bảo vệ trực tiếp trái quy định của pháp luật” sẽ bị phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng.  Tại Điều 98 của Bộ Luật Hình sự hành vi còn bị đưa vào tội vô ý làm chết người có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm, phạm tội làm chết nhiều người thì bị phạt tù từ 3 đến 10 năm… 
 
Đã đến lúc cần có những cảnh báo mạnh mẽ về tai nạn trong việc dùng điện không đúng mục đích nói chung và dùng điện bẫy chuột nói riêng gây chết người. Cần thiết phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong nhân dân và tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa ngành Điện với các cấp chính quyền, đoàn thể tại địa phương một cách thường xuyên và liên tục. Mặt khác, cần kiên quyết trong việc xử phạt hành chính khi phát hiện dùng bẫy điện để bắt chuột, đồng thời đưa những sai phạm này lên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm tăng hiệu quả răn đe và phòng ngừa. 
Nguyễn Công Lực