Bưởi năm roi Bình Minh.
Ánh sáng văn minh không chỉ giúp Vĩnh Long nổi lên như một trong những điểm du lịch miệt vườn nổi tiếng của miền Tây Nam bộ, hàng năm đón hàng trăm ngàn du khách với thú thưởng ngoạn văn minh miệt vườn, mà còn là nguồn động lực phát triển mọi mặt kinh tế-xã hội, thu ngắn đáng kể khoảng cách của Vĩnh Long và TP Hồ Chí Minh.
Không hề cường điệu khi nói rằng, dòng phù sa ngọt ngào từ 2 con sông Tiền, Hậu, cùng dòng điện quốc gia đã góp phần tạo nên những khu vườn nức tiếng “cây lành trái ngọt” của Vĩnh Long với nhiều loại trái cây có thương hiệu nổi tiếng trên thị trường như bưởi Năm Roi, cam Tam Bình, chôm chôm cù lao Bình Hòa Phước…. Trong cơ cấu nông nghiệp của tỉnh, có đến 50% giá trị của các sản phẩm trồng trọt là từ vườn cây trái. Từ lâu, các loại trái cây Vĩnh Long đã là nguồn cung cấp chủ yếu cho chợ nổi Cái Bè. Tại chợ nổi giáp giới của ba tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long này, sản vật miền Tây quy tụ về các chành vựa và từ đó tỏa đi khắp mọi miền đất nước.
Bưởi Năm Roi là loại cây trái mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân miệt vườn của huyện Bình Minh. Với khu vườn rộng gần 1 ha trồng bưởi ở xã Mỹ Hòa, bà Trần Thị Kim Tiên – chủ khu vườn cho biết, từ khi có điện lưới quốc gia, bà đã đầu tư hệ thống tưới tự động nhằm giúp tiết kiệm công sức, thời gian chăm sóc và tăng cao năng suất ra trái cây bưởi Năm Roi. Không chỉ hỗ trợ sản xuất, dòng điện quốc gia đã thay đổi toàn diện mọi mặt đời sống văn minh miệt vườn. Từ ngày có điện, những người như bà Tiên không còn có cảm giác thua thiệt, tủi phận của một nông dân miệt vườn so với cuộc sống văn minh kẻ chợ.
Không chỉ là một tỉnh thuần nông, Vĩnh Long cũng có những cụm, khu công nghiệp thu hút được nhiều nhà đầu tư. Tỷ trọng công nghiệp đã đạt gần 50% trong cơ cấu kinh tế tỉnh. Bước chuyển mình đi lên từ các cơ sở nghề truyền thống thành những nhà máy hiện đại luôn có sự đồng hành của ngành Điện. Từ một cơ sở nhỏ, thô sơ, với sự trợ giúp của nguồn điện ổn định, Công ty cổ phần kinh doanh - xuất nhập khẩu Vĩnh Long đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ phục vụ cho ngành trang trí nội thất, đặc biệt là những sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống mây, tre, lá, lục bình, cói, lát… xuất khẩu sang các quốc gia châu Âu, Mỹ. Kim ngạch xuất khẩu của Công ty trung bình khoảng 20 triệu USD/năm. Một nửa các công đoạn chế tạo các khung, sườn được sản xuất công nghiệp tại Nhà máy. Các công đoạn đan, lát được liên kết sản xuất với các cơ sở thủ công địa phương.
Để đáp ứng được định hướng tăng dần tỉ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, các CBCNV ngành Điện Vĩnh Long phải không ngừng nỗ lực để phát triển và duy trì sự ổn định của lưới điện. Với địa hình sông ngòi chằng chịt, nhiều cù lao, cồn bãi, việc xây dựng, vận hành hệ thống lưới điện rộng khắp, đến tất cả những vùng nông thôn hẻo lánh là một điều không hề đơn giản. Các công nhân ngành Điện của vùng sông nước này phải thường xuyên chia ca trực mỗi tuần cắm chốt tại những cù lao để có thể nhanh chóng giải quyết các sự cố về điện theo yêu cầu từ những hộ gia đình. Họ phải sử dụng các phương tiện mong manh như chiếc vỏ lãi để đi đến những khu vực dân cư có luồng lạch nhỏ hẹp khó tiếp cận.
Đến với Vĩnh Long chắc hẳn ít ai không bồi hồi nhớ về hình ảnh của một nhà lãnh đạo được mọi người gọi với cái tên thân thương là “Ông Thủ tướng điện”. Với quyết sách quyết đoán và táo bạo của mình, cố thủ tướng Võ Văn Kiệt, người con của quê hương Vĩnh Long, đã góp công lớn trong việc đưa nguồn điện quốc gia về đến miền Nam. Và hôm nay, tiếp nối sự nghiệp của ông, những người con của Vĩnh Long, trong đó có những công nhân ngành Điện lực, đang ngày đêm ra sức phát triển dòng điện năng để làm bừng sáng hơn lên văn minh miệt vườn.