Chị Nguyễn Thị Thùy Nhung hỗ trợ, can thiệp cho trẻ tự kỷ tại gia đình.
Có dịp, chúng tôi tới nhà chị Nhung tại tổ 10 P. Minh Tân – TP Yên Bái khi chị vừa tan làm. Chỉ kịp thay bộ quần áo, chị đã vội vàng đón những "trẻ đặc biệt” đầu tiên đến học can thiệp. Trong quãng thời gian từ 17 - 21h, liên tục mỗi cháu từ 1 - 2 tiếng chị kèm một trẻ. Chỉ một bài học nhỏ như chỉ các con vật thân quen hay màu sắc, nhưng những học trò nhỏ đặc biệt của chị Nhung phải mất cả buổi học, thậm chí nhiều buổi vẫn chưa nhớ dù có trẻ đã 4 - 5 tuổi.
Chị Nhung tâm sự: "Tôi học Khoa Giáo dục đặc biệt tại Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Hà Nội. Năm 2007, sau khi tốt nghiệp tôi đi làm tại một trung tâm hỗ trợ giáo dục trẻ đặc biệt tại Hà Nội, đến năm 2008 thì về Yên Bái. Từ đó đến nay, tôi hỗ trợ dạy can thiệp cho các gia đình có nhu cầu tại địa phương. Hỗ trợ trẻ đặc biệt không đủ nuôi sống bản thân nên tôi đi học thêm chuyên ngành khác và xin vào làm tại Điện lực huyện Trấn Yên. Tuy nhiên, vì muốn thỏa đam mê với nghề dạy học, đồng thời cũng xuất phát từ tình thương với các em nhỏ bởi nếu không được can thiệp sẽ không hòa nhập được cộng đồng nên tôi nhận hỗ trợ tại nhà ngoài giờ làm. Người thân chính là điểm tựa hỗ trợ, nguồn động viên to lớn để tôi tiếp tục với nghề dạy "trẻ đặc biệt”.
Đối với các trẻ phát triển bình thường thì việc tiếp thu bài học sẽ nhanh hơn, nhưng với trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ, tăng động giảm chú ý, chậm phát triển trí tuệ, chậm ngôn ngữ thì ngoài tình yêu thương với trẻ, chị Nhung phải dành rất nhiều thời gian, ý chí bền bỉ, kiên trì, đồng thời Chị phải chú ý từng trẻ, theo dõi trẻ đang ở mốc tuổi phát triển nào, các sở thích là gì, khó khăn nào làm cản trở đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày... để từ đó lên chương trình, mục tiêu can thiệp phù hợp nhất.
Chị Nhung chia sẻ thêm: "Mỗi trẻ là một cá thể riêng, không bạn nào giống bạn nào. Nhiều người hỏi tôi có bao giờ thấy nản khi dạy trẻ mãi mà chưa tiến bộ không? Thực tình, chưa hề có một phút nào tôi nản lòng cả. Tôi luôn tâm sự với bố mẹ các trẻ rằng, hôm nay con chưa làm được thì con cần thời gian luyện tập thêm, cứ làm kiên trì hàng ngày ắt con cũng sẽ thực hiện được bài tập đó, từng chút một rồi con sẽ đến đích”.
Chị Nguyễn Thị Thùy Nhung trao đổi với đồng nghiệp mỗi khi được đề nghị giải đáp về chế độ chính sách hiện hành.
Khi đề cập tới người đồng nghiệp Nguyễn Thị Thuỳ Nhung, ông Đinh Đăng Sáng - Giám đốc Điện lực Trấn Yên đã có nhiều nhận xét tích cực về chị, Chị Nguyễn Thị Thùy Nhung là cán bộ công nhân viên Điện lực Trấn Yên, đang làm việc tại Phòng Tổng hợp với nhiệm vụ được phân công là kế toán viên của đơn vị. Trong công việc, chị luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Công tác kế toán ở đơn vị cấp 4 là rất quan trọng, góp phần vào công tác hạch toán của Công ty được chính xác, đầy đủ các nghiệp vụ phát sinh theo phân cấp về mặt kế toán tại đơn vị. Quá trình công tác, chị Nhung luôn hòa đồng với đồng nghiệp, đoàn kết và quan tâm xây dựng đơn vị. Song song với công việc đang làm tại đơn vị thì chị còn có trình độ chuyên môn được đào tạo cơ bản đó là Khoa Giáo dục đặc biệt để có thể dạy trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ, tăng động giảm chú ý, chậm phát triển trí tuệ, chậm ngôn ngữ. Để gắn bó với nghề trồng người thì ngoài tình yêu thương với trẻ, chị Nhung đã dành rất nhiều tâm huyết, cùng ý chí bền bỉ và sự kiên trì để giúp các trẻ phát triển, hoà nhập với cộng đồng.
Có thể thấy rằng, chính nhờ đến với trẻ bằng tình yêu thương, đồng cảm, dạy trẻ bằng cả tâm huyết của một nhà giáo trong suốt những năm qua, chị Nguyễn Thị Thùy Nhung đã trang bị cho rất nhiều "trẻ đặc biệt” hành trang cần thiết để có thể mở rộng cánh cửa tương lai.
Link gốc