Thông tin đầu tư

Nhà đầu tư đề xuất bổ sung hàng trăm dự án điện mặt trời

Thứ năm, 31/5/2018 | 08:42 GMT+7
Có khoảng 150 dự án điện mặt trời, với tổng công suất không dưới 16.000 MWp đã được các tỉnh và nhà đầu tư đề xuất tới Bộ Công thương bổ sung vào quy hoạch.
Dự án điện mặt trời Phú Lạc (tỉnh Bình Thuận). Ảnh: Hoàng Minh
 
Bùng nổ vì giá hời 
 
Sau Quyết định 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam được ban hành hồi tháng 4/2017 với điểm mấu chốt là giá mua điện mặt trời tương đương 9,35 UScents/kWh (tương đương 2.068 đồng thời điểm đó), đã có một cuộc đổ bộ vào lĩnh vực này. 
 
Không chỉ đổ bộ, các nhà đầu tư điện mặt trời đang guồng hết tốc lực để chạy đua khi theo các quy định hiện hành, giá mua điện tương đương 9,35 UScents/kWh chỉ áp dụng cho nhà máy điện mặt trời nối lưới có thời điểm vận hành thương mại trước ngày 30/6/2019 và kéo dài trong thời gian 20 năm, kể từ ngày vận hành thương mại.
 
So với mức giá bán lẻ điện sinh hoạt mà ngành điện đang bán ở mức bình quân 1.720,65 đồng/kWh, có thể thấy ngay hiệu quả nếu dự án được triển khai suôn sẻ. 
 
Theo báo cáo của Bộ Công thương ngày 26/4/2018, tổng quy mô công suất các dự án điện mặt trời đã được phê duyệt bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực là khá lớn. Trong đó, riêng Bộ Công thương đã phê duyệt bổ sung trên 70 dự án đưa vào vận hành trước thời điểm tháng 6/2019, với tổng quy mô công suất trên 3.000 MWp. 
 
Tuy nhiên, chính Bộ Công thương cũng thừa nhận, quy mô này đã vượt hơn nhiều so với quy mô phát triển điện mặt trời dự kiến đến năm 2020 trong Quy hoạch Điện VIII điều chỉnh được Thủ tướng phê duyệt. 
 
Trước đó, tại Quyết định 428/2016/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030, công suất điện mặt trời tới năm 2020 sẽ là 850 MW và tăng lên 4.000 MW vào năm 2025, sau đó đạt 12.000 MW vào năm 2030. 
 
Nguồn tin của Báo Đầu tư cho hay, ở thời điểm trước cuộc họp này, Bộ Công thương đã nhận được đề xuất của các chủ đầu tư và các địa phương về điện mặt trời với tổng công suất khoảng 17.000 MWp. 
 
Chạy đua với điện mặt trời 
 
“Chúng tôi đang chạy đua với mốc tháng 6/2019, phải đưa nhà máy điện mặt trời vào vận hành thương mại thì mới được hưởng mức giá tương đương 9,35 Uscent/kWh theo quy định của Quyết định 11/2017/QĐ-TTg. Nếu không kịp mốc này, doanh nghiệp sẽ gặp không ít rủi ro, bởi chưa biết mức giá mua điện mặt trời sau tháng 6/2019 sẽ như thế nào. Nếu giá điện mặt trời giảm còn khoảng 7 UScents/kWh thì cũng khá lo lắng”, chủ một doanh nghiệp đang đầu tư dự án điện mặt trời có quy mô công suất 47 MW tại khu vực Tây Nguyên cho phóng viên Báo Đầu tư hay. 
 
Trên thực tế, nhà đầu tư này đã thực hiện các bước chuẩn bị cho dự án từ 3 năm nay, chứ không phải tới khi có Quyết định 11/2017/QĐ-TTg mới bắt đầu chạy đua. Dù không lo lắng về phần đất để lắp đặt trang trại điện mặt trời, nhưng chỉ riêng phần đường dây từ Dự án tới điểm đấu nối được thỏa thuận với ngành điện dài 3,5 km cũng tốn khá nhiều thời gian và chi phí của doanh nghiệp. 
 
“Giá thiết bị năng lượng mặt trời hiện là khoảng 600.000 USD/MWp công suất đặt. Tuy nhiên, đây chỉ là giá thiết bị. Để vận hành được dự án thì còn phải có đất để dựng các tấm panel, đường dây để đấu nối với hệ thống điện. Ước tính, phải cỡ 1 triệu USD/MWp công suất lắp đặt”, nhà đầu tư này nói.
 
Vẫn theo ông này, chọn được vị trí để làm trang trại điện mặt trời có thể không khó, nhưng tìm được điểm đấu nối để tải được công suất của dự án lên lưới điện quốc gia lại không đơn giản. 
 
“Không phải cứ nhìn thấy đường dây truyền tải ở gần cạnh là có thể đấu nối dự án điện mặt trời được, vì phụ thuộc rất lớn vào công suất hiện hữu của đường truyền tải. Bên cạnh đó, các vấn đề liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng với người dân không bao giờ nhanh như dự tính của nhà đầu tư”, vị này phát biểu. 
 
Cho rằng, phát triển điện mặt trời là ưu việt, phù hợp với xu hướng phát triển năng lượng tái tạo hiện nay, nhưng các chuyên gia điện cũng bày tỏ lo ngại về sự bùng nổ nguồn cung từ điện mặt trời nói riêng cũng như các nguồn năng lượng tái tạo nói chung trong điều kiện vận hành thực tế của lưới điện Việt Nam. 
 
Ở góc độ điều hành, vận hành hệ thống điện của cả nước, ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia A0 cho hay, do điện mặt trời không ổn định, trong khi tiêu thụ điện là tức thì, nên khi điện mặt trời giảm đột ngột vì các yếu tố tự nhiên như mưa, mây che…, thì sẽ phải có nguồn điện dự phòng ngay lập tức để bù đắp thiếu hụt này. Như vậy, theo ông Cường, sẽ cần đầu tư các nhà máy điện trong hệ thống để đáp ứng nhu cầu đó và việc này cũng sẽ gây áp lực lên cho giá điện nói chung. 
 
“Các nước đều quy định một tỷ trọng nhất định nguồn năng lượng tái tạo trong hệ thống điện để đảm bảo cung cấp điện ổn định và an toàn cho nền kinh tế”, ông Cường nói. Theo ông Cường, một số nước (như Đức), tỷ lệ này là 40% công suất hệ thống. 
 
Cũng ở góc độ vận hành, bà Trần Thu Trà thuộc Ban Quản lý đầu tư của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, điện mặt trời chịu tác động của mây, gió và cường độ nắng, nên khi các yếu tố này thay đổi sẽ ảnh hưởng ngay đến điện áp của hệ thống điện. Trong khi đó, bên cung cấp điện là EVN, dù không gây ra sự thiếu ổn định về điện áp, song vẫn có thể bị phạt theo hợp đồng.
Dự án điện mặt trời Phú Lạc (tỉnh Bình Thuận). Ảnh: Hoàng Minh
 
Theo: Báo Đầu tư