Nhà máy Điện gió Phú Lạc: Hướng đến mô hình 3 trong 1

Thứ năm, 20/9/2018 | 09:06 GMT+7
Sau 2 năm hoạt động, Nhà máy Điện gió Phú Lạc do Công ty Cổ phần Phong điện Thuận Bình đầu tư, quản lý, vận hành và khai thác đã từng bước phát huy hiệu quả với doanh thu bình quân mỗi tháng đạt khoảng gần 10 tỷ đồng. 

Hệ thống năng lượng mặt trời, điện gió và nông nghiệp công nghệ cao
 
Hồi sinh trên vùng đất khó
 
Nhằm tận dụng và khai thác tối đa tiềm năng của dự án, công ty đang hướng đến phát triển theo mô hình 3 trong 1: Điện gió, điện mặt trời và du lịch sinh thái gắn nông nghiệp công nghệ cao.
 
Khi Dự án Nhà máy Điện gió Phú Lạc bắt đầu được xây dựng, cả vùng đất rộng lớn diện tích 400ha được cấp cho dự án chỉ có nắng, gió và những cồn đất khô cằn cỗi. Sau 2 năm dự án phát điện thương mại, màu xanh mát của cây ăn quả đã trải dài dưới chân những trụ điện gió, vùng đất khó đang được hồi sinh.
 
Theo ông Bùi Văn Thịnh - Chủ tịch, Tổng giám đốc Công ty Thuận Bình - với nguồn vốn tài trợ từ Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) và đối ứng của chủ đầu tư, sau 13 tháng thi công, đầu tháng 9/2016, Dự án Điện gió Phú Lạc (Tuy Phong, Bình Thuận) đã hoàn thành và chính thức phát điện, hòa lưới quốc gia thông qua đường dây 110kV Ninh Phước - Tuy Phong, góp phần cấp bổ sung nguồn điện sạch cho địa bàn Bình Thuận và các tỉnh phía Nam.
 
Tấm pin năng lượng mặt trời được lắp đặt tại vườn rau của công ty

Theo thiết kế, Nhà máy Điện gió Phú Lạc có 12 tua bin với công suất 59 triệu kWh/năm. Tuy nhiên, năm 2017, nhà máy đã phát được 63 triệu kWh, đạt doanh thu 110 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2018, sản lượng điện phát lên lưới đạt 36 triệu kWh, doanh thu trên 60 tỷ đồng. Đặc biệt, với việc dự án hoàn thành sớm 20 ngày so với kế hoạch, không phát sinh thêm một đồng chi phí đầu tư, chất lượng bảo đảm, năm 2017, Tổ chức Asian Power đã trao tặng giải thưởng “Dự án điện gió tiêu biểu châu Á 2017” cho Nhà máy Điện gió Phú Lạc.
 
Trên diện tích 400ha của nhà máy, một màu xanh tươi mát đang bừng lên sức sống giữa những khoảng đồi trọc, đất khô cằn bởi những vườn cây trái. Dẫn chúng tôi đi thăm nhà máy, anh Đinh Gia Tuân - Trưởng phòng Tài chính Công ty Thuận Bình - cho biết, toàn công ty có hơn 20 cán bộ, công nhân viên (CBCNV) chủ yếu là đoàn viên thanh niên, tuổi đời còn rất trẻ, sau giờ làm việc thường dành thời gian để cải tạo đất xung quanh khu vực nhà máy để trồng rau, trồng cây ăn trái, nuôi gà, thả cá…

Đặc biệt, tại các vườn rau, ao cá, Công ty Thuận Bình lắp thử nghiệm những tấm pin năng lượng mặt trời, phát triển điện gió lồng ghép với năng lượng mặt trời kết hợp với du lịch sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao - hướng đi mà Thuận Bình đã lựa chọn. “Đặc biệt, hệ thống sử dụng các tấm pin năng lượng mặt trời hiệu suất cao được lắp trên mặt hồ kết hợp nuôi cá giúp tăng hiệu suất của hệ thống điện mặt trời, cá phát triển nhanh dưới điều kiện nắng nóng tại dự án. Sự thành công của hệ thống cho phép mở rộng trong sản xuất nuôi trồng thủy sản; là nguồn cung cấp điện tại chỗ thay thế nguồn điện lưới hoặc máy phát diesel phục vụ trong nuôi trồng thủy sản” - anh Đinh Gia Tuân cho biết.
 
Hiện thực hóa hướng đi
 
Theo quy hoạch tổng thể, “cánh đồng” năng lượng Phú Lạc không chỉ được đầu tư, phát triển điện gió mà trong tương lai, điện mặt trời với những tấm pin năng lượng cũng sẽ được “mọc” lên dày hơn, đón nguồn nắng bất tận của vùng duyên hải cực Nam Trung bộ.
 
Ông Bùi Văn Thịnh chia sẻ, công ty đang có kế hoạch đầu tư khoảng 145MW điện mặt trời theo 3 giai đoạn. Do đã có đất sẵn sàng làm điện gió nên quá trình triển khai, Dự án Điện mặt trời giai đoạn I của Công ty Cổ phần Phong điện Thuận Bình được kỳ vọng sẽ nhanh hơn nhiều so với các dự án điện mặt trời khác mới đăng ký. Dự án đang chờ được bổ sung vào quy hoạch, nhưng vẫn đồng thời triển khai các công việc liên quan. Đặc biệt, cùng với điện gió và điện mặt trời, công ty sẽ phát triển nông nghiệp công nghệ cao và du lịch, du khách đến thăm nhà máy sẽ được thưởng thức các sản phẩm nông nghiệp sạch do chính CBCNV nuôi, trồng.
 
Tấm pin năng lượng mặt trời được lắp đặt tại ao cá

Để hiện thực hóa hướng đi này, từ ngày 11- 25/4/2017, Công ty Thuận Bình đã tiến hành khảo sát, thiết kế, thi công lắp đặt và đưa vào vận hành thành công Hệ thống điện năng lượng mặt trời hòa lưới tại khuôn viên Nhà máy Điện gió Phú Lạc, tổng công suất lắp đặt là 20kWp. Lượng điện phát ra nhằm cung cấp cho nhu cầu sử dụng cho toàn bộ văn phòng và khu nhà ở của CBCNV công ty, hệ thống bơm nước tưới cây tự động trong khuôn viên dự án và một phần điện tự dùng cho Nhà máy Điện gió Phú Lạc. Các tấm pin mặt trời cũng được lắp đạt tại khu vực ao cá và vườn rau, đây là những mô hình mà công ty thử nghiệm nhằm mở rộng ứng dụng năng lượng mặt trời vào thực tiễn nghiên cứu và sản xuất.
 
Hiện, cùng với dự án năng lượng mặt trời tại Nhà máy Điện gió Phú Lạc, Công ty Thuận Bình cũng đang có kế hoạch triển khai một số các dự án điện gió và mặt trời tại Bình Thuận, Ninh Thuận và Đăk Lăk. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay theo như các chủ đầu tư nhận định, đó chính là vấn đề đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng lưới truyền tải điện và giá cho điện gió vẫn còn thấp, chưa hấp dẫn các nhà đầu tư. “Tuy nhiên, với vai trò là nhà đầu tư, chúng tôi hoàn toàn có thể chia sẻ gánh nặng đầu tư lưới truyền tải với nhà nước thông qua hình thức tỷ lệ góp vốn đầu tư lưới điện theo công suất phát lên lưới của các dự án” - ông Bùi Văn Thịnh khẳng định.
 
Ông Bùi Văn Thịnh - Chủ tịch, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phong điện Thuận Bình: Chúng tôi mong muốn, thông qua mô hình điện mặt trời mini, có thể phát triển rộng rãi tại các hộ gia đình, hộ kinh tế cá thể tại Bình Thuận hoặc những tỉnh lân cận bởi xu thế giá thành của tấm pin mặt trời ngày càng rẻ. Trong tương lai, thị trường điện mặt trời mô hình các hộ gia đình hoặc sản xuất, kinh doanh cá thể sẽ rất phát triển.
Theo: Báo Công Thương