Nhà máy biến nước biển thành nước ngọt ở Kiunga, Kenya. Ảnh: GivePower.
Nhà máy khử mặn nước của tổ chức GivePower hoạt động từ tháng 7/2018. Nó có thể tạo ra 75.000 lít nước uống mỗi ngày, đủ cho 25.000 người sử dụng. Công nghệ khử mặn không mới nhưng các nhà máy trước đó thường dùng bơm công suất lớn và cực kỳ tốn năng lượng. Do đó, chi phí vận hành cũng rất cao. "Bạn phải tìm ra cách lấy nước từ biển có thể áp dụng trên quy mô lớn và theo hướng phát triển bền vững", Hayes Barnard, người đứng đầu GivePower, cho biết.
Nhà máy này chạy bằng năng lượng mặt trời, sử dụng pin Tesla để tích trữ năng lượng và có hai máy bơm lắp song song, giúp duy trì hoạt động liên tục, kể cả khi một máy bơm cần bảo trì. Trong tương lai, GivePower hy vọng xây dựng những cơ sở khử mặn nhỏ hơn, chỉ dùng một máy bơm và trang bị hệ thống điện mặt trời 15 kW cùng pin Tesla. GivePower có thể kết hợp những cơ sở này để tăng quy mô. Người dân địa phương chỉ cần trả khoảng 0,0025 USD cho mỗi lít nước.
Kiunga là nơi đầu tiên GivePower đặt nhà máy. Quá trình xây dựng kéo dài một tháng với tổng chi phí 500.000 USD. Tổ chức này hy vọng thu được 100.000 USD mỗi năm từ nhà máy và dùng số tiền đó để xây thêm các cơ sở khác. Barnard đặt mục tiêu giảm chi phí xây dựng xuống còn 100.000 USD mỗi nhà máy trong tương lai.
Ban đầu, GivePower tập trung vào việc xây dựng các hệ thống pin năng lượng mặt trời để cung cấp điện tại những quốc gia đang phát triển. Tổ chức này đã lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời tại hơn 2.650 địa điểm trên 17 quốc gia, chủ yếu gồm trường học, phòng khám và thôn làng. Tuy nhiên, nhận thấy thiếu nước cũng là một vấn đề nghiêm trọng, GivePower tiếp tục tìm cách tạo ra nước sạch.
Khoảng 1/3 dân số thế giới không thể tiếp cận với nguồn nước uống an toàn, theo Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Đến năm 2025, một nửa dân số thế giới dự kiến sống trong những khu vực thiếu nước. Một số thành phố như Cape Town (Nam Phi), Chennai (Ấn Độ) và Bắc Kinh (Trung Quốc) đang đối mặt với tình trạng nguồn cung nước giảm.
Theo: VnExpress/Clean Future