Việt Nam đang nỗ lực triển khai dự án nhà máy ĐHN Ninh Thuận.
Tại hội nghị đánh giá kết quả 10 năm (giai đoạn 2006 - 2015) thực hiện Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020, ông Nguyễn Cường Lâm- Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Trưởng ban Quản lý Dự án ĐHN Ninh Thuận (EVNNPB)- cho biết, tháng 11/2011, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, EVN đã ký Hợp đồng dịch vụ tư vấn với Liên danh tư vấn E4 Group (Nga), KIEP (Ucraina), EPT (Nga) về lập báo cáo nghiên cứu khả thi (F/S) và hồ sơ phê duyệt địa điểm (SAD) cho Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1. Nguồn tài chính cho hợp đồng là khoản viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Liên bang Nga.
Theo hợp đồng đã ký kết, báo cáo kết quả khảo sát, đánh giá địa điểm Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 được Liên danh tư vấn giao nộp cho EVNNPB vào tháng 11/2014. Tháng 3/2015, hoàn thành và giao nộp hồ sơ cho công nghệ AES-2006 - phiên bản V491 là công nghệ thuộc thế hệ III+. Trên cơ sở này, Bộ Công Thương đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch địa điểm xây dựng Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 tại Quyết định số 6070/QĐ-BCT ngày 17/6/2015. Ngày 16/7/2015, EVN, EVNNPB đã phối hợp với UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức hội nghị công bố quy hoạch điều chỉnh địa điểm xây dựng Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 và triển khai cắm mốc ranh giới điều chỉnh quy hoạch địa điểm. Tại hội nghị, người dân đồng tình ủng hộ và mong muốn triển khai dự án được sớm hơn.
“Hiện tại, hồ sơ SAD, báo cáo F/S của Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 được EVN chính thức trình Chính phủ vào đầu tháng 9/2015, dự kiến, tháng 3/2016, báo cáo này mới được phê duyệt để triển khai các bước tiếp theo”- ông Lâm cho hay.
Về Dự án Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 2, vào tháng 9/2011, EVN đã ký hợp đồng dịch vụ tư vấn với Công ty Điện nguyên tử Nhật Bản (JAPC) để lập hồ sơ SAD và báo cáo F/S. Nguồn tài chính cho hợp đồng là khoản viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản. Hiện tại, vẫn còn một số khảo sát phải bổ sung, liên quan đến địa điểm xây dựng. Theo dự kiến, cuối năm nay mới hoàn thành hồ sơ phê duyệt địa điểm và báo cáo nghiên cứu khả thi để thực hiện các thủ tục trình duyệt vào năm 2016.
Cũng theo ông Lâm, theo dự kiến, mỗi nhà máy ĐHN tại Ninh Thuận cần khoảng 1.100 cán bộ, nhân viên, trong đó khoảng 500 người yêu cầu tốt nghiệp cử nhân và kỹ sư trở lên, chiếm 40% đội ngũ vận hành. Để chuẩn bị đội ngũ nhân lực này, từ năm 2010 đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cử 323 sinh viên đi học ở Nga và 236 người trong đó đã cam kết sẽ về làm việc cho Dự án Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1.
Ông Lâm khẳng định, phát triển ĐHN là một trong những ứng dụng then chốt của việc ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình, hòa nhập với xu thế hiện nay và tương lai trong khu vực và thế giới. EVN đang nỗ lực triển khai công tác chuẩn bị hạ tầng cơ sở, chuẩn bị nguồn nhân lực xây dựng và vận hành hai nhà máy ĐHN đầu tiên ở Việt Nam. EVN và các đơn vị sẽ tích cực thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư đảm bảo theo đúng các quy định, các yếu tố về an toàn kỹ thuật. Mục tiêu cao nhất là nhằm đưa ĐHN trở thành nguồn năng lượng an toàn, tin cậy, bổ sung cho công suất nguồn điện của cả nước, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Dự kiến, vào cuối năm nay, Dự án khu quản lý vận hành Nhà máy ĐHN Ninh Thuận sẽ được khởi công. Đây là khu trụ sở của Ban quản lý dự án cũng như nơi ở của cán bộ, nhân viên quản lý nhà máy.
Theo: Báo Công thương