Ảnh minh họa
Theo truyền thông Ai Cập, quốc gia này đang nỗ lực khai thác và tập trung nhiều hơn vào các nguồn năng lượng tái tạo. Hồi đầu năm nay, Ai Cập từng công bố dự án xây dựng nhà máy điện Mặt Trời Benban lớn nhất thế giới.
Dự án đầy tham vọng này sẽ cung cấp khoảng 1,6 - 2 GW điện năng cho Ai Cập vào giữa năm 2019. Các quan chức nước này tin rằng, dự án sẽ sản xuất khoảng 20% điện năng của Ai Cập thông qua năng lượng tái tạo vào giữa năm 2020, đem lại giải pháp điện năng thân thiện với môi trường và giá cả phải chăng.
Tuy nhiên, Ai Cập cũng nhận ra sự cần thiết phải tạo dựng một mạng lưới để thúc đẩy các thành quả năng lượng Mặt Trời, trong nỗ lực đưa các khoản đầu tư tới nước này, đặc biệt khi dự án năng lượng Mặt Trời cùng với những chương trình kích thích kinh tế gần đây, đã biến Ai Cập trở thành một môi trường đầu tư hấp dẫn.
Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Mặt Trời Trung Đông (MESIA) Ahmed Nada cho biết, sự quan tâm trên thị trường quang điện Ai Cập thực tế đã bắt đầu từ hơn ba năm trước.
Ai Cập công bố chương trình phát triển năng lượng Mặt Trời hồi năm 2014 và tại thời điểm đó, quốc gia này gặp nhiều vấn đề trong lĩnh vực điện năng. Vì thế, bất kỳ cơ hội phát triển điện năng nào, cho dù là năng lượng tái tạo hay không thể tái tạo, đều thu hút sự chú ý của dư luận Ai Cập.
Tuy nhiên, Ai Cập cũng đang phải đối mặt với một số vấn đề nghiêm trọng khi triển khai các dự án quang điện như tính pháp lý tài chính của các văn bản dự án quang điện.
Đây được coi là những điều mới mẻ tại Ai Cập và không phải ai cũng có chuyên môn để xây dựng các văn bản pháp lý này như Thỏa thuận Mua bán quang điện, Thỏa thuận truyền tải hay Thỏa thuận đất đai cho dự án quang điện…
Bên cạnh đó, giải quyết “bài toán” việc làm và giá điện thấp, để phát huy hết tiềm năng của thị trường quang điện cũng là vấn đề nan giải mà Ai Cập phải lựa chọn.
Một số quốc gia đặt mục tiêu giải quyết bài toán giá điện thấp trước, trong khi các quốc gia khác tập trung vào tạo cơ hội việc làm cho người lao động trên thị trường điện năng, cho dù điều đó có thể đẩy giá điện tăng cao hơn để khuyến khích sản xuất.
Theo các chuyên gia, Ai Cập cho đến nay vẫn đang cố gắng cân bằng cả hai, song về lâu dài, nước này sẽ phải lựa chọn một trong hai kịch bản. Bất chấp những thách thức đó, các nhà đầu tư vẫn coi Ai Cập là trung tâm phát triển năng lượng tái tạo vì một số lý do.
Trước hết, Ai Cập là một quốc gia rộng lớn, vì thế về mặt tự nhiên, quy mô diện tích của nước này là một điểm đáng chú ý.
Thứ hai, do nhu cầu năng lượng tại Ai Cập là rất đáng kể, nên quốc gia này đã phải khám phá các giải pháp năng lượng, từ năng lượng hóa thạch, điện Mặt Trời cho đến năng lượng gió. Vì thế, mọi “người chơi” trên thị trường năng lượng Ai Cập đều có không gian và dư địa cần thiết để phát triển.
Thứ ba, vấn đề cải cách cũng là yếu tố nền tảng để thu hút các nhà đầu tư. Về cơ bản, Ai Cập đã nhận ra sự cần thiết phải cải cách chính sách trợ giá và cấu trúc biểu thuế để không chỉ đem lại lợi ích cho ngành điện năng nói riêng mà còn toàn bộ nền kinh tế nói chung.
Theo Chủ tịch Ahmed Nada, đây cũng điểm mà vai trò của MESIA được phát huy, nhằm đưa các chuyên gia cùng nghiên cứu những vấn đề pháp lý mà ngành năng lượng Mặt Trời Ai Cập đang phải đối mặt và chuyển các giải pháp tới chính phủ.
Chia sẻ quan điểm trên, Giám đốc các dự án năng lượng tái tạo tại Công ty truyền tải điện Ai Cập, Lamiaa Youssef, tin tưởng rằng, cải cách là điều cần thiết để thu hút các nhà đầu tư nhiều hơn nữa.
Hiện Ai Cập đang hoàn tất các thỏa thuận liên kết năng lượng với CH Cyprus, Hy Lạp và Saudi Arabia. Điều này sẽ thực sự biến Ai Cập trở thành một trung tâm năng lượng.
Trong khi đó, Daniel Fuchs, Phó Chủ tịch Liên minh đa quốc gia các tập đoàn năng lượng Mặt Trời (Joint Forces for Solar) cho rằng, đây là thời điểm tốt để thúc đẩy Ai Cập trở thành một trung tâm về năng lượng tái tạo.
Thị trường và tiềm lực công nghệ đang song hành tại Ai Cập, và đó là điều quan trọng nhất để giúp quốc gia Bắc Phi này đạt được sự độc lập về năng lượng.