Tin thế giới

Thách thức trong phát triển năng lượng bền vững của ASEAN (Phần 1)

Thứ năm, 6/12/2018 | 09:35 GMT+7
Thời gian gần đây, việc phát triển năng lượng bền vững hay năng lượng tái tạo luôn là chủ đề thu hút sự quan tâm của nhiều người trong bối cảnh khí hậu toàn cầu đang diễn biến hết sức phức tạp.
Thách thức trong quá trình phát triển năng lượng bền vững
 
Trang mạng ASEAN Post mới đây đăng bài viết của tác giả Angaindrankumar Gnanasagaran, bàn về những khó khăn và thách thức mà các quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) phải đối mặt trong quá trình xây dựng nguồn năng lượng bền vững, đáp ứng nhu cầu sử dụng năng lượng của mỗi quốc gia trong quá trình phát triển đất nước.
 
Sự nóng lên của Trái Đất hay nói cách khác hiện tượng biến đổi khí hậu trên toàn cầu đang đe dọa đến môi trường sống của nhân loại và con người đang chạy đua với thời gian để giảm thiểu những tác động tiêu cực mà nó gây ra.
 
Chính điều này đã khiến ASEAN gặp khó khăn trong quá trình phát triển. Các quốc gia thành viên ASEAN phải đối mặt với một thực tế rằng Đông Nam Á là một khu vực năng động, đang phát triển nhanh, đồng nghĩa với việc nhu cầu sử dụng năng lượng cũng ngày càng tăng cao. 
 
Và bài toán đặt ra cho ASEAN là phải làm gì khi vừa đáp ứng được nhu cầu sử dụng năng lượng trong quá trình phát triển, đồng thời phải duy trì được phát triển một cách bền vững.
 
Để giải quyết vấn đề này, ASEAN đã đưa ra nhiều giải pháp, sử dụng nhiều công cụ và cơ chế trong khu vực. Một trong số đó là Kế hoạch hành động hợp tác năng lượng ASEAN (APAEC) giai đoạn 2016-2025. Mục đích ASEAN đưa ra kế hoạch này là nhằm tìm các giải pháp đạt được mục tiêu an ninh năng lượng bền vững.
 
APAEC bao gồm các hoạt động hợp tác trên nhiều lĩnh vực bao gồm kết nối năng lượng xuyên biên giới, chính sách năng lượng khu vực, phát triển năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân… Dự kiến, đến năm 2025, các nước thành viên ASEAN sẽ tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo chung lên 23% trong phạm vi sử dụng năng lượng của khu vực.
 
Tuy nhiên, đây mới chỉ là việc thống nhất và ký kết thực hiện ở giai đoạn đầu. Để đảm bảo thực hiện đúng và có hiệu quả đòi hỏi các quốc gia thành viên ASEAN phải nỗ lực rất nhiều vì trong quá trình thực hiện sẽ gặp rất nhiều khó khăn và trở ngại.
 
Một trong những trở ngại chính phải kể đến là mức chi phí tốn kém khi chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo. Một số dự án năng lượng tái tạo đòi hỏi mức đầu tư rất lớn do vậy các quốc gia phải xác định rõ kế hoạch cụ thể, đồng thời phải biết cách tận dụng lợi thế trên từng lĩnh vực cụ thể.
 
Theo các chuyên gia, Indonesia và Malaysia là hai quốc gia có tiềm năng năng lượng sinh học nhất tại khu vực Đông Nam Á vì đây là hai quốc gia sản xuất dầu cọ lớn hàng đầu thế giới. Trong khi đó, nguồn thủy điện lại tập trung chủ yếu ở khu vực Đông Dương và một phần của Malaysia và Philippines.
 
Tại các vùng cao nguyên của Thái Lan, Việt Nam và Philippines lại dồi dào tiềm năng năng lượng gió. Và năng lượng Mặt Trời, nguồn năng lượng tái tạo dồi dào nhất hầu như có tại tất cả các quốc gia trong khu vực ở Đông Nam Á
Theo: BNews/TTXVN