Trạm điện mặt trời của Công ty Kyocera thả nổi trên mặt hồ thủy lợi sử dụng 9.072 tấm thu năng lượng mặt trời - Ảnh: Kyocera
Theo Japan Times, sau khi việc xây dựng hoàn tất vào cuối tháng 5, trạm sản xuất điện mặt trời ở phía tây Nhật Bản của Công ty Kyocera đã bắt đầu đi vào hoạt động từ trung tuần tháng 6-2015.
Trạm điện mặt trời đó được thả nổi trên mặt nước hồ thủy lợi gần tỉnh Hyogo. Trạm sử dụng 9.072 tấm thu năng lượng mặt trời không thấm nước lắp trên tấm nổi làm từ chất liệu mảng chống thấm HDPE. Trạm dài 333m, rộng 77m (tổng diện tích bề mặt hấp thụ ánh nắng là 25.000m2).
Theo thiết kế, Công ty Kyocera cho biết trạm điện mặt trời này sẽ tạo ra sản lượng điện hằng năm khoảng 2.680 MWh, đáp ứng nhu cầu của 820 hộ. Trạm sẽ bán điện cho Công ty điện lực Kansai ở Osaka với tổng giá trị khoảng 96 triệu yen (780.000 USD) mỗi năm.
Đây là trạm điện mặt trời thả nổi trên mặt nước thứ ba của Công ty Kyocera. Hai trạm trước đó lắp đặt trên các vùng nước nhỏ hơn từ đầu năm 2015. Công ty Kyocera dự kiến sẽ xây dựng hàng chục trạm điện mặt trời như thế trên các hồ thủy lợi khắp Nhật Bản, nhất là những nơi thiếu đất.
Một lợi ích thấy rõ của các trạm điện mặt trời thả nổi là rất tiết kiệm. Nước phía dưới giúp làm mát hệ thống và do đó hiệu suất sản xuất điện cao hơn so với trên mặt đất.
Những trạm điện thả nổi còn giúp giảm bớt hai vấn đề các hồ thủy lợi thường xuyên gặp phải là tình trạng bốc hơi nước
và rong tảo phát triển.
Tháng 3 năm tới, Công ty Kyocera sẽ tiếp tục khởi công xây dựng một trạm điện mặt trời khác trên hồ thủy lợi Yamakura của tỉnh Chiba. Theo thiết kế, nhà máy này sẽ có sản lượng điện hằng năm khoảng 15.635 MWh.
Những trạm điện mặt trời như thế này hoàn toàn phù hợp với chiến lược năng lượng của Nhật Bản sau thảm họa động đất kèm sóng thần tại Fukushima. Quốc gia này dự định vào năm 2030 sẽ tăng gấp đôi nguồn năng lượng có thể tái tạo.
Theo: Tuổi trẻ