Cả 6 tổ máy của NMTĐ Sơn La đều sẵn sàng vận hành tối đa trong mùa mưa bão bắt đầu từ 15/6/2021.
PV: NMTĐ Sơn La và Lai Châu là 2 công trình thủy điện lớn của nước ta và là 2 công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia? Vậy trước mùa mưa bão năm nay (ngày 15/6), đơn vị đã có sự chuẩn bị như thế nào?
Ông Lưu Khánh Toàn: Công tác chuẩn bị ứng phó trước mùa mưa bão theo phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng” đã cơ bản đáp ứng yêu cầu, kịp thời ứng phó khi có thiên tai xảy ra.
Cụ thể, ngay từ đầu năm 2021, Công ty đã xây dựng kế hoạch triển khai công tác PCTT&TKCN trong đó có phân giao công việc cụ thể đến từng đơn vị để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả. Kiện toàn Ban Chỉ huy, các đội xung kích PCTT&TKCN Công ty. Công ty lập báo cáo gửi các cơ quan ban ngành trước mùa mưa bão đầy đủ theo quy định của pháp luật như báo cáo hiện trạng an toàn đập, hồ chứa tại Thủy điện Sơn La và thủy điện Lai Châu; báo cáo đánh giá an toàn đập trước mùa mưa lũ phục vụ hội đồng tư vấn đánh giá an toàn đập, hồ chứa trên bậc thang thủy điện Sông Đà…
Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương thuộc các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu thông qua các quy chế phối hợp được cập nhât, bổ sung hàng năm. Xây dựng và trình các cơ quan ban ngành phê duyệt phương án bảo vệ đập, hồ chứa tại Thủy điện Sơn La và Thủy điện Lai Châu.
Công ty đã tổ chức kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng các thiết bị công nghệ như bảo dưỡng hệ thống tự dùng nhà máy, công trình xả lũ, các trạm bơm tiêu thoát nước, hệ thống camera, loa phóng thanh, hệ thống chiếu sáng, hệ thống tiếp địa, chống sét, phương tiện trước mùa mưa lũ đảm bảo yêu cầu khi huy động. Từ 01/5/2021 Công ty tổ chức trực PCTT&TKCN 24/24 giờ, gồm ban chỉ huy, các đội xung kích PCTT&TKCN của Công ty, với số lượng người đảm bảo yêu cầu khi huy động.
PV: Đối với bà con nhân dân vùng hạ du thủy điện, công tác tuyên truyền vận động thu dọn lòng sông được Công ty phối hợp với chính quyền địa phương triển khai như thế nào?
Ông Lưu Khánh Toàn: Công tác tuyên truyền đảm bảo an toàn vùng hạ du 2 công trình được Công ty phối hợp với chính quyền địa phương triển khai định kỳ hàng năm. Công ty đã trang bị 14 trạm cảnh báo hạ du tại Sơn La, 5 trạm cảnh báo hạ du tại Lai Châu để kịp thời thông báo, cảnh báo đến bà con nhân dân các thông báo khi tổ máy thay đổi chế độ, thay đổi lưu lượng tổ máy và khi thực hiện thao tác đóng/mở cửa xả điều tiết hồ chứa để bà con nhân dân kịp thời rút khỏi, thu dọn các dụng cụ đánh bắt cá khỏi lòng sông để đảm bảo an toàn tính mạng bản thân cũng như tài sản.
Từ ngày 15/5/2021, Công ty đã thực hiện phát thông báo đến các trạm cảnh báo hạ du vào các khung giờ 16h00, 17h00 hàng ngày tại hai nhà máy để thông báo đến nhân dân tuyên truyền, giáo dục các cháu nhỏ không tắm, bơi lội, không đi qua các đoạn sông cạn, không sinh hoạt ven bờ sông và tại khu vực lòng sông hạ lưu Nhà máy để đảm bảo an toàn cho bản thân.
Hàng năm Công ty đều phối hợp với các cấp chính quyền địa phương thực hiện khảo sát, lựa chọn địa điểm, hình thức tuyên truyền tới bà con nhân dân, các em học sinh, các đoàn viên thanh niên về công tác đảm bảo an toàn hạ du Công trình thủy điện Sơn La, Lai Châu. Trong chương trình tuyên truyền Công ty đã đưa ra nhiều hình thức tuyên truyền phù hợp với đặc điểm địa phương như: phát tờ rơi, giới thiệu qua video, hình ảnh, thuyết trình slide và đặc biệt là Công ty phối hợp với Đài truyền thanh địa phương để phát thông tin cảnh báo, các hành vi nghiêm cấm để đảm bảo an toàn vùng hạ du trên toàn huyện Mường La - Sơn La, Nậm Nhùn - Lai Châu.
PV: Công ty đã có giải pháp gì để tính toán lưu lượng nước thực nhằm khai thác hiệu quả, tránh xả thừa gây lãng phí tài nguyên?
Ông Lưu Khánh Toàn: Để đảm bảo tuân thủ Quy trình điều tiết liên hồ chứa và vẫn giảm thiểu mức độ xả thừa, Công ty đã chủ động đẩy mạnh ứng dụng KHCN, nắm bắt dự báo được chuẩn xác lượng nước về hồ phục vụ tính toán cân bằng nước, khai thác tối ưu nguồn tài nguyên nước phục vụ cho phát điện.
Giai đoạn 1, Công ty đã lập trạm quan trắc lưu lượng nơi thượng nguồn sông Đà từ năm 2018 và thuê dịch vụ cung cấp số liệu quan trắc 20 điểm đo tự động trên lưu vực (các vị trí còn thiếu điểm đo mưa mà ngành KTTV chưa được trang bị).
Giai đoạn 2, Công ty được Tập đoàn giao nhiệm vụ thực hiện triển khai hai Đề án: Đề án mua sắm số liệu khí tượng thủy văn: Sẽ thực hiện lắp đặt bổ sung mạng lưới trạm quan trắc kết hợp với mạng lưới trạm KTTV hiện có của ngành KTTV để có được đầy đủ cơ sở dữ liệu đầu vào cho công tác dự báo lưu lượng về hồ được chuẩn xác phục vụ vận hành các hồ chứa theo thời gian thực. Mạng lưới trạm KTTV được bổ sung trong Đề án là lắp đặt 81 trạm đo mưa tự động, 16 trạm thủy tự động, 02 trạm ra đa tại Mường Tè và Mộc Châu. Bên cạnh việc khai thác các bản tin dự báo do Trung tâm dự báo Quốc gia thực hiện, thì còn sử dụng bản tin của một đơn vị Nhật Bản về dự báo mưa (WNI) trên lưu vực sông Đà và sông Gâm. Hiện nay Đề án đã trình Tập đoàn xem xét phê duyệt thực hiện trong năm 2021.
Trước những tồn tại của Quy trình vận hành liên hồ như đã nêu trên và dữ liệu của Đề án mua sắm số liệu KTTV sẽ đầu vào cho việc thiết lập quy trình vận hành liên hồ chứa theo thời gian thực. Do đó, Công ty được Tập đoàn giao nhiệm vụ phối hợp với Viện Tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và môi trường) xây dựng đề cương điều chỉnh quy trình điều tiết liên hồ để trình Thủ Tướng phê duyệt. Hiện nay, đang triển khai giai đoạn lập và hoàn thiện Đề án.
PV: Công ty vừa được Tập đoàn giao đưa vào vận hành Trung tâm kiểm soát an toàn công trình trên bậc thang thủy điện sông Đà. Mục tiêu của Trung tâm này là gì?
Ông Lưu Khánh Toàn: Trên hệ thống bậc thang thủy điện sông Đà, Tập đoàn đang quản lý và vận hành 5 công trình của 3 công ty thủy điện là Công ty Thủy điện Sơn La, Công ty Thủy điện Huội Quảng - Bản Chát và Công ty Thủy điện Hòa Bình. Các công trình thủy điện trên đều là các công trình đa mục tiêu với các nhiệm vụ chính là điều tiết lũ, cung cấp nước cho hạ du, đảm bảo giao thông phía hạ du vào mùa kiệt và phát điện cho hệ thống quốc gia.
Các công trình trên bậc thang thủy điện sông Đà thuộc EVN quản lý, vận hành đều là các công trình với các đập có chiều cao đều trên 100m với nhiều dạng kết cấu đập khác nhau, thuộc loại đập lớn trên thế giới. Việc Tập đoàn đi đầu trong công tác thí điểm xây dựng Trung tâm Kiểm soát an toàn công trình trên bậc thang thủy điện sông Đà giao cho Công ty thủy điện Sơn La thể hiện trách nhiệm của Tập đoàn với sự an toàn vùng hạ lưu.
Việc Trung tâm đi vào hoạt động với định hướng quản lý tập trung nguồn dữ liệu, ứng dụng chuyển đổi số kết hợp với việc liên kết với các chuyên gia trong công tác thu thập, phân tích đánh giá và xử lý số liệu chuyên nghiệp, đảm bảo tính khách quan, trung thực là công cụ giúp EVN và Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai ra quyết định vận hành hồ chứa trong mùa lũ linh hoạt, phù hợp với dự báo theo thời gian thực. Cùng với đó sẽ đem lại lợi ích tổng hợp cao hơn cho hệ thống bậc thang thủy điện trên sông Đà góp phần đáng kể cho hệ thống điện quốc gia. Kết quả của việc quản lý vận hành an toàn các công trình đập, hồ chứa tập trung sẽ là một cơ sở để các cấp có thẩm quyền cho phép điều chỉnh Quy trình vận hành hồ chứa và liên hồ chứa theo thời gian thực.
PV: Quản lý vận hành 2 công trình trên bậc thang sông Đà, Công ty sẽ phối hợp như thế nào với các nhà máy thủy điện trên bậc thang sông Đà?
Ông Lưu Khánh Toàn: Trên bậc thang thủy điện sông Đà gồm 5 công trình thủy điện, trong đó 3 công trình trên dòng chính sông Đà là Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu. Hai công trình trên nhánh sông Nậm Mu (phụ lưu cấp 1) là Huội Quảng, Bản Chát.
Công ty được Tập đoàn giao nhiệm vụ quản lý vận hành hai công trình Sơn La, Lai Châu là hai bậc thang trên cùng trực tiếp chịu ảnh hưởng vận hành của các hồ chứa bên Trung Quốc. Để chủ động trong công tác vận hành kiểm soát được lượng nước từ bên thượng nguồn và diễn biến mưa trên lưu vực, Công ty đã lắp đặt một trạm thủy văn Kẻng Mỏ nơi thượng nguồn sông Đà và 20 điểm đo mưa trên lưu vực của hai công trình Sơn La, Lai Châu (trong đó có 05 trạm trên lưu vực hồ Bản Chát).
Các nhà máy đều trực thuộc quản lý của Tập đoàn nên việc phối hợp cung cấp trao đổi thông tin giữa Công ty với các nhà máy trên bậc thang luôn được kịp thời và chuẩn xác, đồng thời Công ty xây dựng quy chế phối hợp giữa công ty với các đơn vị khác. Do đó, tính toán được cân bằng nước trên toàn bậc thang và cùng với các nhà máy đề xuất, tham vấn cho Tập đoàn có ý kiến với Ban chỉ đạo PCTT Trung ương ra quyết định vận hành xả lũ được phù hợp nhất đảm bảo mục tiêu kép là an toàn công trình và khai thác tối ưu nguồn nước sử dụng cho phát điện.
PV: Xin cảm ơn ông!