Tin thế giới

Nhà sản xuất máy biến áp lớn nhất thế giới cảnh báo về tình trạng thiếu hụt nguồn cung toàn cầu

Thứ năm, 14/11/2024 | 10:50 GMT+7
Nhà sản xuất máy biến áp lớn nhất thế giới - Hitachi Energy cảnh báo ngành công nghiệp này đang “quá tải” và không đủ khả năng đáp ứng kịp nhu cầu thiết bị lưới điện tăng vọt.

Nhà sản xuất máy biến áp lớn nhất thế giới cảnh báo về tình trạng thiếu hụt nguồn cung toàn cầu.

Tình trạng này có nguy cơ gây chậm trễ cho các dự án hạ tầng quan trọng – đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng thị phần năng lượng tái tạo trên toàn cầu.

Andreas Schierenbeck, giám đốc điều hành của Hitachi Energy cho biết các nhà sản xuất máy biến áp đang phải nỗ lực tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu nâng cấp lưới điện. Nhu cầu này đang ngày càng gia tăng do sự mở rộng của các trung tâm dữ liệu trí tuệ nhân tạo (AI), khiến nguồn cung trở nên căng thẳng.

“Việc tăng công suất là một thách thức lớn, không hề dễ dàng và có thể sẽ không thể tăng đủ nhanh,” Schierenbeck cho biết trong cuộc phỏng vấn với Financial Times.

Máy biến áp là thiết bị quan trọng giúp thay đổi điện áp của dòng điện, cho phép điện được truyền tải hiệu quả từ nhà máy đến các khách hàng cuối. Quá trình truyền tải điện hiệu quả đòi hỏi sự thay đổi từ điện áp cao (để truyền xa) xuống điện áp thấp hơn (an toàn cho sử dụng) tại các điểm tiêu thụ.

Máy biến áp thường có kích thước lớn, trọng lượng từ 400 đến 500 tấn. Sản xuất chúng đòi hỏi lực lượng lao động lớn, cùng với các máy móc chuyên dụng như máy quấn dây, vốn là thiết bị phức tạp, hiếm và khó tìm nguồn cung. Việc tìm mua và lắp đặt đầy đủ các máy quấn này có thể mất nhiều năm, dẫn đến việc mở rộng công suất sản xuất gặp trở ngại.

Ngoài ra, các nhà sản xuất cũng thận trọng khi đầu tư mở rộng quy mô sản xuất máy biến áp do chi phí đầu tư rất cao và có nhiều rủi ro khi nhu cầu thay đổi đột ngột trong tương lai

Với sự hỗ trợ từ thương vụ mua lại ABB Power Grids vào năm 2020 trị giá 11 tỷ đô la, Hitachi Energy đã trở thành động lực tăng trưởng chính của tập đoàn Hitachi, Nhật Bản. Đơn vị này đặt mục tiêu tăng doanh thu thêm từ 1 đến 2 tỷ đô la mỗi năm để đạt 30 tỷ đô la vào khoảng năm 2030, tăng mạnh từ mức 13 tỷ đô la hiện tại.

Trước đây, nguồn cung máy biến áp luôn ở trong tình trạng dư thừa nhiều năm, nguồn hàng luôn có sẵn trong vòng 6 đến 8 tháng. Tuy nhiên, nhu cầu tăng vọt gây áp lực lên các nhà cung cấp để đáp ứng kịp thời cho các khách hàng. Theo ước tính của Công ty tư vấn Rystad Energy, quy mô của thị trường này sẽ tăng từ 48 tỷ đô la lên 67 tỷ đô la vào năm 2030.

Schierenbeck cho biết rằng hiện nay, các công ty năng lượng muốn mua thiết bị quan trọng như máy biến áp sẽ phải đợi từ ba đến bốn năm nếu họ chưa đặt hàng trước. Đây là một nút thắt nghiêm trọng trong chuỗi cung ứng, gây khó khăn cho các hệ thống điện vốn đang phải tăng cường sản xuất và hiện đại hóa hạ tầng cũ.

Một thách thức đặc biệt nữa đó là việc mở rộng năng lượng tái tạo trong cơ cấu điện của một số thị trường. Năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời thường được sản xuất ở những khu vực xa trung tâm dân cư so với các nhà máy điện truyền thống. Vì vậy, để truyền tải điện từ các nguồn này đến khách hàng, cần nhiều thiết bị truyền tải hơn, bao gồm cả máy biến áp.

Nhu cầu cấp thiết hiện tại là nâng cấp lưới điện để giải quyết hàng loạt dự án mới cần kết nối vào mạng lưới. Các cơ quan quản lý đang đối mặt với một nhiệm vụ lớn khi phải cải tổ hệ thống điện để đáp ứng quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch quy mô lớn.

Theo Edvard Christoffersen, nhà phân tích chuỗi cung ứng cấp cao tại Rystad Energy, ngành công nghiệp máy biến áp đang chịu áp lực chưa từng có. Ông ước tính giá máy biến áp đã tăng 40% kể từ năm 2019 và tình trạng thiếu hụt sẽ kéo dài ít nhất đến cuối năm 2026.

Phòng Thí nghiệm Năng lượng Tái tạo Quốc gia Hoa Kỳ (NREL) cảnh báo một "sự mất cân bằng chưa từng có giữa cung và cầu" đối với máy biến áp. Đồng thời, Hội đồng cố vấn cơ sở hạ tầng quốc gia của Tổng thống Hoa Kỳ gọi đây là tình trạng "nghiêm trọng" trong một báo cáo, cho thấy mức độ khẩn cấp của vấn đề đối với cơ sở hạ tầng điện quốc gia.

Hitachi Energy đang đầu tư 6 tỷ đô la và dự kiến sẽ tuyển dụng thêm 15.000 nhân viên để mở rộng năng lực sản xuất và cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho mảng lưới điện trong vòng ba năm tới. Toàn bộ sản lượng tăng thêm từ các nhà máy mới đều đã được khách hàng đặt trước.

Schierenbeck bác bỏ lo ngại về tình trạng dư thừa công suất sản xuất trong ngành, cho rằng thị trường vẫn sẽ giữ được cân bằng trong tương lai gần. Ông cũng lưu ý rằng phải mất khoảng bốn năm để xây dựng một nhà máy mới từ đầu, vì vậy công ty không thể tăng sản lượng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng của thị trường.

Schierenbeck không cho rằng các đối thủ cạnh tranh từ Trung Quốc sẽ nhanh chóng trở thành mối đe dọa, mặc dù xuất khẩu từ Trung Quốc đang tăng. Phần lớn năng lực sản xuất của Trung Quốc được xây dựng để phục vụ nhu cầu trong nước, không phải để xuất khẩu, nên ít khả năng tạo ra áp lực cạnh tranh lớn trên thị trường quốc tế trong thời gian tới.

Theo: EVN