Chúng thường là cổ phiếu của các công ty danh tiếng, có doanh thu ổn định và không có nợ quá mức cho phép.
Khi muốn đầu tư vào một cổ phiếu tương đối an toàn, ổn định, có độ rủi ro thấp thì cổ phiếu blue-chip luôn là lựa chọn số 1, cho dù giá cổ phiếu loại này tương đối cao. Chúng thường có giá cao, vì nhà đầu tư tin tưởng vào doanh thu ổn định của công ty đó trong thời gian dài.
Một thuật ngữ nữa tương đương với cổ phiếu blue-chip là cổ phiếu dẫn dắt thị trường: đó là cổ phiếu của một công ty được công nhận là công ty hàng đầu trong lĩnh vực hoạt động của mình.
Trên hai sàn hiện nay, các cổ phiếu blue-chip được biết đến nhiều hơn, vì chúng là cổ phiếu của các công ty có lượng vốn hóa thị trường đặc biệt lớn, về cả số lượng cổ phiếu niêm yết và thị giá. Theo một cách hiểu khác, cổ phiếu blue-chip là cổ phiếu của các công ty có giá trị vốn hóa thị trường lớn. Ví dụ, trên 1.000 tỷ đồng, tính đến ngày 30/1/2008, có 58/271 công ty trên hai sàn đạt tiêu chí này; hay trên 10.000 tỷ đồng, con số rút gọn lại chỉ còn 12/271 công ty.
Nhà đầu tư hẳn không còn xa lạ với các mã ACB, STB, DPM, VNM, PPC, SSI, FPT, PVD, HPG, ITA và nhiều tên tuổi khác vẫn được coi là các cổ phiếu blue-chip trên TTCK Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian qua chính là giai đoạn thử thách giá trị thực sự của những cổ phiếu blue-chip này.
Có thể coi đây là giai đoạn thị trường đánh giá lại giá trị của các cổ phiếu blue-chip. Khi thị trường hồi phục thì cổ phiếu blue-chip sẽ hồi phục nhanh chậm khác nhau, có nhiều loại hồi phục chậm tới mức làm nản lòng nhà đầu tư.
Theo: Tin nhanh CK