Lượng cổ phiếu được phép mua theo quyền này tương ứng với tỷ lệ cổ phiếu đang nắm giữ. Như vậy, quyền này cho phép cổ đông hiện hữu duy trì tỷ lệ sở hữu của mình trong công ty, sau khi công ty tăng thêm vốn.
Mỗi cổ phiếu đang nắm giữ mang lại cho cổ đông một quyền mua trước. Số lượng quyền cần có để mua một cổ phiếu mới được quy định trong từng đợt chào bán, cùng với giá mua, thời hạn của quyền mua và ngày phát hành cổ phiếu mới.
Ví dụ: Ngày 11/1/2008, CTCP Vincom thông báo phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ phân bổ quyền 2:1 (cổ đông sở hữu 2 quyền mua sẽ được mua thêm 1 cổ phiếu). Quyền mua được phép chuyển nhượng một lần. Thời gian chuyển nhượng quyền mua cổ phiếu: từ ngày 13/2 đến ngày 7/3/2008. Ngày phát hành cổ phiếu mới (dự kiến) là ngày 29/4/2008.
Cổ phiếu bán theo quyền thường có mức giá thấp hơn so với giá thị trường hiện hành. Khi cổ đông thực hiện quyền, công ty sẽ huy động được thêm vốn. Nếu cổ đông không muốn thực hiện quyền thì họ có thể bán quyền trên thị trường trong thời gian chuyển nhượng quyền mua được quy định trong thông báo.
Thông thường, khi thị trường khởi sắc, quyền mua cổ phiếu sẽ là một lợi thế để các cổ đông hiện hữu tận dụng mua được cổ phiếu mới với giá ưu đãi. Tuy nhiên, khi thị trường liên tục mất điểm và điều chỉnh sâu thì các cổ đông hiện hữu sẽ không muốn tận dụng quyền này để tăng số lượng cổ phiếu của mình, mà thường sẽ bán quyền lấy tiền mặt.
Giá của quyền tính bằng chênh lệch giữa giá thị trường hiện hành của cổ phần đang lưu hành và giá mua cổ phần mới theo quyền, chia cho số lượng quyền cần có để mua một cổ phần mới.
Giá của quyền được xác định theo công thức: Vr = P0 - Pn/r. Trong đó:
Vr: giá trị của một quyền.
P0: giá thị trường của cổ phiếu đang lưu hành.
Pn: giá thực hiện cổ phiếu mới.
r: số quyền cần có để mua một cổ phiếu mới.
Giá quyền có thể lên hoặc xuống trong khoảng thời gian chào bán do giá thị trường của cổ phiếu tăng hoặc giảm.
Theo: Tin nhanh CK