Tin trong nước

Nhanh chóng giải quyết khó khăn, vướng mắc, đảm bảo hành lang an toàn lưới điện

Thứ sáu, 12/5/2023 | 09:22 GMT+7
Chiều 11-5, ông Mai Xuân Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì, tổ chức họp Ban chỉ đạo bảo vệ an toàn lưới điện cao áp tỉnh Thanh Hóa. 

Ông Mai Xuân Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu tham dự hội nghị.

Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Tổng công ty Điện lực miền Bắc, Công ty Điện lực Thanh Hóa, thành viên Ban chỉ đạo bảo vệ an toàn lưới điện cao áp tỉnh Thanh Hóa và Điện lực các huyện, thị xã, thành phố.

Năm 2022, toàn tỉnh xảy ra 104 vụ sự cố do vi phạm hành lang an toàn lưới điện, giảm 608 vụ so với năm 2021; 3 vụ tai nạn điện trong dân, giảm 8 vụ so với năm 2021. Đối với 4 tháng đầu năm 2023, đã chặt 3.830/53.665 cây, xử lý 5 vị trí vi phạm khoảng cách pha - đất tại các đơn vị. Đồng thời, số vụ sự cố lưới điện đã giảm 32 vụ so với cùng kỳ năm 2022. Đi đôi với đó, tình trạng gián đoạn cung cấp điện đột xuất do sự cố lưới điện cũng đã cải thiện đáng kể, đảm bảo được kế hoạch sản xuất kinh doanh của các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và sinh hoạt của nhân dân, đem lại sự hài lòng của khách hàng đối với ngành điện.

Đại diện lãnh đạo Công ty Điện lực Thanh Hóa phát biểu tại hội nghị.

Tuy nhiên, đến nay, trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại 2 vụ nhà ở công trình vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp, 16 vị trí vi phạm khoảng cách pha - đất tại 8 huyện, thị xã, thành phố, 1.909 khoảng cột còn tồn tại cây cối trong và ngoài hành lang và phát sinh các mối nguy tiềm ẩn như: Người dân vẫn tái trồng cây trong, ở gần hành lang lưới điện sau khi đã được đền bù giải phóng, chuyển đổi loại cây trồng từ cây ngắn ngày chiều cao thấp, hiệu quả kinh tế thấp bằng cây có chiều cao lớn, có nguy chạm vào dây dẫn gây sự cố và nguy cơ mất an toàn…

Đại diện lãnh đạo Tổng Công ty Điện lực miền Bắc phát biểu tại hội nghị.

Trong công tác quản lý, xử lý vi phạm hành lang an toàn lưới điện còn gặp một số khó khăn, như: Người dân vẫn trồng cây lấy gỗ, cây phát triển nhanh trong hành lang mặc dù đã được bền bù, hỗ trợ theo quy định; tự ý khai thác cây ở gần đường dây điện cao áp nhưng không thông báo cho đơn vị quản lý vận hành để được hướng dẫn và phối hợp thực hiện các biện pháp an toàn; các địa phương chưa quyết liệt trong việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp cố tình xây dựng nhà cửa, công trình vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp và đào đất gây sạt lở móng cột công trình điện; chủ dự án, chủ hộ không thực hiện các biện pháp an toàn hoặc không di chuyển đường dây điện, trạm biến áp ra khỏi mặt bằng nhà ở, khu dân cư trước khi thi công dự án…

Trước những khó khăn hiện nay, tại hội nghị, Công ty Điện lực Thanh Hóa, các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đã đưa ra các kiến nghị và giải pháp để thực hiện có hiệu quả công tác quản lý hành lang an toàn công trình điện, góp phần giảm sự cố, an toàn cho người dân và cung cấp điện ổn định, tin cậy trong thời gian tới.

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm đánh giá cao sự nỗ lực, trách nhiệm của các sở, ngành, đơn vị, các địa phương trên địa bàn tỉnh trong công tác bảo vệ hành lang an toàn lưới điện thời gian qua. Đồng thời, thống nhất những giải pháp thực hiện của Công ty Điện lực Thanh Hóa trong thời gian tới để thực hiện có hiệu quả công tác quản lý hành lang an toàn công trình điện.

Đồng thời yêu cầu Công ty Điện lực Thanh Hóa trong tháng 5-2023 lên kế hoạch tổ chức làm việc với các huyện, thị xã, thành phố, Điện lực các địa phương triển khai phát động các đợt ra quân giải phóng vi phạm hành lang, cây trồng ở gần đường dây điện có nguy cơ đổ, va quẹt gây sự cố lưới điện và báo cáo kết quả về UBND tỉnh trước ngày 15-7. Đối với các cột điện chưa được di dời, yêu cầu Công ty Điện lực Thanh Hóa thực hiện lắp đặt biển báo nguy hiểm để bảo đảm an toàn cho người dân.

Ông Mai Xuân Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận hội nghị.

Đối với các vi phạm đã được chỉ ra trong thời gian qua, ông cũng yêu cầu phải nhanh chóng đưa ra các giải pháp để giải quyết, chỉ rõ trách nhiệm thực hiện của các ngành, địa phương, đơn vị liên quan. Đề nghị Sở Công Thương, Sở Xây dựng nhanh chóng giải quyết các khó khăn, vướng mắc, vi phạm hành lang an toàn lưới điện do xây dựng và cấp phép công trình; Giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xem xét quy định việc được trồng các cây trong hành lang lưới điện và các cây ngoài hành lang gần đường dây điện, để người dân không được trồng cây lấy gỗ, cây phát triển nhanh trong và ngoài hành lang lưới điện.

Bên cạnh đó, các chủ đầu tư, nhà thầu trước khi thi công các dự án đường giao thông, san lấp mặt bằng các khu công nghiệp, làng nghề, khu dân cư, công trình ngầm tại những nơi có các trạm biến áp, đường dây điện giao chéo đi phía trên và ngầm ở dưới phải có phương án cải tạo hoặc di dời trạm biến áp, đường dây điện ra khỏi mặt bằng đảm bảo hành lang an toàn lưới điện mới thi công dự án. Kiên quyết xử lý vi phạm và xử phạt hành chính đối với các trường hợp cố tình vi phạm hành lang an toàn lưới điện, trồng cây để vi phạm hành lang.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị cơ quan truyền thông, báo chí trên địa bàn tăng cường phối hợp với Công ty Điện lực Thanh Hóa phát bản tin an toàn bảo vệ hành lang an toàn lưới điện, an toàn trong sử dụng điện, các biện pháp phòng tránh tai nạn điện đến đông đảo người dân.

Link gốc

 

Theo: Báo Thanh Hóa