Ảnh minh họa.
Theo trang tin Năng lượng CH Czech (Séc) oenergetice.cz, Nhật Bản có khả năng đạt được mục tiêu phát triển các nhà máy nhiệt điện sinh khối vào năm 2030, nhờ khối lượng lớn các dự án đã đủ điều kiện được hỗ trợ thuế nhập khẩu.
Theo lập luận, mục tiêu này cần đạt được mặc dù tốc độ đầu tư vào các dự án này dự kiến sẽ giảm trong thập kỷ tới.
Bộ Kinh tế, Năng lượng và Thương mại Nhật Bản (METI) dự kiến tổng công suất lắp đặt của các nhà máy nhiệt điện sinh khối ở Nhật Bản sẽ đạt 7,2 GW vào năm 2030, nếu chính phủ tiếp tục hỗ trợ các nguồn này.
Theo tính toán của METI, phần lớn sản lượng này là các nguồn đốt sinh khối gỗ (4,2 GW), khoảng 0,7 GW là nguồn đốt chất thải và khí sinh học, 2,3 GW còn lại là các nguồn lực đã được phê duyệt trước khi chương trình hỗ trợ hiện tại được đưa ra vào tháng 7/2012.
Đến tháng 9/2020, Nhật Bản đã phê duyệt 8.215 MW công suất lắp đặt nguồn sinh khối theo chương trình hỗ trợ hiện tại.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng đầu tư vào các dự án sinh khối mới sẽ chậm lại trong thập kỷ tới do áp lực đảm bảo nguồn cung cấp nhiên liệu ổn định và bền vững.
Kế hoạch trên của METI không bao gồm tác động của việc dự kiến đóng cửa phần lớn nhà máy nhiệt điện than hoạt động kém hiệu quả, dự kiến sẽ giảm lượng than trong cơ cấu điện của Nhật Bản từ 32% trong năm tài chính 2018 xuống 26% vào năm tài chính 2030.
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất năng lượng sinh khối Nhật Bản (BPA), phần lớn các nhà máy điện ngừng hoạt động có thể được thay thế bằng các nguồn đốt sinh khối. Việc chuyển đổi sang sinh khối được cho là có thể được thực hiện trên 1/2 công suất lắp đặt của các nhà máy nhiệt điện than liên quan đến việc đóng cửa.
Mục tiêu dài hạn của BPA là đạt được công suất lắp đặt các nguồn này ở mức 26,8 GW vào năm 2050, nhờ đó tỷ trọng sinh khối trong sản xuất điện ở Nhật Bản sẽ đạt gần 15% trong năm nay.
Link gốc
Theo: BNews