(Ảnh: Bloomberg)
Theo dự thảo chính sách năng lượng cơ bản đã sửa đổi, hiện Nhật Bản đang thúc đẩy năng lượng sạch, trong khi vẫn đáp ứng nhu cầu về điện ngày càng tăng.
Là quốc gia nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng lớn thứ hai thế giới và là nước tiêu thụ dầu mỏ lớn của Trung Đông, Nhật Bản và kế hoạch năng lượng cơ bản của Tokyo đang thu hút sự chú ý của các nhà sản xuất dầu, khí đốt và than trên toàn cầu.
Việc sử dụng nhiệt điện - đặc biệt là từ các nhà máy điện chạy bằng than kém hiệu quả - sẽ giảm xuống còn từ 30% - 40% vào năm 2040, từ mức 68,6% vào năm 2023, mặc dù dự thảo chính sách năng lượng không nêu rõ sự tỷ lệ của than, khí đốt và dầu.
"Cần phải sử dụng điện chạy bằng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) như một phương tiện chuyển đổi thực tế. Chính phủ cùng với khu vực tư nhân phải cùng nhau đảm bảo các hợp đồng LNG dài hạn để chuẩn bị cho các rủi ro như tăng giá và gián đoạn nguồn cung" - dự thảo cho biết.
Bản dự thảo chính sách của Bộ Công nghiệp Nhật Bản được công bố vào ngày 17/12 đề xuất tăng năng lượng tái tạo lên từ 40% đến 50% nguồn cung cấp điện trong năm 2040, tăng gấp đôi so với mức 22,9% trong năm tài chính 2023 và vượt mục tiêu từ 36% đến 38% vào năm 2030.
Mục tiêu điện hạt nhân năm 2040 của Nhật Bản phù hợp với kế hoạch năm 2030 là từ 20% đến 22%, bất chấp những thách thức mà ngành công nghiệp này phải đối mặt sau thảm họa Fukushima trong năm 2011. Điện hạt nhân chiếm 8,5% nguồn cung cấp điện của Nhật Bản vào năm 2023.
Kế hoạch năng lượng mới xóa bỏ mục tiêu trước đó là giảm sự phụ thuộc vào điện hạt nhân càng nhiều càng tốt và bao gồm kế hoạch xây dựng nhiều lò phản ứng thế hệ mới tại những địa điểm điện hạt nhân do các công ty khai thác sở hữu.
Trong khi trọng tâm chính của kế hoạch năng lượng trước đây là phi carbon hóa, những rủi ro địa chính trị gia tăng - bao gồm cả cuộc chiến Nga - Ukraine, kế hoạch năng lượng mới đã chuyển sự chú ý nhiều hơn sang an ninh năng lượng.
Dự báo năm 2040 cho rằng nhu cầu về điện sẽ tăng từ 12% đến 22% so với mức năm 2023. Tất cả các con số đều là tạm tính.
Mặc dù kế hoạch năng lượng hiện tại đến năm 2030 đặt mục tiêu các loại nhiên liệu mới như hydro và amoniac sẽ chiếm khoảng 1% trong tổng nguồn cung điện, nhưng kế hoạch cập nhật lại bỏ qua các mục tiêu cụ thể cho các loại nhiên liệu này.
Cuộc họp chung của các Bộ Công nghiệp và Môi trường vào tháng 11 đã công bố một dự thảo chiến lược kêu gọi cắt giảm 60% lượng khí thải nhà kính vào năm 2035 và cắt giảm 73% vào năm 2040 như một biện pháp để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Bản kế hoạch hoàn thiện sẽ được đệ trình lên Liên hợp quốc vào tháng 2/2025.
Link gốc