Tin thế giới

Châu Á và vấn đề hiệu quả năng lượng

Thứ sáu, 5/11/2010 | 09:23 GMT+7

Ngân hàng Phát triển châu Á  (ADB) đề ra một số sáng kiến nhằm cải thiện công tác quản lý năng lượng và nâng cao hiệu quả năng lượng ở các nước đang phát triển thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Bài báo của tác giả David Hayes viết về động thái này của ADB là ngoài các dự án nguồn điện, Ngân hàng sẽ còn cấp vốn đầu tư cho các dự án dạng dự án năng lượng khác.

Trong vòng 12 tháng qua, Ngân hàng phát triển châu Á (Asian Development Bank – ADB) đã phê duyệt các khoản vay cho các dự án quản lý năng lượng ở Trung Quốc và Philippin với dụng ý thực hiện các chương trình mẫu cho các dự án tương tự ở các nước khác trong tương lai. Phải mất nhiều năm chuẩn bị cho hai chương trình này bởi vì chính phủ Trung Quốc và Philippin cần có thời gian cân nhắc các ưu điểm của việc đầu tư vào tiết kiệm và hiệu quả năng lượng thay vì theo cách làm truyền thống là xây dựng các nhà máy điện mới để thỏa mãn nhu cầu điện năng gia tăng.

Giá điện ở Philippin thuộc loại cao nhất châu Á và do đó một tỉ lệ lớn thu nhập của các hộ gia đình được chi dùng cho năng lượng. Mặc dù chính phủ đang tập trung hướng vào việc sử dụng nguồn điện từ năng lượng tái tạo ở địa phương và đưa vào áp dụng cạnh tranh trong phân phối điện thông qua việc mở rộng đấu nối nguồn, tuy nhiên lợi ích từ các sáng kiến đó đòi hỏi có thời gian để phát huy hiệu quả. Do đó chính phủ Philippin quyết định là cần có các phương pháp khác để nâng cao hiệu quả năng lượng trong trung và ngắn hạn.

Tháng 1/2009, ADB trao cho Bộ Năng lượng Philippin khoản vay 31 triệu USD cho một chương trình nâng cao hiệu quả năng lượng với chi phí 46 triệu USD nhằm cắt giảm sản xuất và tiêu thụ điện cho chiếu sáng nhà ở, văn phòng và các nơi khác. Ngoài ra, dự án còn bao gồm việc thành lập một siêu công ty dịch vụ năng lượng thuộc Công ty Dầu mỏ Quốc gia Philippin, với nhiệm vụ hỗ trợ phát triển các công ty dịch vụ năng lượng khác nhằm giúp đỡ các hộ tiêu thụ công nghiệp, thương mại..., nâng cao hiệu quả năng lượng.

Các công ty dịch vụ năng lượng (energy service company - ESCO) đã có chỗ đứng tương đối vững chắc ở nhiều nước như Mỹ, Canada, Úc và Anh, giúp các khách hàng là các hộ sử dụng điện cải thiện việc quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng để cắt giảm tiêu thụ và chi phí năng lượng. Các công ty ESCO thường đầu tư vào các công trình tiết kiệm năng lượng cho khách hàng và được trả tiền về các khoản năng lượng đã tiết kiệm được. Siêu công ty ESCO hỗ trợ phát triển các công ty ESCO và cung cấp tài chính cho các dự án.

Dự án bóng đèn huỳnh quang Compact của Philippin

Dự án của ADB sẽ làm giảm nhu cầu phụ tải đỉnh ở Philippin bằng cách tạo điều kiện để chính phủ thực hiện chương trình hiệu quả năng lượng nhằm vào chiếu sáng hiệu quả. Gần 40 toà nhà cơ quan chính phủ sẽ được thay thế phần chiếu sáng dùng đèn hiệu suất cao, đồng thời Bộ Năng lượng nước này sẽ mua 13 triệu bóng đèn huỳnh quang compact (CFL) để phân phối cho các hộ gia đình và các khách hàng khác nhằm giảm nhu cầu phụ tải đỉnh. Dự án này cũng bao gồm việc thành lập một phòng thí nghiệm để thử nghiệm các thiết bị có hiệu suất năng lượng cao.

Theo dự báo, nhu cầu điện năng của Philippin có mức tăng trưởng khoảng 6% từ năm 2008 đến năm 2014, do đó đòi hỏi xây mới 4.000 MW công suất nguồn. Theo dự báo tới năm 2012 sẽ xảy ra thiếu điện ở hòn đảo chính Luzon (thủ đô Manila nằm trên hòn đảo này), và ở khu vực trung tâm Visayos khi mà nhu cầu năng lượng gia tăng và vượt quá công suất nguồn hiện có.

Nhu cầu phụ tải đỉnh xảy ra vào buổi tối ở phần lớn các khu vực nông thôn khi các gia đình bật đèn trong nhà. Trái lại, thời gian phụ tải đỉnh ở phần lớn thành phố lớn và thị trấn lại xảy ra vào cuối buổi chiều các ngày làm việc khi các văn phòng sử dụng máy điều hòa nhiệt độ nhiều nhất.

Một phần chủ yếu trong nhu cầu phụ tải đỉnh ở nông thôn là do sử dụng bóng đèn sợi đốt trong các gia đình, bóng đèn tuýp hiệu suất thấp tại các văn phòng, nhà xưởng và chiếu sáng kém hiệu quả ở các quốc lộ. Các nghiên cứu do Liên Hợp Quốc tiến hành cho thấy chiếu sáng hiệu quả sẽ cắt giảm được 40% nhu cầu điện ở Philippin. Bộ Năng lượng nước này tính toán rằng có thể tiết kiệm gần 1.300 MW nhu cầu phụ tải đỉnh bằng cách chuyển sang sử dụng bóng đèn hiệu suất cao.

Theo Hiệp hội ngành chiếu sáng Philippin thì hơn 40 triệu bóng đèn sợi đốt đang được sử dụng ở các vùng nông thôn. Chỉ 20% năng lượng bóng đèn sợi đốt tiêu thụ biến thành ánh sáng, 80% năng lượng còn lại tiêu tán vô ích ở dạng nhiệt. Còn bóng đèn huỳnh quang compact thì sử dụng toàn bộ điện năng đầu vào để sản sinh ánh sáng, tiết kiệm được 80% năng lượng sử dụng.

Các nghiên cứu của Bộ Năng lượng Philippin chỉ ra rằng dự án hiệu quả năng lượng của ADB sẽ giúp chính phủ hoãn sử dụng 450 triệu USD cho đầu tư vào các nhà máy điện mới và tiết kiệm gần 100 triệu USD hằng năm về chi phí nhiên liệu.

Vốn đầu tư từ chương trình CFL sẽ bắt đầu được thu hồi sau chưa đầy một năm, tạo ra dòng tiền dương ngay từ ban đầu. Tín dụng cacbon sẽ có thể nhận được theo Cơ chế phát triển sạch (Clean Development Mechanism - CDM), nhờ đó tiết kiệm thêm được chi phí cho dự án. Thêm vào đó, sự phát triển ngành công nghiệp ESCO tự đứng vững về tài chính sẽ khuyến khích việc xây dựng trong tương lai các nhà máy, các toà nhà thương mại và nhà ở hiệu quả về năng lượng và môi trường.

Các dữ liệu do Chương trình khung Liên Hiệp Quốc về Thay đổi khí hậu (UNFCC) công bố cho thấy để đáp ứng yêu cầu chiếu sáng đòi hỏi 320 tổ máy phát điện chạy bằng than nhưng chỉ cần 224 tổ máy phát điện tuabin khí hiệu suất cao, nhờ vậy tiết kiệm được tới 30% nguồn điện.

Bóng đèn CFL
Ông Sohail Hasnie, chuyên gia cao cấp về năng lượng Ban Cơ sở hạ tầng thuộc Vụ Đông Nam Á của ADB giải thích: “Dự án Philippin của chúng tôi liên quan đến việc giảm từ 320 xuống còn 224 tổ máy phát điện cho yêu cầu chiếu sáng, nhưng có thể giảm xuống chỉ còn 64 tổ máy khi sử dụng đèn CFL. Chúng tôi đã thuyết phục thực hiện dự án bằng cách nói rằng bóng đèn CFL 13 W sáng tương đương với bóng đèn sợi tóc 60 W và như vậy tiết kiệm được 50% điện năng sử dụng. Với một triệu bóng đèn CFL, các bạn có thể tiết kiệm 50 MW công suất nguồn. Mua một triệu bóng đèn CFL ở Philippin mất 1 triệu USD trong khi đó để xây dựng nhà máy điện 50 MW cần chi phí 50 triệu USD.”

“Đèn CFL sáng được 8 năm, không phải trả chi phí bảo trì. Còn nhà máy điện hoạt động được 20 năm và phải trả chi phí bảo trì. Mặt khác, do không thải CO2, mỗi bóng đèn CFL sẽ tiết kiệm được từ 0,5 đến 1 USD do nhận được khoản tín dụng cacbon CDM. Chính phủ Philippin có thể làm đơn gửi UNFCC để nhận được tín dụng cắt giảm phát thải và sau đó bán tín dụng này trên thị trường.”

Dự án này được thiết kế để nâng cao nhận thức của người tiêu thụ về hiệu quả và tiết kiệm năng lượng bởi vì 13 triệu bóng đèn CFL sẽ được phát không cho các hộ gia đình. Để nhận được bóng đèn CFL, các hộ gia đình phải giao lại các bóng đèn cũ và xuất trình hóa đơn tiền điện. Để đảm bảo dự án chiếu sáng này không gây ô nhiễm môi trường, chính phủ sẽ xây dựng nhà máy thu hồi thủy ngân để tái chế đèn CFL và đèn ống huỳnh quang.

Ông Hasnie nói: “Đây là dự án mẫu. Bộ Năng lượng Philippin dự kiến bắt đầu dự án vào tháng 8/2009 bằng việc phân phối 5 triệu bóng đèn CFL ở thủ đô Manila, tỉnh Cebu, các thành phố Davao và Cagayan d'Oro. Bốn công ty điện lực và hơn 100 hợp tác xã điện lực sẽ tham gia dự án này. Bộ Năng lượng dự kiến phân phối toàn bộ 13 triệu CFL vào cuối năm 2009, từ 2 đến 4 bóng đèn CFL cho mỗi hộ gia đình.”

Giá bóng đèn CFL là 3 USD trên thị trường tự do, nhưng chính phủ đã mua với giá mỗi bóng 1 USD, thông qua đấu thầu. Một nhà cung cấp đã thắng thầu hợp đồng cung cấp 5 triệu bóng đèn compact và sẽ làm việc với chính phủ và các tổ chức phi chính phủ (NGO) trong việc phân phối đèn.

Sử dụng phương pháp chiếu sáng giá rẻ để tiết kiệm năng lượng là giai đoạn đầu tiên trong chiến lược hai giai đoạn mà ADB có kế hoạch để hoàn thiện việc quản lý năng lượng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ở giai đoạn hai, ADB sẽ nhằm vào mục tiêu sử dụng máy điều hòa không khí và tủ lạnh để tiết kiệm năng lượng. Hiện nay có gần 4 triệu máy điều hòa không khí đang được sử dụng ở Philippin, số tủ lạnh còn lớn hơn nhiều. Hiện ADB đang xem xét làm sao có thể chuyển các lợi ích cho người sử dụng, và đây là một phần trong quá trình lập kế hoạch dự án này.

Theo: QLNĐ số 10/2010