Nhiệt điện Vĩnh Tân 4: Góp phần giải bài toán an ninh năng lượng quốc gia

Thứ sáu, 21/5/2021 | 09:17 GMT+7
Vận hành hiệu quả và an toàn, lượng điện sản xuất của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 đã đạt và vượt so với kế hoạch được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giao, góp phần đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất, sinh hoạt nhân dân và cho an ninh quốc phòng.

CBCNV-NLĐ điều khiển vận hành sản xuất điện.

Hoàn thành nhiều chỉ tiêu sản xuất kinh doanh
 
Góp phần cùng hệ thống điện giải bài toán an ninh năng lượng quốc gia, đảm bảo đời sống sinh hoạt và sản xuất là mục tiêu quan trọng Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 đề ra kể từ khi mới đi vào vận hành đến nay. Kiên định cho mục tiêu lớn đó, thời gian qua, nhiều giải pháp đã được nhà máy đề ra nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh điện năng hiệu quả.
 
Chỉ tính riêng năm 2020, dù chịu ảnh hưởng lớn từ đại dịch Covid-19, song kế hoạch sản xuất, cung ứng điện năm 2020 đã được Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 hoàn thành theo đúng kế hoạch được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giao. Trong đó, sản lượng điện phát của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 4 mở rộng (gồm 3 tổ máy S1, S2 và S3) tính đến ngày 31/12/2020 là 11.765,07/11.603 triệu kWh, đạt 101,4% và vượt 162,07 triệu kWh so với kế hoạch. Bên cạnh đó, Nhà máy Điện Mặt trời Phước Thái 1 cũng đóng góp sản lượng điện phát là 31,761 triệu kWh điện.
 
4 tháng đầu năm 2021, mặc dù sản xuất kinh doanh trong bối cảnh gặp khó khăn về đại dịch Covid-19 nhưng tập thể cán bộ công nhân viên nhà máy đã nỗ lực đảm bảo sản lượng phát theo kế hoạch được EVN giao. Trong đó, sản lượng điện phát của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 4 mở rộng (gồm 3 tổ máy S1, S2 và S3) tính đến ngày 30/04/2021 là 3.305,65/10.800 triệu kWh, đạt 30,61% kế hoạch cả năm và đạt 48,53% kế hoạch mùa khô năm 2021. Nhà máy Điện mặt trời Phước Thái 1 đạt sản lượng điện phát là 27,098 triệu kWh/75,00 triệu kWh, đạt 36,13% so với kế hoạch cả năm.
 
Kết quả sản xuất kinh doanh của công ty tương đối khả quan một phần nhờ đã hoàn thành công tác sản xuất, tiếp nhận vận hành thương mại Nhà máy Nhiệt Điện mặt trời Phước Thái 1, từ đó cung cấp một lượng đáng kể điện năng cho hệ thống điện quốc gia. Từ ngày đưa vào vận hành thương mại (09/7/2020) đến nay, Nhà máy đã thực hiện tốt công tác quản lý vận hành sản xuất điện, đảm bảo sản xuất an toàn, liên tục.
 
Nhà máy cũng đồng thời triển khai thi công lắp đặt điện mặt trời áp mái theo chỉ đạo của EVN, đưa vào vận hành, phát điện vào ngày 27/12/2020. Tính đến hết ngày 31/12/2020, sản lượng điện phát của nhà máy đã đạt được 5.700 kWh. Sản lượng điện đạt được tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn đối với nhà máy trong việc triển khai chỉ đạo của EVN đối với việc tận dụng nguồn năng lượng tái tạo, góp phần tiết kiệm điện tự dùng của nhà máy. Việc thi công thành công và đưa vào vận hành nhà máy điện mặt trời áp mái này là cơ sở để Nhà máy tiếp tục đề xuất EVN cho phép triển khai mô hình này tại các mái nhà xưởng trong khu vực nhà máy theo chỉ đạo của EVN tại văn bản số 2641/EVN-KD ngày 23/05/2019
 
Bên cạnh hiệu quả sản xuất kinh doanh điện, các chỉ tiêu khác của nhà máy cũng đạt tương đối tốt như suất tiêu hao than của nhà máy nhiệt điện đã giảm đáng kể; hệ số khả dụng ngày càng được nâng cao, suất sự cố giảm; các chỉ tiêu sửa chữa đạt tiến độ đề ra…
 
Đồng thời, công tác vận hành an toàn, đảm bảo môi trường được nhà máy quan tâm, đặt lên hằng đầu. Trong quá trình vận hành, tất cả các thông số về nước thải, khí thải luôn đảm bảo tốt hơn so với quy chuẩn cho phép và được công khai trên màn hình điện tử, truyền dữ liệu trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận 24/24h để phục vụ công tác giám sát. Trong thời gian qua, nhà máy không để xảy ra sự cố môi trường nào.
 
Song song với hoạt động sản xuất – kinh doanh, nhà máy cũng đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan trong việc giữ gìn an ninh trật tự; làm tốt công tác an sinh xã hội, hỗ trợ địa phương trong xây dựng nông thôn mới.
 
Chú trọng hoạt động đào tạo nhân lực
 
Xác định hoạt động đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nhà máy đã đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo nhân lực. Trong năm 2020, Nhà máy tổ chức được 6 đợt thi độc lập chức danh với tổng số 252 người lao động (NLĐ), trong đó có 164 người lao động được công nhận độc lập chức danh. Nhà máy đã tổ chức 3 đợt thi nâng bậc, giữ bậc với tổng số 119 người lao động được đưa vào diện thi giữ bậc và 66 người lao động được xét đưa vào diện thi nâng bậc.

Nhiệt điện Vĩnh Tân 4: Góp phần giải bài toán an ninh năng lượng quốc gia
Khai giảng lớp đào tạo chuyên gia thí nghiệm hiệu chỉnh lò hơi tuabin trong nhà máy Nhiệt điện than.
 
Để tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho người lao động, trong năm 2020, Nhà máy đã tổ chức 26 khóa đào tạo, trong đó có 05 khóa đào tạo kỹ năng, 05 khóa huấn luyện, diễn tập và 16 khóa đào tạo bồi dưỡng nâng cao về chuyên môn nghiệp vụ với trên 2300 lượt đào tạo. Việc học tập trên phần mềm trực tuyến E-learning đã được triển khai đến từng phòng ban, phân xưởng theo hướng sử dụng nguồn bài giảng sẵn có trên hệ thống, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng phòng ban, phân xưởng. Nhà máy còn khuyến khích cán bộ nhân viên, người lao động công ty tự tìm hiểu, tự lập kế hoạch đào tạo cá nhân ngoài những bài giảng theo kế hoạch của Nhà máy. Tính đến 31/12/2020, Nhà máy đã triển khai học 38 bài giảng với 7179 lượt học đạt và 4157 lượt học theo kế hoạch cá nhân, trung bình mỗi CBNV, NLĐ của Nhà máy học 19,47 lượt/người/năm, vượt chỉ tiêu giao của Tập đoàn là 10 lượt/người/năm. Cả năm 2020, Nhà máy đã thực hiện trên 2.700 lượt đào tạo, đạt tỷ lệ trên 106% với tổng chi phí trên 5,5 tỷ đồng.
 
Bước sang quý I năm 2021, nhà máy tiếp tục tổ chức đào tạo, thi chức danh đợt 1 năm 2021 với tổng số 91 người lao động. Đồng thời ký 3 Hợp đồng với tổng chi phí hơn 1,35 tỷ đạt 25,2% gồm 9 khóa đào tạo tổ chức trong quý I và Quý II, trong đó có 3 khóa đào tạo được thực hiện trong quý I nhằm đào tạo bồi dưỡng cập nhật kiến thức đấu thầu nâng cao, kỹ năng sư phạm nội bộ nâng cao, kỹ năng giao tiếp nội bộ với tổng số trên 200 lượt đào tạo. Việc đào tạo E-learning tiếp tục được triển khai với tối thiểu mỗi cán bộ nhân viên, người lao động học đạt 02 bài giảng trong tháng và các đơn vị vẫn đang thực hiện đúng theo kế hoạch. Việc không ngừng đào tạo nguồn nhân lực giúp công ty có được nguồn lực chất lượng, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh trong năm 2021 và những năm tiếp theo.

Link gốc
Theo: Báo Công Thương